Novatek gây bất ngờ tại SPIEF 2021

11:14 | 10/06/2021

|
(PetroTimes) - Vào ngày khai mạc của Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg 2021 SPIEF-2021, Novatek thông báo, công ty con của hãng tại khu vực châu Á là Novatek Gaz&Power Asia đã ký Thỏa thuận với công ty năng lượng Zhejiang Energy Gas (Trung Quốc) về việc cung cấp LNG dài hạn trong khuôn khổ dự án Arctic LNG 2.
Novatek gây bất ngờ tại SPIEF 2021

CEO Novatek Leonid Mikhelson. Nguồn: Atle Staalesen

LNG của Nga hấp dẫn thị trường tiêu thụ châu Á

Zhejiang Energy Gas là công ty con của Tập đoàn năng lượng Zhejiang Province Energy - một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực ở tỉnh Chiết Giang. Địa phương này là một trong năm trung tâm công nghiệp phát triển nhất ở Trung Quốc và xếp thứ tư trong số các tỉnh, khu vực có GDP bình quân đầu người cao nhất cả nước. Chiết Giang cũng là nơi có cảng biển lớn nhất thế giới Ningbo Zhoushan với sản lượng hơn 1 tỷ tấn mỗi năm.

Trước đó vào tháng 10/2019, Novatek - nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga - đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Zhejiang Energy Gas, đặt nền tảng cho sự hợp tác lâu dài giữa hai bên. Thỏa thuận cung cấp LNG dự kiến được ký kết trong năm 2020, nhưng do tác động của đại dịch, việc ký kết thỏa thuận đã bị rời sang năm nay. Theo thỏa thuận, phía Novatek sẽ cung cấp 1 triệu tấn LNG/năm từ nhà máy Arctic LNG-2 trong vòng 15 năm với điều kiện DES (delivery ex-ship) đến các cảng tiếp nhận của đối tác Trung Quốc. Phía Novatek cũng cho biết thêm, nguồn cung LNG sẽ được sử dụng là nhiên liệu đầu vào trong các nhà máy điện của Zhejiang Energy Gas. Trong năm 2020, Zhejiang Energy Gas đã mua 10,5 tỷ m3 khí đốt ở cả trong và ngoài nước phục vụ sản xuất điện của hãng. Tổng sản lượng điện năm 2020 của công ty này đạt 136,8 tỷ KWh, chiếm 50% tổng sản lượng điện của tỉnh Chiết Giang.

Việc thỏa thuận cung cấp LNG được ký kết đã xác nhận rằng, chiến lược của Novatek là cung cấp LNG cho các khách hàng tiêu thụ cuối cùng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Nguồn cung LNG quy mô lớn từ Nga sẽ hỗ trợ Trung Quốc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Thị trường LNG tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những khu vực quan trọng trong chiến lược tiếp thị LNG của Novatek. Đồng thời, hãng có kế hoạch gia tăng sản lượng LNG sạch, giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

Trước đó vào tháng 02/2021, Novatek đã ký một thỏa thuận khác với công ty Shenergy về việc cung cấp 3 triệu tấn LNG trong vòng 15 năm. Thỏa thuận với khối lượng tuy nhỏ, trung bình chỉ đạt 200.000 tấn/năm nhưng đối với Novatek thì đây trở thành “tấm vé” vào cửa thị trường LNG Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và hứa hẹn nhất thế giới. Công ty năng lượng Shenergy chuyên cung cấp nhiêu liệu và điện năng cho khu vực Thượng Hải - thành phố lớn nhất Trung Quốc và là trung tâm tài chính và kinh tế của nước này.

Những thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc là Zhejiang và Shenergy là những thành công của Novatek tại thị trường phía đông. Nhà sản xuất Nga đã tiếp cận trực tiếp với các thị trường địa phương phát triển kinh tế nhất của Trung Quốc. Trong tương lai gần, các hợp đồng cung cấp LNG tiếp theo của Novatek sẽ được ký kết với các công ty địa phương khác tại Trung Quốc.

Đa dạng xuất khẩu và thời hạn giao hàng

Novatek gây bất ngờ tại SPIEF 2021

Các lô giấy phép thuộc Novatek ở Bán đảo Yamal và Gydan (trái). Nguồn: Novatek.

Cảng Sevmorput (phải). Nguồn: Atomflot

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên của SPIEF, Novatek cũng đã ký một thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn cho tập đoàn kinh doanh hàng hóa toàn cầu Glencore. Theo thỏa thuận này, Novatek sẽ cung cấp 500.000 tấn LNG mỗi năm cho các cảng LNG tại khu vực Đông Nam Á. Điều này cho phép Novatek đa dạng hóa hướng xuất khẩu của mình. Chủ tịch Novatek Leonid Mikhelson cho biết, thị trường LNG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi hoàn toàn và nhu cầu đang tăng trưởng ổn định. Việc ký kết thỏa thuận này phù hợp với chiến lược của hãng nhằm xây dựng danh mục xuất khẩu LNG cho người tiêu dùng cuối cùng tại khu vực này quanh năm thông qua Tuyến hàng hải phương Bắc.

Hiện tại thì việc điều hướng dọc theo Tuyến hàng hải phương Bắc chỉ có thể thực hiện được từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Việc giao hàng quanh năm qua tuyến vận tải này chỉ có thể được thực hiện sau khi Nga hoàn thành và đưa vào vận hành tàu siêu phá băng được đóng tại nhà máy đóng tàu Zvezda ở khu vực Viễn Đông.

Năm 2019, Novatek đã thành lập liên doanh với tập đoàn hóa chất lớn nhất Trung Quốc Sinopec để tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng và tăng doanh số bán LNG tại thị trường này. Tuy nhiên, khối lượng bán hàng, các điều khoản và điều kiện giao hàng cho người tiêu dùng cuối cùng ở Trung Quốc trong khuôn khổ liên doanh không được công bố.

Nguồn cung LNG mà Novatek dự định cung cấp cho Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ đến từ nhà máy Arctic LNG 2 với tổng công suất 19,8 triệu tấn/năm với ba dây chuyền công nghệ có công suất 6,6 triệu tấn/năm. Đây là dự án có quy mô lớn thứ hai của Novatek sau dự án Yamal LNG có công suất 16,5 triệu tấn. Tổng vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 21,3 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mức 27 tỷ USD tại dự án Yamal LNG. Dự án được lên kế hoạch để giảm chi phí đầu tư bằng việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa vật liệu và thiết bị sản xuất trong nước. Theo ông Mikhelson, tỷ lệ nội địa hóa tại dự án sẽ vượt trên 50%. Các đối tác của Novatek trong dự án là Total (Pháp), CNOOC, CNPC (Trung Quốc), Japan Arctic LNG (Liên danh JOGMEC và Mitsui) - mỗi bên sở hữu 10%, Novatek sở hữu 60% cổ phần dự án.

Việc xây dựng nhà máy đã bắt đầu vào cuối năm 2019. Theo thông tin từ Novatek vào cuối quý I/2021, tiến độ xây dựng nhà máy đạt 39%, tiến độ xây dựng dây chuyền số 1 đạt 53%. Phía Novatek cũng thông báo, dây chuyền số 1 dự kiến sẽ vận hành vào năm 2023, dây chuyền số 2 vào năm 2024 và dây chuyền số 3 vào năm 2025, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu. Novatek chưa công bố thời điểm bắt đầu giao LNG cho Trung Quốc và các nước Đông Nam Á theo các thỏa thuận đã ký kết. Tuy nhiên, khả năng cao là các lô hàng đầu tiên sẽ được giao ngay sau khi dây chuyền số 1 của nhà máy Arctic LNG 2 đi vào vận hành.

Tiến Thắng