Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/3/2023

21:46 | 31/03/2023

|
Việt Nam cần khoảng 12 tỷ USD đầu tư hạ tầng xăng dầu, khí đốt; EU thống nhất nâng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030; Anh chỉ trích cuộc chạy đua năng lượng xanh của Mỹ… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 31/3/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/3/2023
EU đã nhất trí đến năm 2030, khối sẽ đạt mục tiêu 42,5% năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và mặt trời.
Ảnh minh họa: Kenueone

Việt Nam cần khoảng 12 tỷ USD đầu tư hạ tầng xăng dầu, khí đốt

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, ngày 30/3, Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam muốn nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75-80 ngày nhập ròng đến 2030, và 90 ngày nhập khẩu ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ.

Báo cáo của đơn vị tư vấn lập Quy hoạch ước tính, tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD). Nguồn vốn này được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên cho việc nâng mức dự trữ quốc gia cho mặt hàng xăng dầu.

Góp ý cho dự thảo quy hoạch, TS Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng quy hoạch chịu tác động rất lớn từ biến động thị trường quốc tế, khả năng cung ứng và nhu cầu thị trường, cũng như chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, môi trường. Do đó, quá trình thực hiện quy hoạch cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp, tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng có sự thay đổi trong thời gian tới.

EU thống nhất nâng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030

Ngày 30/3, các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận chính trị đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn để mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030. Nghị sĩ châu Âu Markus Pieper nêu rõ các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí đến năm 2030, khối sẽ đạt mục tiêu 42,5% năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và mặt trời.

Đây là trụ cột quan trọng trong các kế hoạch của khối nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Thỏa thuận này phải được EP và các nước thành viên EU thông qua trước khi được ban hành thành luật. Luật mới cũng sẽ thay thế mục tiêu hiện tại của EU là đến năm 2030 sẽ có 32% năng lượng sử dụng từ các nguồn tái tạo.

Đến năm 2021, khoảng 22% năng lượng sử dụng tại EU có được từ các nguồn tái tạo nhưng tỷ lệ ở mỗi nước có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó, Thụy Điển dẫn đầu với tỷ lệ năng lượng tái tạo là 65% nhưng ở các nước như Luxembourg, Malta, Hà Lan và CH Ireland năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 13% tổng năng lượng sử dụng.

Anh chỉ trích cuộc chạy đua năng lượng xanh của Mỹ

Ngày 30/3, chính phủ Anh cảnh báo sẽ ngăn chặn mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời chỉ trích Mỹ dẫn đầu trong một cuộc chạy đua năng lượng xanh "méo mó". Trong bài viết trên báo The Times, Bộ trưởng Hunt nhấn mạnh Anh sẽ không đối đầu với bạn hữu và các đồng minh của nước này trong "cuộc chạy đua trợ cấp toàn cầu méo mó."

Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak cập nhật kế hoạch an ninh năng lượng của Anh nhằm tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi hệ thống năng lượng của nước này không chỉ là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu - điều mà các cường quốc trên thế giới đang tìm "lời giải" - mà còn tăng khả năng độc lập về năng lượng, từ đó giảm giá khí đốt và giá điện vốn đã tăng vọt kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine vào năm ngoái.

Mùa đông ấm áp bất thường đe dọa an ninh năng lượng châu Âu

"Hiện tại, chúng tôi đang ở một vị thế thoải mái hơn so với dự kiến vào đầu mùa đông 2022: giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm hơn 80% so với mức cao nhất trong tháng 8 và kho lưu trữ cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái", Gergely Molnar, Nhà phân tích Khí đốt tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nói với DW.

Theo các chuyên gia, khí hậu mùa đông tương đối ôn hòa ở châu Âu đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng, tuy nhiên chính nó đang đe dọa hệ thống năng lượng theo những cách khác nhau. Mực nước thấp và nhiệt độ hơn trong mùa hè có thể ảnh hưởng đến sản xuất điện hạt nhân, việc vận chuyển than cho các nhà máy điện. Nhiệt độ cao vào mùa hè đồng thời đẩy nhu cầu điện tăng cao, đặc biệt là ở Bắc Âu.

Carlo Buontempo, Giám đốc Dịch vụ Thay đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết: “Nhiệt độ tăng cao kéo thu nhu cầu sử dụng điều hòa không khí ở các thành phố và khu vực địa lý mới. "Nhu cầu năng lượng trong nước cao nhất ở Bắc Âu xảy ra vào mùa đông, nhưng chúng ta hiện đang chứng kiến mức cao thứ hai vào mùa hè".

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/3/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/3/2023

H.T (t/h)