Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu (Tiếp theo và hết)

10:51 | 15/04/2021

|
Trong nước, Qatar đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tiêu thụ điện lên 20% từ năm 2024, đồng thời phát triển các hệ thống giao thông công cộng mới, bao gồm cả các dự án taxi điện và xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG).

Kỳ 2: Lợi thế và thách thức

Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu (Tiếp theo và hết)
Điện mặt trời là thế mạnh của Qatar

Tiềm năng điện mặt trời khổng lồ

Qatar và các nước GCC có tiềm năng cao nhất thế giới về khai thác năng lượng mặt trời, dựa vào lượng nắng hằng năm (bao gồm số giờ có nắng và cường độ mặt trời). Chưa kể, tháng 7, 8 và 9 hằng năm là thời điểm toàn khu vực có lượng điện tiêu thụ đạt mức cao nhất, do nhu cầu sử dụng điều hòa không khí rất cao, đồng thời cũng là thời gian chiếu xạ mặt trời mạnh nhất trong năm.

Do đó, sự phát triển của công nghệ điện mặt trời là lĩnh vực năng lượng hứa hẹn nhất đối với Qatar. Vào đầu năm 2020, Qatar công bố sẽ xây dựng một nhà máy điện mặt trời với công suất đỉnh 800 MW tại Al Kharsaah, bao gồm 2 triệu mô-đun quang điện hai mặt (công nghệ Bifacial) kết hợp thiết bị theo dõi trải rộng trên 1.000 ha. Nhà máy Điện mặt trời Al-Kharsaah sẽ được xây dựng trên 10km2 gần thủ đô Doha, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.

Nhà máy Điện mặt trời Al-Kharsaah sẽ đạt công suất cực đại khi bức xạ mặt trời đạt đỉnh vào buổi trưa - thời gian có nhu cầu sử dụng điện cao nhất trong ngày. Với hệ thống mô-đun quang điện hai mặt kết hợp thiết bị theo dõi nhằm căn chỉnh góc độ hấp thụ ánh sáng mặt trời, mối tương quan giữa sản xuất điện mặt trời và nhu cầu điện sẽ được củng cố.

Tập đoàn năng lượng Total (Pháp) và Tập đoàn thương mại và đầu tư Marubeni (Nhật Bản) sẽ tài trợ Dự án Nhà máy Điện mặt trời Al-Kharsaah, với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 500 triệu USD (tức 0,6 USD/Wp cho công nghệ Bifacial kèm bộ theo dõi). Con số này cho thấy lĩnh vực năng lượng mặt trời đang có xu hướng giảm chi phí liên tục và không ngừng. Với việc sử dụng các thiết bị theo dõi với mô-đun hai mặt, hệ số tải của nhà máy điện mặt trời có thể vượt quá 30% - mức đặc biệt cao trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, do hệ số tải của nhà máy điện mặt trời trung bình trên thế giới chỉ khoảng 20%.

Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu (Tiếp theo và hết)
Nước ngọt là vấn đề lớn của Qatar trong biến đổi khí hậu

Điện và nước - Hai mối quan tâm chính

Điện mặt trời có thể đóng một vai trò trung tâm trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện và nước ở Qatar, do hai lĩnh vực này có mối liên hệ với nhau (các nhà máy nhiệt điện khí lớn có thể sản xuất nước từ quá trình khử muối). Tuy nhiên, nhu cầu nước và điện vào mùa hè rất cao: Đỉnh điện đạt khoảng 8 GW, gấp đôi công suất so với mùa đông; còn nhu cầu nước thì cao hơn khoảng 20%.

Cần lưu ý, trong những năm gần đây, nhu cầu điện ở Qatar đã tăng nhanh hơn gấp 3 lần so với mức trung bình của thế giới do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước và các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Mức tiêu thụ điện cao cũng do sự trợ cấp giá chính phủ khiến giá điện gần như “miễn phí” ở Qatar, phù hợp với mọi mục đích sử dụng.

Nhu cầu nước ngọt ở Qatar đang tăng với tốc độ 12%/năm, chủ yếu do ngành công nghiệp phát triển, tăng trưởng dân số cũng như tăng cường tưới tiêu trong ngành nông nghiệp và quá trình chống sa mạc hóa. Từ đó, quá trình khử muối bị đẩy mạnh đáng kể, góp phần làm tăng mức tiêu thụ điện năng.

Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu (Tiếp theo và hết)
Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu (Tiếp theo và hết)

Tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo

Qatar đang triển khai một loạt các biện pháp nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính và khẳng định vị thế là quốc gia đi đầu trong việc phát triển các công nghệ mới.

Trong nước, Qatar đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tiêu thụ điện lên 20% từ năm 2024. Đồng thời, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Qatar còn là hiện thực hóa sự phát triển các hệ thống giao thông công cộng mới, bao gồm cả các dự án taxi điện và xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG).

Qatar đã thành lập các cơ quan chính thức để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (ví dụ như Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu - cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm xây dựng chính sách khí hậu). Hơn nữa, Qatar đã tham gia chương trình giảm thiểu khí nhà kính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp hội Giảm thiểu phát thải khí toàn cầu (GGFR). Cụ thể hơn, Công ty dầu mỏ quốc gia Qatar Petroleum đặt mục tiêu “không phát thải khí” vào năm 2030. Mục tiêu này sẽ giúp phát triển thêm những hiểu biết mới cho các vùng sản xuất khí đốt khác. Qatar Petroleum đang thúc đẩy các dự án thu giữ và lưu trữ carbon khi nhận thấy khách hàng ngày càng lựa chọn các nguồn tài nguyên phát thải carbon thấp.

Qatar sẽ cần nỗ lực đầu tư vào công nghệ năng lượng carbon thấp, bằng cách phát triển các mục tiêu về hiệu quả năng lượng và nồng độ carbon. Qua đó, thách thức của Qatar là sự dung hòa giữa các mục tiêu mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với sự phát triển ngành năng lượng trong nước, cùng với những lĩnh vực mới và “sạch hơn”.

Trong những năm gần đây, nhu cầu điện ở Qatar đã tăng nhanh hơn gấp 3 lần so với mức trung bình của thế giới do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước và các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Mức tiêu thụ điện cao cũng do sự trợ cấp giá chính phủ khiến giá điện gần như “miễn phí” ở Qatar.
Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu

S.Phương