Nhịp đập năng lượng ngày 4/8/2023
![]() |
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ giải pháp bảo đảm tỷ trọng 66-70% năng lượng tái tạo
Tại văn bản gửi Bộ Công Thương về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan để hoàn thiện tờ trình và dự thảo Chiến lược, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/8.
Cụ thể, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ cơ sở và giải pháp bảo đảm tính khả thi khi đề xuất phê duyệt tỷ trọng năng lượng tái tạo đến 2045 là khoảng 65-70% (chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị là khoảng 25-30%). Bên cạnh đó, làm rõ cơ chế đột phá, khả thi để bảo đảm mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ và không trùng lắp quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giữa dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia.
Saudi Arabia và Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng trong tháng 9
Ngày 3/8, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết nước này sẽ tiếp tục thực hiện việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng, đến hết tháng 9/2023.
Quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện được Saudi Arabia đưa ra để củng cố những nỗ lực của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, nhằm hỗ trợ ổn định và cân bằng các thị trường dầu mỏ.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ giảm khoảng 300.000 thùng dầu xuất khẩu/ngày trong tháng 9/2023. Ông Novak nêu rõ việc giảm sản lượng xuất khẩu nêu trên nằm trong nỗ lực cân đối thị trường dầu mỏ.
EU khó cải tổ hệ thống thuế năng lượng
Hai năm sau khi lần đầu tiên đề xuất dự luật, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tìm được sự đồng thuận về về việc cải tổ hệ thống thuế năng lượng, vốn chưa được điều chỉnh từ năm 2003, nhằm phù hợp với các mục tiêu khí hậu. Các thành viên vẫn bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm việc áp thuế đối với một số nhiên liệu vốn chưa chịu mức thuế nào hoặc chỉ chịu mức thấp.
Một quan chức ngoại giao EU cho biết, sự bất đồng nêu trên khó có thể được giải quyết trong thời gian từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho rằng, việc cải tổ thuế năng lượng sẽ loại bỏ những chính sách miễn trừ đã lỗi thời.
Theo đề xuất của EU, mức thuế tối thiểu đối với nhiên liệu hàng không dành cho các chuyến bay trong châu Âu sẽ tăng dần trong vòng 10 năm, trong khi nhiên liệu hàng không bền vững sẽ được miễn thuế trong 10 năm nhằm khuyến khích sử dụng. EU còn đề xuất mức thuế tối thiểu cao hơn đối với nhiên liệu gây ô nhiễm như xăng dầu, mức thấp nhất đối với điện và nhiên liệu bền vững.
Các nước Baltic sẽ ngắt kết nối với lưới điện của Nga sớm hơn dự kiến
Các nước Baltic (gồm Estonia, Latvia và Litva) sẽ cùng rút khỏi hợp đồng mua điện với Nga vào mùa hè năm 2024, nửa năm trước khi đồng bộ hóa với hệ thống của EU. Đây là nội dung trong Tuyên bố chung của Thủ tướng 3 quốc gia vùng Baltic đã thỏa thuận đồng ý tăng tốc độ ngắt kết nối quốc gia của họ khỏi lưới điện của Nga trong gần 1 năm và kết nối với mạng lưới năng lượng lục địa châu Âu vào tháng 2/2025.
Hoan nghênh thỏa thuận của các nước Baltic, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng điều này sẽ củng cố thêm sức mạnh và khả năng phục hồi của lưới điện EU cũng như sự độc lập về năng lượng của EU nói chung.
Trước đó, vào năm 2019, cả 3 quốc gia này đã đồng ý sẽ tách khỏi mạng lưới điện của Nga và gia nhập hệ thống của EU vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã buộc các nước này đẩy nhanh tiến độ.
Ủy ban châu Âu phê duyệt kế hoạch sản xuất năng lượng tái tạo cho Hungary
Ủy ban châu Âu đã phê duyệt kế hoạch trị giá 2,36 tỷ euro, tương đương 2,6 tỷ USD của Hungary để nước này có thể tăng tốc đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo', truyền thông Hungary ngày 3/8 đưa tin.
Hungary sẽ sử dụng chương trình này thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp và điều khoản có lợi về thuế. Kế hoạch này được phê duyệt theo Khuôn khổ Khủng hoảng và Chuyển đổi Tạm thời, một biện pháp được Ủy ban châu Âu thông qua vào đầu tháng 3 năm nay nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ các quốc gia thành viên EU. Các khoản tiền hỗ trợ từ chương trình của Hungary sẽ được cấp trước cuối năm 2025.
Trong số các công nghệ mà Hungary hướng đến là sản xuất các tấm pin mặt trời, pin hoặc chất điện phân và các công nghệ sạch khác. Việc này được đánh giá sẽ thúc đẩy tăng trưởng điện mặt trời ở nước này, trong khu vực và cung cấp năng lực sản xuất cho các nước Đông Âu, trong bối cảnh các quốc gia EU hiện đang hướng tới việc xây dựng năng lực sản xuất trong nước.
![]() |
![]() |
H.T (t/h)
- Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay quay đầu giảm
- Nga tiếp tục đối diện với gói trừng phạt mới của EU
- Kế hoạch bí mật của EU về khí đốt Nga và ảnh hưởng đối với xuất khẩu LNG của Mỹ
- Đánh giá tác động từ việc Indonesia giảm nhập khẩu nhiên liệu từ Singapore
- Tổng thống Trump thăm vùng Vịnh, liệu ngoại giao có xung đột với lợi ích của gia đình ông?