Nhịp đập năng lượng ngày 8/6/2023

18:55 | 08/06/2023

|
Việt Nam thống nhất giá tạm cho 51 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp; Nga thông qua dự án đường ống khí đốt chạy thẳng sang Trung Quốc; Trung Quốc khoan giếng thăm dò trên 10.000 mét đầu tiên… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 8/6/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 8/6/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Việt Nam thống nhất giá tạm cho 51 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Theo Giám đốc Công ty Mua bán điện (EPTC), tính đến ngày 7/6, đã có 66/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.691,861MW gửi hồ sơ để đàm phán giá điện. Trong đó, có 56 dự án (tổng công suất 3.087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án, trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án, có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Tính đến thời điểm trên, có 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 25 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện vẫn còn 19 dự án với tổng công suất 1.042,7MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Nga thông qua dự án đường ống khí đốt chạy thẳng sang Trung Quốc

Quốc hội Nga ngày 7/6 đã phê chuẩn thỏa thuận liên chính phủ về việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí ở Viễn Đông. Động thái này cho thấy Nga đang bước thêm những bước chân mạnh mẽ về phía Trung Quốc và gia tăng năng lực xuất khẩu khí đốt khi giảm đi nguồn cung cho châu Âu.

Từ tháng 1, Hạ viện Nga đã thông qua đề xuất của chính phủ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt, gia tăng năng lực xuất khẩu năng lượng của Moscow sang Trung Quốc. Đường ống dài 60km sẽ bắt đầu tại một trạm đo khí ở Nga gần thị trấn Dalnerechensk, đi qua sông Ussuri và kết thúc tại trạm Hulin, thuộc địa phận tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc.

Vào ngày 4/2/2022, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga thông báo đã ký một thỏa thuận dài hạn với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) để cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua tuyến đường Viễn Đông. “Ngay sau khi dự án đạt công suất tối đa, lượng khí đốt đường ống của Nga cung cấp cho Trung Quốc sẽ tăng thêm 10 tỷ m3, tổng cộng là 48 tỷ m3/năm (bao gồm cả việc giao hàng qua đường ống dẫn khí Power of Siberia)”, theo một tuyên bố trên trang web chính thức của Gazprom.

Trung Quốc khoan giếng thăm dò trên 10.000 mét đầu tiên

Cuối tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã khoan giếng thăm dò 11.100m đầu tiên. Giếng khoan này của Trung Quốc nằm trên sa mạc Taklamakan ở Tân Cương. Một dàn tháp bằng thép 20 tầng đã được dựng lên, cùng với mũi khoan, ống khoan và ống vách nặng hơn 2.000 tấn sẽ khoan xuyên qua hơn 10 địa tầng bao gồm cả kỷ Phấn trắng, nơi đá có niên đại khoảng 145 triệu năm.

Ông Dương Hiến Chương, nhà địa chất trưởng của Viện nghiên cứu thăm dò khai thác mỏ dầu Tarim thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), cho biết: “Giếng này gánh vác nhiệm vụ kép là thăm dò khoa học và phát hiện dầu khí. Nó sẽ khám phá sâu hơn cấu trúc bên trong và quy luật tiến hóa của Trái Đất, đồng thời hoàn thiện lý luận về sự tích tụ dầu khí ở tầng sâu 10.000m của Trung Quốc”.

Hiện nay, tài nguyên dầu khí sâu và siêu sâu của Trung Quốc đạt khoảng 67,1 tỷ tấn dầu tương đương, chiếm 34% tổng tài nguyên dầu khí. Phần lớn dầu khí ở bồn địa Tarim, nơi đặt giếng khoan trên 10.000m này, đều ở độ sâu dưới 6.000m và 8.000m, với trữ lượng chiếm hơn một nửa tài nguyên dầu khí siêu sâu của Trung Quốc. Việc thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí sâu trong lòng đất được đánh giá là có ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của nước này.

Saudi Arabia và UAE tận dụng mua dầu Nga giá rẻ

Bất chấp sự phản đối từ Mỹ, các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ đang tận dụng giá dầu giảm của Nga. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga để tăng cường xuất khẩu dầu với giá cao hơn sang châu Âu.

Lý do duy nhất đằng sau việc Saudi Arabia và UAE nhập khẩu lượng lớn dầu từ Nga là để tận dụng sự khác biệt về giá cả. Trong vài tháng qua, hai đại gia dầu mỏ này đã nhập khẩu lượng dầu kỷ lục từ Moscow. Và dầu của Nga đang được vào EU thông qua Saudi Arabia và UAE - hai đồng minh Tây Á đáng tin cậy của Mỹ.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp từ công ty phân tích Kpler, Saudi Arabia đã nhập khẩu 174.000 thùng dầu diesel và dầu khí mỗi ngày từ Nga vào tháng 4/2023 và thậm chí nhiều hơn trong tháng 3/2023. Khoảng 35% tổng lượng dầu diesel xuất khẩu của Saudi Arabia được vận chuyển đến các nước Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Saudi Arabia đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp chính của châu Âu kể từ tháng 2 năm nay.

Nhịp đập năng lượng ngày 6/6/2023Nhịp đập năng lượng ngày 6/6/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 7/6/2023Nhịp đập năng lượng ngày 7/6/2023

H.T (t/h)