Nord Stream 2: Tiến thoái lưỡng nan

10:16 | 12/03/2021

|
(PetroTimes) - Một số nhà phân tích chiến lược thị trường Mỹ cho rằng việc lắp đặt đường ống của dự án có thể được hoàn thành, nhưng không chắc dòng khí đốt thật sự có thể được lưu thông từ Nga tới châu Âu qua Nord Stream 2 hay không.
Lập trường 'chia đôi ngả' của EU và Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của NgaLập trường 'chia đôi ngả' của EU và Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga
18 công ty rút khỏi dự án Nord Stream 218 công ty rút khỏi dự án Nord Stream 2
Nord Stream 2: Tiến thoái lưỡng nan

Theo CNBC ngày 09/3/2021, trong thời gian tới, các tranh cãi liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), dự án đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức ở ngoài khơi biển Ban-tích, có thể càng trở nên gay gắt, tồi tệ hơn. Áp lực lên Tổng thống Mỹ Joe Biden để có thêm hành động nhằm dừng lại hoàn toàn dự án này, đang ngày càng tăng.

Mỹ và một số nước châu Âu khác đã mô tả dự án này là “một thỏa thuận tồi” cho vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu. Mặc dù đã sắp hoàn thành, Dự án phải đối mặt với con đường gập ghềnh ở phía trước, trong đó có các đe dọa áp đặt trừng phạt của Mỹ.

Bản chất của các tranh cãi liên quan đến Dự án chỉ có một phần liên quan đến việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, trong đó có việc Mỹ rõ ràng cũng muốn bán khí tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề rộng lớn hơn là các lo ngại về địa chính trị liên quan đến quan hệ Mỹ-Nga, châu Âu-Nga, Đức-Nga và quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nước Đức có thể đóng vai trò tiềm tàng đối với việc chấm dứt Dự án, trong bối cảnh cuộc bầu cử liên bang tại Đức sẽ diễn ra vào ngày 26/9/2021 và có thể có triển vọng một Chính phủ mới của Đức phản đối Dự án. Mỹ cho rằng châu Âu đã không đáp ứng những cam kết an ninh của mình, yêu cầu Mỹ bảo đảm an ninh nhưng lại bán hết cho Nga ngay cơ hội đầu tiên.

Theo một số nhà phân tích dầu khí toàn cầu, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ là một trong những cản trở chính cho việc hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc. Tháng trước, Mỹ đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt nhằm vào tàu lắp đường ống Fortuna nhằm làm chậm lại dự án. Tuy vậy, những biện pháp này chưa trừng phạt các công ty Đức và châu Âu đang tham gia xây dựng đường ống.

Nga đang tìm cách tự bảo vệ trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng việc sử dụng những công ty không làm ăn với Mỹ, không có nhân viên người Mỹ và không tiếp cận nguồn vay bằng đồng đô la; sử dụng các tàu và công ty sở hữu của Nga để lắp đặt đường ống và vận chuyển tài sản.

Nhưng Nga khó có thể tránh được hoàn toàn tác động xấu của các biện pháp trừng phạt của Mỹ khi nhiều công ty châu Âu và quốc tế đang tham gia dự án sẽ phải cân nhắc kỹ về việc tiếp tục tham gia dự án nếu không muốn bị đưa danh sách trừng phạt của Mỹ. Việc công ty DNV, một công ty quốc tế có trụ sở ở Na Uy, chịu trách nhiệm chứng nhận an toàn và toàn vẹn kỹ thuật của đường ống, quản lý rủi ro và bảo hiểm chất lượng dự án đã rút khỏi dự án từ tháng 12/2020 do lo ngại bị Mỹ trừng phạt đã cho thấy đây là một vấn đề lớn. Dự án Dòng chảy Phương Bắc được xây dựng theo những tiêu chuẩn của công ty chứng nhận DNV và sẽ rất khó để tìm một công ty có uy tín toàn cầu khác chứng nhận cho dự án. Nếu thiếu sự chứng nhận này, rất khó để bất cứ nhà quản lý châu Âu nào cho phép dòng khí đốt dẫn qua hệ thống đường ống.

Những người ủng hộ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 phê phán những mưu toan ngăn cản hoặc dừng dự án vì các lý do chính trị. Một số ý kiến cho rằng dự án có thể được hoàn thành và vận hành trước tháng 9/2021, trước cuộc bầu cử liên bang ở Đức, và một khi dòng khí đã được lưu thông thì rất khó đóng lại. Do vậy, vài tháng, thậm chí là vài tuần tới sẽ có vai trò quyết định đối với sự tồn tại của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.

Theo dự kiến, Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ dài 1.230 km, là một trong những đường ống khí đốt ngoài biển dài nhất thế giới và sẽ tăng gấp đôi khả năng dẫn khí so với Dòng chảy Phương Bắc 1. Hiện nay, Dòng chảy Phương Bắc 2 đã hoàn thành 94% dự án với việc đã lắp đặt hơn 1.000 km đường ống; chỉ cần lắp đặt thêm gần 150 km đường ống nữa là Gazprom có thể mở van dẫn khí. Gazprom cho rằng dự án là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sản xuất khí đốt nội địa của châu Âu đang đi xuống./.

Thanh Bình