Phân tích: Áp giá trần đối với dầu Nga có phải “con dao hai lưỡi”

11:48 | 06/07/2022

|
(PetroTimes) - Vào đầu tháng 6, Liên minh Châu Âu và Anh đã đồng ý cấm các công ty bảo hiểm và tài trợ cho việc vận chuyển, đặc biệt là thông qua các tuyến hàng hải, dầu của cho các bên thứ ba vào cuối năm 2022 để gây khó khăn cho việc xuất khẩu dầu thô của Nga ra thế giới.
Phân tích: Áp giá trần đối với dầu Nga có phải “con dao hai lưỡi”

Đây là một thỏa thuận lớn, song hành cùng kế hoạch của các nước áp đặt giá trần đối với dầu Nga. Các công ty châu Âu và Anh chiếm khoảng 85% đến 90% hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm và tài trợ cho dầu đường biển của Nga. Các chủ tàu chở dầu thuộc bất kỳ quốc tịch nào sẽ phải từ chối chở dầu của Nga. Các tuyến đường biển như kênh đào Suez không cho phép các tàu không có bảo hiểm đi qua. Mặc dù Nga có các công ty bảo hiểm thuộc sở hữu nhà nước Nga có thể cung cấp tái bảo hiểm mà các công ty của Anh và châu Âu không làm. Nhưng các công ty Nga không có danh tiếng như các công ty bảo hiểm của Anh và Châu Âu, và phạm vi bảo hiểm của họ có thể không được các cảng và kênh đào chính chấp nhận, các công ty bảo hiểm Ấn Độ và Trung Quốc cũng vậy.

Lệnh cấm bảo hiểm này sẽ gây tổn hại cho Nga khi giảm xuất khẩu dầu của nước này. Nhưng sự hạn chế dẫn đến nguồn cung dầu ra thị trường thế giới sẽ khiến giá dầu thậm chí còn cao hơn hiện tại, theo nhà phân tích kinh tế David Wessel thuộc Trung tâm Chính sách tài chính và Tiền tệ Hutchins.

Các nhà phân tích tại Barclays thì nói rằng việc gián đoạn xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga có thể đẩy giá dầu lên trên 200 đô la/thùng.

Bộ Tài chính Mỹ nghĩ ra một cách để ngăn lệnh trừng phạt này làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới là miễn trừng phạt tài chính và bảo hiểm các lô dầu của Nga được bán với giá thấp hơn một số giá niêm yết công khai, với mục tiêu được hiểu là nếu Nga bán dầu dưới giá trần thì sẽ không chịu lệnh trừng phạt về bảo hiểm và tài chính. Những “mệnh lệnh” của giới cầm quyền phương Tây đang lộ rõ sự lúng túng, không rõ ràng, chưa nói đến sự thống nhất của các nước trong khối EU và các nước nhập khẩu dầu khác.

Một câu hỏi rất lớn là liệu có thể thực hiện được giá trần hay không. Ấn Độ, Trung quốc là những khách hàng lớn nhất của Nga, các nước đang nhập khẩu dầu sẽ có những động lực mạnh mẽ để ủng hộ nếu mức trần sẽ giảm giá dầu họ mua từ Nga, mặc dù không rõ Trung Quốc sẽ hợp tác với phương Tây không.

Các công cụ truyền thông đưa tin rằng, điều này sẽ cho phép lệnh cấm được duy trì nhưng các chuyên gia lại chỉ ra mặt bên kia của biện pháp này sẽ ngăn lệnh trừng phạt có hiệu lực đầy đủ và gây ra tăng đột biến nghiêm trọng về giá dầu. Lợi ích duy nhất có thể thấy là các công ty của Anh và châu Âu có cơ hội kiểm soát phần lớn thị trường bảo hiểm và tài chính cho các tàu chở dầu, theo đánh giá của nhà phân tích David Wessel.

Nếu theo các phương tiện truyền thông quốc tế, bao gồm cả các hãng thông tấn Mỹ và phương Tây, thì hầu hết hoài nghi hiệu quả của kế hoạch áp giá trần đang được đưa ra.

Kế hoạch này sẽ yêu cầu phải xem lại thỏa thuận trừng phạt mà các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ mới đàm phán gần đây, và một số người trong số họ coi cách tiếp cận này là làm loãng các lệnh trừng phạt đó.

Rõ ràng rằng, Nga có thể từ chối xuất khẩu dầu với giá thấp hơn, mặc dù điều đó không chỉ cắt đứt một trong số ít nguồn thu bên ngoài mà còn yêu cầu đóng cửa các giếng dầu không dễ khởi động lại. Craig Kennedy, chuyên gia Harvard về ngành dầu mỏ của Nga, cho biết: việc đóng cửa kéo dài các giếng dầu của Nga sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng và lâu dài cho năng lực khai thác dầu.

Trung tâm nghiên cứu Carnegie cho rằng, Nga sẽ không ngồi im chịu trừng phạt, sẽ nghĩ ra một cơ chế để vượt qua giới hạn giá. Ví dụ, các công ty Nga có thể dùng cách gộp dầu cùng với các hàng hóa khác, bán dầu với giá giới hạn và hàng hóa hoặc dịch vụ khác với giá tăng cao để bù đắp chênh lệch giữa giá giới hạn và giá trị thị trường thực. Đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện về cách các kỹ thuật này hoạt động trong các thị trường được kiểm soát về giá cả khác.

Nga thậm chí sẽ thiết lập không phải mức giá trần mà là mức sàn cho dầu thô của họ, cấm xuất khẩu với mức giá thấp hơn ngưỡng đó. Điều này có thể làm giảm nguồn cung cho các thị trường thế giới, đẩy giá lên và lại khiến thế giới lâm vào cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn.

Elena