Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu

10:47 | 09/04/2021

|
Qatar hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong bối cảnh cuộc chiến chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, cùng áp lực đa dạng hóa kinh tế đất nước.

Kỳ I: Tận dụng lợi thế để dẫn đầu

Tuy là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ 4, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất và nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 14 thế giới, nhưng Qatar phụ thuộc vào hydrocarbon để đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia. Do đó, khoảng 96,5% lượng phát thải khí nhà kính xuất phát từ ngành năng lượng.

Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu
Tiêu thụ năng lượng ở Qatar tăng gần gấp đôi từ năm 2009-2019

Từ năm 2009 đến năm 2019, tiêu thụ năng lượng tại Qatar tăng gần gấp đôi và đang có xu hướng tăng thêm trong một thập niên tới nếu xét đến tình hình tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế mạnh mẽ trong nước. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2000-2020, tăng trưởng dân số của Qatar tới 30%, tăng trưởng kinh tế đạt 56%.

Trong thập niên gần đây, sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế các nước GCC (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh) nói chung và Qatar nói riêng đã dẫn đến giá dầu khí tăng cao. Nhưng từ nay, theo kế hoạch Tầm nhìn quốc gia Qatar 2030 và Chiến lược phát triển quốc gia lần thứ 2 (2018-2022), Qatar muốn đa dạng hóa kinh tế trong nước để trở nên ít phụ thuộc hơn vào hydrocarbon, đồng thời khuyến khích sử dụng những loại tài nguyên bền vững.

Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu
Các nhà khoa học châu Âu xem dữ liệu của NASA tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Doha, Qatar

Biến đổi khí hậu - Mối đe dọa chính

Biến đổi khí hậu sẽ tác động đến môi trường, kinh tế và có thể là cả chính trị và an ninh Qatar và các nước GCC. Tình trạng này cũng làm trầm trọng các vấn đề vốn đã tồn tại như gia tăng dân số, thiếu nước sạch, vệ sinh thực phẩm, đồng thời làm phát sinh vấn đề mới, như nguy cơ dịch bệnh...

Mặt khác, các nước sản xuất dầu khí Trung Đông đã và sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ vị trí địa lý khắc nghiệt và khí hậu nóng gắt.

Các vấn đề trên sẽ trầm trọng hóa “làn sóng” thời tiết cực đoan với các đợt hạn hán diễn ra thường xuyên và kéo dài hơn, dẫn đến tỷ lệ sa mạc hóa trầm trọng, thiếu nước ngọt và mất đa dạng sinh thái. Khu vực Trung Đông sẽ phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ không thích hợp để sinh sống, cũng như mực nước biển dâng, gây nguy hiểm đến toàn bộ cơ sở hạ tầng ven biển.

Nền kinh tế Qatar và các nước GCC cũng đang rất mong manh, vì phụ thuộc phần lớn vào khai thác và xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Nỗ lực giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến doanh thu cũng như khả năng thích ứng với sự biến đổi khí hậu của Qatar.

Đóng góp vào chuyển dịch khí hậu toàn cầu

Qatar xếp hạng 3 trong số các quốc gia có trữ lượng khí tự nhiên đã được xác minh trên toàn thế giới (24.700 tỉ m3 vào cuối 2019, chiếm khoảng 12,4% trữ lượng khí tự nhiên đã xác minh trên toàn thế giới). Do đó, trước bối cảnh chống biến đổi khí hậu, Qatar muốn chứng minh lợi thế của khí tự nhiên so với nhiên liệu hóa thạch vốn có nồng độ carbon cao hơn.

Qatar trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng toàn cầu
Khí đốt tự nhiên là một lợi thế lớn cho Qatar

Từ năm 2009-2019, lượng khí tự nhiên tiêu thụ toàn cầu đã tăng lên 1/3. Theo đó, khí tự nhiên đóng vai trò chính yếu trong chiến lược khử carbon của nhiều quốc gia, bằng cách thay thế than và dầu mỏ trong quá trình sản xuất điện. Số liệu hiện nay cho thấy, hoạt động đốt khí tự nhiên có tỷ lệ phát thải ít hơn khoảng 50% so với than.

Theo thời gian, để đạt mục tiêu hạn chế nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng 20C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, ngành điện cần chuyển dịch từ khí tự nhiên sang năng lượng tái tạo. Càng nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, thế giới càng cần phải giảm sự phụ thuộc vào hydrocarbon, bao gồm cả khí tự nhiên.

Trong cuộc đua thời gian mang tên “chuyển dịch khí hậu”, Qatar có thể đóng vai trò dẫn đầu. Xa hơn cả khí tự nhiên, Qatar cũng như vùng Trung Đông phải triển khai công nghệ mới hơn, thông minh hơn nhằm phát triển một ngành dịch vụ năng lượng ít rác thải hơn và có hệ thống điều hành năng lượng tốt hơn. Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sẽ đóng vai trò trung tâm trong quá trình đổi mới này.

Công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2 (CCSU) có thể giúp Qatar cũng như các nước GCC khác duy trì hoạt động kinh tế thiên về hydrocarbon, đồng thời giảm nhẹ hệ quả xấu của nền kinh tế. Theo đó, sự phát triển của công nghệ CCSU sẽ đưa Qatar lên tiền tuyến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Để phát triển thành công một nhánh mới trong lĩnh vực năng lượng, Qatar cần phải ưu tiên hỗ trợ công nghệ CCSU bằng cách triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đặc thù, điều mà các nước khác đã làm, ví dụ như trường hợp phát triển cồn sinh học ở Brazil, năng lượng sinh học ở Thụy Điển, phong điện ở Đan Mạch hay quang điện ở Nhật Bản. Qatar cần lấy cảm hứng từ các ví dụ này.

Từ năm 2050 và trở đi, Qatar có thể tận dụng lợi thế vị trí địa lý chiến lược của mình để tự tái sinh thành một trung tâm toàn cầu chuyên về đổi mới công nghệ năng lượng mặt trời. Và Trung Đông cũng có thể trở thành nền kinh tế khí hydro “xanh” hoặc “xanh lam” lớn, bằng cách tận dụng các vỉa hydrocarbon cũ để lưu trữ CO2.

Theo thời gian, để đạt mục tiêu hạn chế nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng 20C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, ngành điện cần chuyển dịch từ khí tự nhiên sang năng lượng tái tạo. Càng nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, thế giới càng cần phải giảm sự phụ thuộc vào hydrocarbon, bao gồm cả khí tự nhiên.

S.Phương