Nhật Bản sẽ “giải cứu” châu Âu nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt?

10:19 | 10/02/2022

|
(PetroTimes) - Hôm 9/2, Nhật Bản thông báo rằng họ sẽ cung cấp một số khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu sang châu Âu, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt của Nga trong khu vực có nguy cơ bị gián đoạn nếu căng thẳng về Ukraine leo thang.
Nhật Bản sẽ “giải cứu” châu Âu nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt?
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (Meti), Koichi Hagiuda

Một số tàu ban đầu dự định vận chuyển LNG đến Nhật Bản đã lên đường đến châu Âu và sẽ đến đó trong tháng này, và những tàu khác sẽ làm điều tương tự vào tháng 3, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (Meti), Koichi Hagiuda nói với các phóng viên tại Tokyo. Tuy nhiên, Bộ trưởng không nói rõ khối lượng sẽ được cung cấp và bán ở châu Âu theo giá thị trường. Thay vào đó, ông chỉ ra rằng điều kiện của việc giao hàng này là Nhật Bản phải được cung cấp đủ LNG trước tiên.

Quần đảo Nhật Bản là một trong những quốc gia nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, vì việc sản xuất điện, vận hành các nhà máy và sưởi ấm vào mùa đông phụ thuộc rất nhiều vào LNG. Nhưng Nhật Bản có thể không có nhiều khí đốt để gửi đến châu Âu, vì nước này cũng đang phải vật lộn để có đủ nguồn cung vào đầu năm khi cái lạnh khắc nghiệt đang diễn ra ở nước này.

Ông Hagiuda cũng đề cập đến tình hình năng lượng "khó khăn" của Nhật Bản vào lúc này, đồng thời giải thích rằng Tokyo muốn đáp lại lời kêu gọi từ Hoa Kỳ và các đại sứ Liên minh châu Âu tại Nhật Bản để giúp châu Âu có đủ nguồn cung cấp LNG. Bộ trưởng nhắc lại tình đoàn kết của các nước phương Tây với Nhật Bản, khi họ cung cấp khí đốt cho nước này sau thảm họa sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Nhật Bản, Patricia Flor, "hoan nghênh và đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản". Đại sứ Hoa Kỳ Rahm Emanuel đã hoan nghênh bằng một tuyên bố rằng "Nhật Bản kiên quyết đứng cùng với Hoa Kỳ và các đối tác châu Âu".

Việc Nga có thể can thiệp quân sự vào Ukraine làm dấy lên lo ngại về việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu trong trường hợp các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa nhằm vào Moscow. Tuy nhiên, kịch bản này không được giới phân tích trong lĩnh vực năng lượng cho là có khả năng xảy ra cao nhất.

Hiện tại, quan hệ ngoại giao đang rất căng thẳng: sau khi tới Moscow và sau đó là Kiev, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Ba cho biết tại Berlin rằng ông đã thấy "các giải pháp cụ thể" để giải quyết cuộc khủng hoảng, nhờ vào cam kết đạt được từ người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng sẽ không có "leo thang".

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Hai đảm bảo với Washington rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 mới, nối trực tiếp Nga với Đức qua Biển Baltic, sẽ không đi vào hoạt động trong trường hợp Nga can thiệp vào Ukraine.

Gazprom và CNPC ký Thoả thuận khí đốt mớiGazprom và CNPC ký Thoả thuận khí đốt mới
Châu Âu tìm kiếm các nhà cung cấp khí đốt mớiChâu Âu tìm kiếm các nhà cung cấp khí đốt mới
Mỹ sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu xung đột Nga-Ukraine bùng nổ?Mỹ sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu xung đột Nga-Ukraine bùng nổ?

Nh.Thạch

AFP