Quan điểm của hai ứng viên Tổng thống Mỹ về hoạt động fracking

10:40 | 01/11/2024

|
(PetroTimes) - Trong suốt quá trình vận động tranh cử, hai ứng viên Tổng thống Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm muốn giữ giá nhiên liệu ở mức thấp, song ông Trump muốn thúc đẩy khai thác dầu khí, còn bà Harris ủng hộ năng lượng sạch.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và ông Donald Trump. Ảnh: NBC
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và ông Donald Trump. Ảnh: NBC

Trong cuộc tranh luận nảy lửa gần đây, ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục khẳng định rằng Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ cấm fracking (bẻ gãy thủy lực) nếu bà trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Ông Trump nhấn mạnh: “Nếu Harris thắng cử, hoạt động fracking ở Pennsylvania sẽ kết thúc vào ngày đầu tiên bà ấy nhậm chức”.

Đáp lại, bà Harris tuyên bố: “Tôi sẽ không cấm fracking. Tôi chưa cấm fracking với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ. Nếu trở thành Tổng thống, tôi sẽ không cấm khai thác khí đá phiến. Chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế năng lượng sạch thịnh vượng mà không cần cấm khai thác khí đá phiến”.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 29/8 đã đưa ra lời giải thích lý do tại sao bà thay đổi một số lập trường của mình về vấn đề khai thác khí đá phiến và nhập cư. Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với đài CNN, bà Harris nói rằng các giá trị của bà không thay đổi, nhưng thời gian làm Phó Tổng thống đã mang đến góc nhìn mới về một số vấn đề cấp bách nhất của đất nước.

Thực tế cho thấy, tuyên bố của ông Trump không phải là không có cơ sở, như bà Harris trước đây đã từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2019.

Phát biểu kể trên cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của bà Harris. Trong một cuộc thảo luận về khủng hoảng khí hậu vào tháng 9-2019 do CNN tổ chức, bà Harris được hỏi liệu bà có cam kết thực hiện lệnh cấm liên bang đối với fracking trong ngày đầu tiên nhậm chức hay không.

“Không có gì nghi ngờ việc tôi ủng hộ cấm fracking, và bắt đầu với những gì chúng ta có thể làm vào ngày đầu tiên trên cương vị mới”, bà Harris nói vào thời điểm đó. Ngay cả Tổng thống Joe Biden cũng đã vận động “không có fracking mới” trước khi điều chỉnh quan điểm của mình để thừa nhận sự cần thiết của fracking như một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng.

Sự thật là các ứng cử viên chính trị thường đưa ra những tuyên bố để thu hút người ủng hộ họ. Cho dù bà Harris đang chiều theo hay thực sự tin rằng nên cấm fracking thì hiện tại không có cách nào thực tế để ngăn chặn điều đó.

Công nghệ fracking, xuất hiện từ cuối những năm 1940, đã dẫn đến sự bùng nổ khai thác dầu khí đá phiến ở Mỹ khi kết hợp với khoan ngang khoảng 20 năm trước. Sự gia tăng sản lượng này đã đưa Mỹ trở thành nhà khai thác dầu và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới.

Hầu hết các hoạt động khai thác diễn ra trên đất tư nhân, có nghĩa là, ngay cả khi ông Trump chắc chắn về điều ông nói, thì bà Harris cũng sẽ không có thẩm quyền chấm dứt hoạt động fracking ở Pennsylvania vào ngày đầu tiên nhậm chức.

Sẽ cần phải có luật mới để ngăn chặn fracking và do vai trò quan trọng của nó trong khai thác năng lượng của Mỹ, rất khó có khả năng Quốc hội sẽ thông qua một đạo luật như vậy.

Các chuyên gia lĩnh vực năng lượng với hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành dầu mỏ vẫn không tin lệnh một cấm fracking sẽ xảy ra trong tương lai.

Nhờ công nghệ khai thác dầu đá phiến, Mỹ gần đây trở thành nước khai thác dầu khí lớn nhất thế giới. Việc này diễn ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, bất chấp việc ông tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự tham vọng về biến đổi khí hậu.

Bình An

Reuters/NBC