Phân tích: Ai được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng lọc dầu trên toàn thế giới?

09:50 | 23/06/2022

|
(PetroTimes) - Reuters ngày 22/6/2022 đưa ý kiến phân tích về việc ai được hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng lọc dầu trên toàn thế giới, cuộc khủng hoảng đang khiến cho người tiêu dùng trên khắp thế giới cảm thấy đau đầu trước giá nhiên liệu tăng vọt, chi phí năng lượng sử dụng cho các tòa nhà, sản xuất điện và sản xuất công nghiệp đang tăng cao.
Phân tích: Ai được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng lọc dầu trên toàn thế giới?
Nhà máy lọc dầu Grandpuits của Total nằm ở phía đông nam thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Reuters/Christian Hartmann.

Giá đã tăng từ trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3, chi phí nhiên liệu đã tăng vọt trong khi giá dầu thô chỉ tăng ở mức khiêm tốn. Phần lớn nguyên nhân là do thiếu công suất lọc dầu phù hợp để chế biến dầu thô thành xăng và dầu diesel nhằm đáp ứng nhu cầu cao trên toàn cầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), về tổng thể, có đủ công suất để lọc khoảng 100 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng khoảng 20% ​​công suất đó không thể sử dụng được. Phần lớn công suất không sử dụng được đó là ở Châu Mỹ Latinh và những nơi khác thiếu vốn đầu tư.

Ngành công nghiệp lọc dầu ước tính kể từ đầu năm 2020, thế giới đã mất 3,3 triệu thùng công suất lọc dầu hàng ngày. Khoảng một phần ba trong số này xảy ra ở Mỹ, phần còn lại ở Nga, Trung Quốc và châu Âu. Nhu cầu nhiên liệu đã giảm sớm trong đại dịch Covid-19 khi tình trạng phong tỏa và làm việc từ xa trở thành phổ biến. Trước đó, ít nhất trong ba thập kỷ, công suất lọc dầu đã không giảm trong bất kỳ năm nào.

Công suất lọc dầu giảm bao nhiêu so với trước đại dich?

Tháng 4/2022, 78 triệu thùng được xử lý hàng ngày, giảm mạnh so với mức trung bình trước đại dịch là 82,1 triệu thùng/ngày. IEA dự kiến ​​hoạt động lọc dầu sẽ phục hồi trong mùa hè lên 81,9 triệu thùng/ngày khi các nhà máy lọc dầu Trung Quốc hoạt động trở lại.

Mỹ, Trung Quốc, Nga và Châu Âu đều đang vận hành các nhà máy lọc dầu với công suất thấp hơn so với trước đại dịch. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã đóng cửa gần một triệu thùng/ngày công suất kể từ năm 2019 vì nhiều lý do.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng gần 30% công suất lọc dầu của Nga đã ngừng hoạt động trong tháng 5/2022 do nhiều quốc gia phương Tây đang từ chối nhiên liệu của Nga.

Trung Quốc có công suất lọc dầu dự phòng nhiều nhất, xuất khẩu sản phẩm tinh chế chỉ được phép theo hạn ngạch chính thức, chủ yếu được cấp cho các công ty lọc dầu lớn của nhà nước chứ không cấp cho các công ty độc lập nhỏ hơn nắm giữ nhiều công suất dự phòng của Trung Quốc.

Tính đến tuần trước, tỷ lệ vận hành tại các nhà máy lọc dầu do nhà nước Trung Quốc sở hữu đạt trung bình khoảng 71,3% và các nhà máy lọc dầu tư nhân là khoảng 65,5%. Con số này đã tăng so với đầu năm, nhưng vẫn thấp theo tiêu chuẩn thông thường.

Điều gì đang khiến cho giá nhiên liệu tăng cao?

Chi phí vận chuyển các sản phẩm trên tàu ra nước ngoài đã tăng do nhu cầu toàn cầu cao, cũng như các lệnh cấm vận đối với các tàu của Nga. Ở châu Âu, các nhà máy lọc dầu bị hạn chế hoạt động do giá khí đốt tự nhiên cao, mà khí đốt là nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động của các nhà máy này.

Một số nhà máy lọc dầu cũng phụ thuộc vào gasoil chân không như một loại nhiên liệu trung gian. Việc mất gasoil chân không của Nga đã khiến một số nhà máy lọc dầu không thể tái khởi động một số đơn vị sản xuất nhất định.

Ai được hưởng lợi từ tình trạng hiện nay?

Các nhà máy lọc dầu, đặc biệt là các nhà máy xuất khẩu nhiều nhiên liệu sang các nước khác, như các nhà máy lọc dầu của Mỹ, là những bên được hưởng lợi.

Phân tích: Ai được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng lọc dầu trên toàn thế giới?
Nhà máy lọc dầu Baton Rouge của ExxonMobil in Baton Rouge, Louisiana, Mỹ. Ảnh: Reuters/Kathleen Flynn.

Một số nhà phân tích cho rằng lọc dầu chính là sức mạnh của ngành công nghiệp năng lượng, điều làm cho nước Mỹ trở nên khác biệt so với các nước sản xuất dầu khác. Ở Mỹ có 129 nhà máy lọc dầu, trong tổng số khoảng 700 nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới. Nhiều công ty dầu mỏ nước ngoài xây dựng nhà máy lọc dầu của mình ở Mỹ. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ cũng có thể chế biến nhiều loại dầu hơn nhiều nhà máy lọc dầu khác.

Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu đã thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận lọc dầu lên mức cao nhất trong lịch sử, với mức chênh lệch chủ chốt 3-2-1 gần 60 USD/thùng. Điều đó đã mang lại lợi nhuận lớn cho công ty Valero có trụ sở tại Mỹ và Reliance Industries có trụ sở tại Ấn Độ

Theo IEA, Ấn Độ, quốc gia lọc dầu hơn 5 triệu thùng/ngày, đã nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga để sử dụng trong nước và xuất khẩu. IEA cho biết sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng 450.000 vào cuối năm nay.

Công suất lọc dầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ mở rộng thêm 1 triệu thùng/ ngày trong năm 2022 và 1,6 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Nhiều công suất lọc dầu hơn sẽ được đưa vào hoạt động ở Trung Đông và Châu Á để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng./.

Thanh Bình