Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 22/2 - 27/2

15:53 | 27/02/2021

|
(PetroTimes) - Venezuela và Iran tiến hành trao đổi nhiên liệu; Iraq đình chỉ hợp đồng cung cấp dầu với công ty Trung Quốc do giá dầu cao hơn; OPEC+ dự kiến nhóm họp vào đầu tháng tới để thảo luận về việc nâng sản lượng... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 22/2 - 27/2

1. Trong một báo cáo mới, Bank of America cho biết giá dầu dự kiến ​​sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1970 trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, giá trung bình của dầu Brent trong vòng 5 năm tới sẽ giao động trong khoảng 50 - 70 USD/thùng.

Ngân hàng cũng cho biết, OPEC+ có thể quyết định đảo ngược việc cắt giảm sản lượng khi dầu Brent đang có xu hướng tăng trên 60 USD, song nói thêm rằng sự quay trở lại chậm chạp của đá phiến Mỹ trên thị trường quốc tế có thể dẫn đến việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng để đảm bảo giá tiếp tục cao hơn.

2. Venezuela và Iran - hai nước cùng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã tìm ra cách để giúp đỡ lẫn nhau khi các công ty vận tải biển tránh xa các giao dịch với họ.

Theo Reuters, Venezuela đang vận chuyển nhiên liệu máy bay cho Iran bằng chính các tàu chở dầu mà Iran cung cấp xăng và phụ tùng cho các nhà máy lọc dầu ở Venezuela.

Mặc dù nắm giữ trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng Venezuela đã phải đối mặt với tình trạng thiếu xăng trầm trọng trong những năm gần đây, do sản lượng dầu thô thấp hơn và nhiều năm quản lý yếu kém tại các nhà máy lọc dầu, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ.

3. Barclays vừa trở thành ngân hàng mới nhất nâng dự báo về giá dầu trung bình trong năm nay do nguồn cung từ Mỹ thấp hơn dự kiến.

Ngân hàng Anh đã nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong năm nay lên 62 USD/thùng, tăng 7 USD/thùng so với dự báo trước đó. Barclays cũng nâng dự báo giá dầu thô WTI lên mức trung bình 58 USD/thùng vào năm 2021, tăng 6 USD/thùng so nhận định trước đây.

4. OPEC+ dự kiến ​​sẽ họp vào ngày 4/3 tới, nơi họ sẽ thảo luận về việc nâng sản lượng thêm nửa triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng 4.

Các thành viên OPEC + hiện đang kìm hãm sản lượng dầu ở mức hơn 7 triệu thùng/ngày, nhưng với giá dầu hiện đang tăng và nguồn cung có thể bị thắt chặt, OPEC+ đang xem xét việc nới lỏng sản lượng.

5. Iraq đã đình chỉ một hợp đồng cung cấp dầu với một công ty Trung Quốc với khoản thanh toán trước vài tỷ USD trong bối cảnh giá dầu cao hơn đã khiến cho hợp đồng này kém hấp dẫn hơn so với vài tháng trước.

Thông tin về thỏa thuận thanh toán trước giữa Iraq và công ty Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11 năm ngoái. Vào thời điểm đó, Reuters trích dẫn một lá thư của công ty tiếp thị dầu mỏ của Iraq, SOMO, tìm kiếm một thỏa thuận trả trước 5 năm được cho là bắt đầu vào tháng 1/2021 và kết thúc vào tháng 12/2025. Iraq sẽ cung cấp dầu thô Basrah.

6. Các nhà lãnh đạo của liên minh OPEC+, Ả Rập Xê-út và Nga, được cho là một lần nữa mâu thuẫn về việc quản lý nguồn cung dầu trước thềm cuộc họp quan trọng của nhóm vào tuần tới.

Như thường lệ, Nga muốn tăng sản lượng dầu, trong khi Ả Rập Xê-út tin rằng một cách tiếp cận thận trọng hơn sẽ đảm bảo cho sự bình ổn thị trường dầu toàn cầu.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi đầu tháng cho biết thị trường dầu toàn cầu đang cân bằng và giá dầu hiện tại đã phản ánh đầy đủ tình hình thị trường.

Bình An