Novatek và Gazprom: cạnh tranh hay tranh giành?

10:35 | 25/05/2021

|
Trong tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nga đã phê duyệt Chương trình phát triển dài hạn sản xuất nhiên liệu LNG. Theo chương trình này, sản lượng LNG ở Nga đến năm 2030 sẽ đạt 140 triệu tấn và nguồn thu từ việc xuất khẩu LNG có thể lên tới ít nhất 150 tỷ USD.

Cụm mỏ Tambey với trữ lượng khí đốt thiên nhiên khổng lồ, trữ lượng dự tính lên tới 7,3 nghìn tỷ m3 khí, được coi là cơ sở tài nguyên quan trọng để tăng trưởng sản xuất LNG. Giấy phép khai thác cụm mỏ này đang thuộc sở hữu của tập đoàn Gazprom. Tuy nhiên, Novatek được coi là công ty Nga duy nhất có kinh nghiệm thực hiện các dự án LNG quy mô lớn. Sự “tranh giành” giữa hai tập đoàn này đối với cụm mỏ Tambey đang ngày càng gia tăng.

Novatek và Gazprom: cạnh tranh hay tranh giành?
Chủ tịch Gazprom A. Miller và Chủ tịch Novatek L. Mikhelson

Vào đầu tuần vừa qua, Chủ tịch Novatek L. Mikhelson đã đề xuất với Tổng thống V.Putin về việc gia tăng năng lực sản xuất LNG của hãng thêm 26 triệu tấn LNG mỗi năm đến năm 2030 và cơ sở tài nguyên để gia tăng sản lượng LNG có thể là cụm mỏ Tambey. Theo giới truyền thông, Chủ tịch Mikhelson đã đề xuất mua lại quyền sở hữu cụm mỏ Tambey với Tổng thống Putin trong cuộc tiếp kiến, song nội dung chính thức không được công bố.

Novatek vẫn là nhà sản xuất LNG hàng đầu

Với sự hợp tác với các đối tác nước ngoài, Novatek đã thực hiện thành công dự án Yamal LNG và hiện đang xúc tiến triển khai dự án Arctic LNG-2 có quy mô lớn hơn. Bất chấp những khó khăn liên quan đến đại dịch Covid-19, các đơn vị thành viên của Novatek vẫn tiếp tục hoạt động ổn định trong năm 2020. Nhà máy Yamal LNG đã cho sản lượng cao hơn 14% so với công suất lắp đặt là 16,5 triệu tấn/năm với ba dây chuyền có công suất 5,5 triệu tấn/năm/dây chuyền. Yamal trở thành nhà máy LNG lớn nhất tại Nga. Sau khi Yamal LNG vận hành hết công suất, Nga đã trở thành một trong những nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới, trong đó Novatek chiếm khoảng 5% sản lượng LNG toàn cầu.

Thành tựu của Novatek sẽ vững chắc hơn nếu hãng đưa vào vận hành đúng tiến độ dây chuyền sản xuất LNG thứ tư tại Yamal LNG với công suất 1 triệu tấn/năm, được lắp đặt hoàn toàn bằng thiết bị của Nga và sử dụng công nghệ Cascade. Việc đưa dây chuyền vào hoạt động đã được Novatek lên kế hoạch vào năm 2020 những đã bị hoãn lại vài lần. Cuối tháng 4/2021, Chủ tịch Mikhelson cho biết, hãng sẽ khánh thành dây chuyền này trong thời gian ngắn sắp tới.

Hiện Novatek đang tích cực triển khai dự án quy mô lớn thứ hai của mình là nhà máy Arctic LNG-2 với công suất thiết kế 19,8 triệu tấn/năm trên bán đảo Gydan. Trong thời kỳ cao điểm lây nhiễm Covid-19, dự án vẫn tiếp tục được triển khai. Dự án này có tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 21,3 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với Yamal LNG là 27 tỷ USD.

Giống như Yamal LNG, Novatek cũng lên kế hoạch vận hành Arctic LNG-2 trước thời hạn. Trong cuộc tiếp kiến với Tổng thống V.Putin, ông Mikhelson đã cam kết đưa dây chuyền đầu tiên của nhà máy vào vận hành trong năm 2023, dây chuyền thứ hai trong năm 2024 và dây chuyền thứ ba trong năm 2025, sớm hơn 1 năm so với dự kiến. Cũng theo chủ tịch Novatek, dự án này sẽ có tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng thiết bị trong nước đạt 50% và các dự án mới tiếp theo sẽ nâng tỷ lệ này lên 70%.

Cả Yamal LNG và Arctic LNG-2 là hai dự án hướng tới xuất khẩu toàn bộ sản phẩm ra thị trường quốc tế thông qua Tuyến hàng hải phương Bắc (NSR). Việc vận tải hàng hóa dọc theo NSR từ Yamal theo hướng tây được thực hiện quanh năm, nhưng theo hướng đông thì đang bị giới hạn trong vòng 6-7 tháng trong một năm. Phía Novatek cam kết sẽ bắt đầu vận tải hàng hóa quanh năm dọc theo NSR vào năm 2023. Giới chuyên gia nhận định, khả năng vận tải quanh năm trên NSR chỉ có thể được thực hiện sau khi Nga hạ thủy tàu phá băng cỡ lớn mang tên “Leader”, đang được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Zvezda ở Viễn Đông.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, Novatek cũng sẽ xây dựng hai khu cảng trung chuyển tại Murmansk và Kamchatka, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Việc sử dụng các tàu trung chuyển sẽ giảm đáng kể chi phí vận tải LNG do giảm thời gian vận chuyển của các tàu chở LNG lớp phá băng. Ngoài ra, khi khối lượng trung chuyển LNG ngày càng tăng, hai cảng này có thể trở thành trung tâm giao dịch và hình giá giá LNG cho khu vực tây bắc Âu và Đông Á.

Cụm mỏ Tambey có trữ lượng khí đốt dồi dào, nhưng thành phần lại bao gồm hàm lượng khí etan (C2H6) cao, đòi hỏi quá trình xử lý phức tạp mà Gazprom có thể thực hiện.

Tổ hợp chế biến khí Ust-Luga

Novatek và Gazprom: cạnh tranh hay tranh giành?

Gazprom đã nhận được giấy phép khai thác cụm mỏ Tây-Tambey, Bắc-Tambey, Malyginsky và Tasiysky vào năm 2008 với thời hạn 20 năm mà không thông qua cuộc đấu thầu nào của Chính phủ. Sau khi tiến hành công tác thăm dò địa chất bổ sung, vùng biên của các lô thăm dò xuất hiện mỏ khí lớn với trữ lượng loại C1+C2 theo tiêu chuẩn của LB Nga lên tới 7.300 tỷ m3.

Thực tế cho thấy, Gazprom không thể một mình phát triển cụm mỏ Tambey đến năm 2028 (thời điểm giấy phép hết hạn). Do đó, hãng đã chọn công ty Rusgazvydobuvannya làm đối tác. Hai bên đã lên kế hoạch xây dựng một khu phức hợp quy mô lớn để xử lý và hóa lỏng khí thiên nhiên. Khu phức hợp này có khả năng xử lý tới 45 tỷ m3 khí có hàm lượng etan cao mỗi năm. Sản lượng LNG dự kiến sẽ đạt 13 triệu tấn/năm; sản lượng khí đốt thiên nhiên sau xử lý đạt 18 tỷ m3/năm và sản lượng polyetylen các loại đạt 3 triệu tấn/năm. Nguồn khí thiên nhiên đầu ra của khu phức hợp sẽ được đưa vào hệ thống truyền dẫn khí đốt thống nhất của Nga.

Gazprom đang chứng tỏ năng lực chế biến khí đốt của khu phức hợp tại Ust-Luga nhằm thuyết phục Chính phủ gia hạn giấy phép khai thác cụm mỏ Tambey sau năm 2028. Gazprom còn có một dự án lớn khác là đường ống khí đốt Power of Siberia 2, cung cấp khí đốt cho Trung Quốc với công suất thiết kế lên tới 50 tỷ m3/năm. Để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho đường ống này cũng cần một cơ sở tài nguyên đủ lớn. Theo đánh giá của giới chuyên gia, dự án xây dựng đường ống này khá tốn kém và hiệu quả kinh tế chưa rõ ràng. Tuyến đường của đường ống chưa được xác định rõ ràng, nhưng theo như Gazprom thông báo, tổng chiều dài của đường ống là hơn 6000 km, đi qua lãnh thổ Mông Cổ đến Trung Quốc. Việc chỉ có Trung Quốc mới mua được khí đốt của đường ống này cũng tiềm ẩn rủi ro đáng kể, phụ thuộc vào tương quan địa chính trị giữa hai nước.

Phía Novatek dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận với Gazprom về việc chuyển nhượng cụm mỏ Tambey. Trong khi giới truyền thông đưa tin rằng, phía Gazprom từ chối lời đề nghị của Novatek. Trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận, quyết định cuối cùng sẽ phải được đưa ra ở cấp cao nhất. Các lập luận ủng hộ việc chuyển giao cụm mỏ Tambei cho Novatek là có sức nặng, nhưng phía Gazprom không có ý định từ bỏ và có thể sử dụng mọi cách để bảo vệ lợi ích của mình.

Viễn Đông