Phán quyết Tòa trọng tài và UNCLOS 1982 - hai 'mỏ neo' chính sách và hành động của Philippines tại Biển Đông

14:24 | 15/07/2022

|
Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về Biển Đông năm 2016 là dấu mốc quan trọng và cơ sở hữu ích để giải quyết các tranh chấp trong khu vực một cách hòa bình.
Philippines trong vấn đề Biển Đông
Tân Ngoại trưởng Philippines Enrique A. Manalo. (Nguồn: AP)

"Một Biển Đông hòa bình"

Nhân dịp Philippines kỷ niệm 6 năm phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về Biển Đông, tân Ngoại trưởng nước này Enrique A. Manalo ngày 12/7 đã đưa ra những thông điệp quan trọng của Manila.

Theo đó, Ngoại trưởng Manalo nhấn mạnh: “Hiện tại mà chúng ta cần và tương lai mà chúng ta muốn là một Biển Đông hòa bình”.

“Hơn cả một dấu mốc lịch sử”, ông Manalo nhấn mạnh, 12/7 là ngày khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng “pháp quyền chiếm ưu thế và sự ổn định, hòa bình, tiến bộ chỉ có thể đạt được khi được xây dựng trên cơ sở trật tự pháp lý dựa trên các quy tắc trên đại dương”.

Ngoại trưởng Philippines khẳng định, phán quyết về Biển Đông năm 2016 và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là “hai mỏ neo” trong chính sách và hành động của Philippines tại vùng biển này.

Năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 40 năm UNCLOS được thông qua. Ông Manalo khẳng định, việc tuân thủ toàn bộ UNCLOS là chìa khóa để đảm bảo hòa bình toàn cầu và khu vực, cũng như sử dụng các đại dương một cách công bằng và bền vững.

Theo ông, phán quyết của Tòa trọng tài là một sự khẳng định đối với các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Những tuyên bố của phán quyết là thuyết phục, không thể phủ nhận và không thể bác bỏ.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối các nỗ lực phá hoại phán quyết, thậm chí xóa phán quyết khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể. Đồng thời, chúng tôi hoan nghênh ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết”, Ngoại trưởng Manalo nhấn mạnh.

Trước đó, tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã từng tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài và cho biết ông sẽ không cho phép bất kỳ sự chà đạp nào, dù chỉ một milimet vuông vùng biển của Philippines.

Trang mạng gmanetwork.com dẫn lời cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, người đi đầu trong các nỗ lực đưa các tranh chấp của nước này với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế, kêu gọi Tổng thống Marcos Jr. “làm những gì đúng đắn, bảo vệ tình yêu nước và giúp đỡ người dân Philippines”.

Philippines trong vấn đề Biển Đông
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) công bố phán quyết về Biển Đông, năm 2016. (Nguồn: AP)

Duy trì trật tự dựa trên luật lệ

Theo ABC News, nhân dịp kỷ niệm 6 năm phán quyết, Đại sứ quán Mỹ tại Manila ngày 12/7 đã đưa ra tuyên bố của Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài.

Ngoại trưởng Mỹ đồng thời cảnh báo rằng, Washington có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh hiệp ước Philippines nếu lực lượng, tàu thuyền hoặc máy bay của quốc gia này bị tấn công tại các vùng biển tranh chấp.

Tuyên bố của ông Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc một lần nữa tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích…

Chúng tôi cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu biển hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ buộc Mỹ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung” theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.

Mỹ tái khẳng định “sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác, cũng như các thể chế khu vực như ASEAN, để bảo vệ và duy trì trật tự dựa trên luật lệ”.

Cùng ngày, Đại sứ quán Canada tại Philippines cũng đưa ra thông điệp nhấn mạnh rằng, phán quyết về Biển Đông năm 2016 “tiếp tục là một dấu mốc quan trọng và là cơ sở hữu ích để giải quyết các tranh chấp trong khu vực một cách hòa bình”.

Trên trang Twitter, cơ quan trên tái khẳng định, phán quyết về Biển Đông năm 2016 có giá trị ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines.

Đại sứ quán Canada viết: “Canada lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục không muốn chấp nhận phán quyết, cũng như các hoạt động cưỡng ép của Bắc Kinh đang diễn ra ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Ottawa tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực, cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Đại sứ quán Canada nêu rõ: “Điều này bao gồm việc Trung Quốc sử dụng các tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển để đe dọa tàu của các quốc gia khác, cùng việc nước này khẳng định các yêu sách đơn phương đối với các thực thể tranh chấp...

Những hành động này không tương thích với các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế, gồm cả UNCLOS”.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết, yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời nước này "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.

Theo Phương Hà (Báo Quốc tế)

Dầu giảm xuống dưới 100 USD/thùng do đồng đô la mạnh lên và triển vọng nhu cầu yếu điDầu giảm xuống dưới 100 USD/thùng do đồng đô la mạnh lên và triển vọng nhu cầu yếu đi
Tổng thống Philippines muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung QuốcTổng thống Philippines muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc
Dầu tăng 2% nhưng bị giảm cả tuần do các nhà đầu tư lo ngại suy thoáiDầu tăng 2% nhưng bị giảm cả tuần do các nhà đầu tư lo ngại suy thoái

baoquocte.vn