Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/3/2023

21:44 | 30/03/2023

|
Trung Quốc lần đầu bán khí đốt bằng đồng nhân dân tệ; Nga sẽ tăng đáng kể nguồn cung dầu cho Ấn Độ; Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ vận chuyển khí đốt tự nhiên tới Hungary qua đường ống TANAP… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 30/3/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/3/2023
CNOOC lần đầu tiên bán LNG với các khoản thanh toán bằng nhân dân tệ cho TotalEnergies của Pháp. Ảnh minh họa: Gglobaltimes

Trung Quốc lần đầu bán khí đốt bằng đồng nhân dân tệ

Tờ The Business Times ngày 29/3 đưa tin, Công ty Trung Quốc lần đầu tiên bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với các khoản thanh toán bằng nhân dân tệ cho công ty TotalEnergies của Pháp. Bên bán LNG là tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc China National Offshore Oil Corporation (CNOOC).

Thỏa thuận được thực hiện thông qua Sàn giao dịch dầu và khí đốt tự nhiên Thượng Hải. Tổng cộng, 65 nghìn tấn LNG từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã được bán.

Trước đó, có thông tin cho rằng trong tháng 1, Nga đã đứng đầu trong việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu qua đường ống dẫn khí đốt và ở dạng hóa lỏng. Tổng nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga lên tới 2,7 tỷ mét khối. Vị trí thứ 2 và thứ 3 là Turkmenistan (2,2 tỷ mét khối) và Qatar (1,9 tỷ mét khối).

Nga sẽ tăng đáng kể nguồn cung dầu cho Ấn Độ

Tập đoàn Rosneft ngày 29/3 cho biết, nhà sản xuất dầu lớn nhất này của Nga và nhà máy lọc dầu hàng đầu của Ấn Độ Indian Oil Corp đã ký một thỏa thuận có thời hạn nhằm tăng đáng kể nguồn cung dầu và đa dạng hóa các loại dầu giao cho Ấn Độ.

Thỏa thuận này được ký kết nhân chuyến công tác tới Ấn Độ của Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin. Trong chuyến công tác này, ông Sechin đã gặp các quan chức Chính phủ Ấn Độ cũng như những nhà lãnh đạo hàng đầu của một số công ty dầu mỏ và khí đốt lớn nhất của Ấn Độ. Ông Sechin và ông Shrikant Madhav Vaidya, Chủ tịch tập đoàn Indian Oil Corp, đã ký kết thỏa thuận trên.

Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo này cũng đã thảo luận về phương thức mở rộng hợp tác giữa Rosneft và các công ty Ấn Độ trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành năng lượng, bao gồm cả khả năng thanh toán bằng các đồng nội tệ; đồng thời thảo luận về việc triển khai các dự án chung bao gồm Sakhalin-1, Taas-Yuryakh và Vankorneft.

Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ vận chuyển khí đốt tự nhiên tới Hungary qua đường ống TANAP

Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hungary ngày 29/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này cùng với Azerbaijan sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ cho việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Hungary thông qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xuyên qua vùng Anatolia (TANAP).

Ông Erdogan cho biết hai bên cùng khẳng định ý chí chính trị chung nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời cho biết thêm hai bên đã nhất trí tổ chức cuộc họp lần thứ sáu của Hội đồng Hợp tác Chiến lược Cấp cao tại thủ đô Budapest của Hungary vào tháng 12 tới.

Tổng thống Hungary cũng lưu ý thêm Thổ Nhĩ Kỳ là nhân tố quan trọng đối với an ninh năng lượng của Hungary. Bà cũng nhắc lại vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn các dòng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Washington không muốn giảm mức giá trần đối với dầu mỏ Nga

Tờ Politico hôm 29/3 trích dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, Mỹ đã phản đối lời kêu gọi của một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc hạ giá trần đối với dầu thô của Nga.

Theo nguồn tin trên, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đang hối thúc EU xem xét lại mức giá trần đối với dầu mỏ Nga nhằm hạn chế nguồn thu của Moscow.

“Mỹ không ủng hộ đề xuất của các nước Estonia, Ba Lan và Litva về việc điều chỉnh giảm mức giá trần với dầu mỏ Nga” - một nhà ngoại giao EU nói với Tờ Politico trước thềm cuộc họp của ngoại trưởng EU hôm 29/3.

EU đã đồng ý xem xét lại biện pháp áp giá trần với dầu mỏ Nga 2 tháng 1 lần. Ba Lan và Litva đã đề xuất giảm mức giá trần hiện từ 60 USD/thùng xuống 51,45 USD/thùng. Tuy nhiên, việc thay đổi mức giá trần này sẽ phải đạt được sự nhất trí giữa các quốc gia G7 và EU. Các nhà phân tích cho rằng việc giảm giá trần với dầu mỏ Nga sẽ gây bất lợi cho Mỹ vì cơ chế này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty năng lượng Mỹ.

Ukraine đặt mục tiêu năng lượng tái tạo cung cấp 50% điện năng

Ukraine đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện năng của nước này lên 50%, nhằm tăng cường an ninh năng lượng. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko ngày 29/3 nêu rõ: "Ukraine cần tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Đây là vấn đề an ninh quốc gia và an ninh truyền tải điện”.

Theo ông Galushchenko, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ cho phép sản xuất điện phi tập trung, giảm mức độ dễ bị tổn thương của hệ thống điện và tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng.

Từ năm 2011-2021, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất của Ukraine tăng từ 4% lên gần 14%. Chiến lược năng lượng của Ukraine đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 25% vào năm 2035.

Sri Lanka hạ giá xăng dầu để giảm gánh nặng cho người dân

Chính phủ Sri Lanka tuyên bố đã hạ giá xăng dầu để giảm gánh nặng cho người dân sau một năm thiếu hụt và giá cả tăng vọt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước.

Từ đêm 29/3, các loại xăng và dầu diesel khác nhau đã được bán với mức giá giảm từ 8 - 26%.

Trước đó, ông Kanchana Wijesekara, Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng Sri Lanka, nói rằng việc giảm giá bán xăng dầu nằm trong thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bao gồm chỉnh sửa chương trình trợ giá xăng dầu và lập mức giá căn cứ theo chi phí sản xuất và thị trường toàn cầu.

Trong một diễn biến khác, các công đoàn ngành dầu khí Sri Lanka hôm 29.3 đã phản đối một quyết định của chính phủ, đó là cấp giấy phép cho 3 công ty của Mỹ, Úc và Trung Quốc điều hành các trạm xăng ở Sri Lanka. Các công đoàn cũng phản đối một kế hoạch tư nhân hóa một phần Tập đoàn Dầu mỏ nhà nước Ceylon.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/3/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/3/2023

H.T (t/h)