Nhiều thỏa thuận năng lượng ở Trung Đông “lung lay” sau xung đột Hamas - Israel

10:02 | 27/10/2023

|
(PetroTimes) - Ông lớn năng lượng BP mới đây đã trấn an các nhà đầu tư rằng thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) cùng mua 50% cổ phần của nhà khai thác khí đốt NewMed Energy của Israel vẫn đang diễn ra đúng hướng, bất chấp cuộc xung đột Israel - Hamas đang leo thang.
Nhiều thỏa thuận năng lượng ở Trung Đông “lung lay” sau xung đột Hamas - Israel
Mỏ khí Leviathan của Israel

Theo Reuters, người đứng đầu bộ phận khí đốt và năng lượng carbon thấp của BP, Anja-Isabel Dotzenrath, đã nói với các cổ đông rằng họ vẫn "rất lạc quan" về thỏa thuận này. Hai công ty được cho là đang cân nhắc xem liệu có nên cải thiện lời đề nghị ban đầu của họ hay không. NewMed Energy là cổ đông lớn và là nhà điều hành chính của mỏ khí đốt tự nhiên Leviathan khổng lồ với 45,3% cổ phần hoạt động, trong khi ông lớn dầu khí Mỹ Chevron và công ty Ratio của Israel sở hữu lần lượt 39,7% và 15% cổ phần.

Nhưng sự trấn an đó không nhất thiết có nghĩa là thỏa thuận đã gần hoàn tất.

Thoả thuận bị hoài nghi

Thỏa thuận này đã bị hoài nghi vào tuần trước sau khi một hội đồng độc lập do NewMed Energy chỉ định đề xuất nâng giá chào bán thêm 10 - 12%, lên tới khoảng 250 triệu USD, có vẻ như bất hợp lý nếu xét đến việc công ty hiện có vốn hóa thị trường là 2,9 tỷ USD và 87 triệu USD tiền mặt nhưng nợ 1,73 tỷ USD.

Trong khi đó, có báo cáo cho rằng các giám đốc điều hành của BP và ADNOC dự đoán thương vụ sẽ bị trì hoãn thêm cho đến khi tình hình chính trị được cải thiện. Giới chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng sự gia tăng thương vong dân sự có thể khiến các công ty không thể tiếp tục hoạt động, với số người chết ở dải Gaza đã lên tới 2.000, chủ yếu là dân thường và hơn 7.000 người bị thương chỉ trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột.

Nhiều thỏa thuận năng lượng ở Trung Đông “lung lay” sau xung đột Hamas - Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 11/10 đã thành lập một chính phủ khẩn cấp để chỉ đạo cuộc chiến chống lại Hamas, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố sẽ quét sạch nhóm phiến quân “khỏi bề mặt trái đất” tại một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất ở khu vực thời gian gần đây.

NewMed Energy và hai đối tác đã phát hiện ra mỏ khí đốt tự nhiên Leviathan ở Levant Basin vào năm 2010. Mỏ khí đốt này nằm dọc biên giới đường biển của Israel, Lebanon, Palestine, Cộng hòa Síp và Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ. Với 22,9 nghìn tỷ feet khối khí có thể khai thác, mỏ Leviathan có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất ở Địa Trung Hải và là một trong những mỏ đang khai thác lớn nhất trong khu vực.

Lebanon chịu rủi ro

Thực tế cho thấy, NewMed không phải là dự án năng lượng duy nhất có khả năng bị gián đoạn bởi cuộc chiến Israel - Hamas. Hồi tháng 8, tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp đã đặt giàn khoan đầu tiên tại địa điểm khai thác của họ ở Biển Địa Trung Hải nằm ngoài khơi bờ biển Lebanon gần biên giới Israel khi quốc gia này muốn bắt đầu các hoạt động tìm kiếm khí đốt. Quốc gia đang thiếu tiền mặt này hy vọng rằng doanh số bán khí đốt trong tương lai có thể giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khiến đồng nội tệ mất hơn 98% giá trị.

Nhiều thỏa thuận năng lượng ở Trung Đông “lung lay” sau xung đột Hamas - Israel

TotalEnergies cho biết trong một tuyên bố: “Sự xuất hiện của giàn khoan đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình chuẩn bị khoan giếng thăm dò ở Lô 9, sẽ bắt đầu vào cuối tháng 8/2023”. TotalEnergies dẫn đầu một liên doanh gồm các công ty năng lượng làm việc trong các dự án ngoài khơi, bao gồm công ty dầu khí của Italy và gã khổng lồ khí đốt Eni S.p.A. cũng như Qatar Energy thuộc sở hữu nhà nước.

Hoạt động khoan dầu diễn ra sau một thỏa thuận mang tính bước ngoặt do Mỹ làm trung gian vào năm ngoái, theo đó Lebanon và Israel lần đầu tiên thiết lập biên giới trên biển. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Năng lượng Lebanon Walid Fayad nói rằng họ hy vọng sẽ xác định được liệu khu vực thăm dò có trữ lượng khí đốt có thể phục hồi vào cuối năm nay hay không.

Thật không may, chiến tranh rất có thể khiến sự hợp tác giữa hai nước gần như không thể thực hiện được, khi Lebanon là quê hương của Hezbollah, kẻ thù không đội trời chung của Israel. Hôm 11/10, Israel đã thực hiện các cuộc pháo kích các thị trấn phía nam Lebanon nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa mới của Hezbollah, khi bạo lực xuyên biên giới kéo dài nhiều ngày.

Quân đội Israel cũng cho biết đã tiến hành không kích một căn cứ của Hezbollah, cũng như tấn công Lebanon sau khi một đồn quân sự gần thị trấn Arab al-Ahram của Israel trở thành mục tiêu của hỏa lực chống xe tăng. Mỹ đã điều động một trong những tàu sân bay lớn nhất thế giới và một nhóm tác chiến đi kèm tới Đông Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn Hezbollah và Iran lợi dụng tình hình.

Trong khi đó, những cáo buộc gần đây cho rằng Iran giúp Hamas lên kế hoạch tấn công Israel rất có thể sẽ làm căng thẳng nghiêm trọng mối quan hệ giữa Washington và Tehran.

Ngân hàng Standard Chartered cho rằng Mỹ có 3 lựa chọn chính sách liên quan đến sản lượng dầu của Iran: Thứ nhất giữ nguyên hiện trạng, với sản lượng ở mức 3 triệu thùng/ngày hoặc cao hơn; Thứ hai giữ mức ổn định trước năm 2023 là gần 2,5 triệu thùng/ngày; Thứ ba đưa xuất khẩu về 0 với sản lượng dưới 2 triệu thùng/ngày đạt được vào cuối thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Các nhà phân tích lưu ý rằng lựa chọn số 1 là chính sách phù hợp nhất đối với Mỹ xét về cả ảnh hưởng thị trường và địa chính trị chỉ một tuần trước. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất tại khu vực Trung Đông đã khiến phương án số 2 và số 3 trở thành mục tiêu chính sách tiềm năng.

Sản lượng và xuất khẩu dầu của Iran đã tăng mạnh dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, với sản lượng đạt 3 triệu thùng/ngày.

Bình An