Nga lo ngại hậu quả tiềm tàng của cuộc khủng hoảng thị trường khí đốt, giá tăng gấp 3,5 lần năm 2021

19:36 | 21/10/2021

|
(PetroTimes) - Hãng tin Tass ngày 20/10/2021 đưa tin phát biểu của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tại cuộc họp hôm thứ Tư (20/10) của các thành viên Chính phủ với Tổng thống Nga Putin, cho rằng tình hình thị trường khí đốt vẫn căng thẳng, giá tăng gấp 3,5 lần trong năm 2021. Nga dự kiến tăng nhu cầu khí đốt ở các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2021. Các quan chức Nga đang lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra của cuộc khủng hoảng trên thị trường năng lượng châu Âu, trong đó có việc tăng giá cả các loại hàng hóa và cắt giảm các lĩnh vực sử dụng nhiều khí đốt.
Nga lo ngại hậu quả tiềm tàng của cuộc khủng hoảng thị trường khí đốt, giá tăng gấp 3,5 lần năm 2021
Nhà máy sản xuất LNG của Novatek tại thành phố Magnitogor, vùng Chelyabinsk, Nga. Ảnh: Nail Fatakov/Tass.

Phó Thủ tướng Nga cho biết, giá khí đốt trung bình ở châu Âu dao động khoảng 1.000-1.100 USD/1.000 mét khối, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 1.200 USD/1.000 mét khối khí đốt thượng hạng. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt toàn cầu đã tăng gấp 3,5 lần, giá than tăng gấp 3-4 lần so với năm 2020 tùy theo thương hiệu. Giá điện ở châu Âu đã tăng 5-6 lần tính từ đầu năm. Nga dự kiến ​​nhu cầu khí đốt ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng đáng kể trong năm 2021, đặc biệt là ở Trung Quốc tăng 17%, ở Hàn Quốc tăng 18%.

Cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp khí đốt châu Âu nổ ra vào mùa thu năm nay, khi giá khí đốt giao ngay bắt đầu tăng, vượt mức 1.000 USD/1.000 mét khối và gần chạm ngưỡng 2.000 USD/1.000 mét khối. Các nhà quan sát đã đưa ra một số nguyên nhân góp phần vào cuộc khủng hoảng, trong đó có nguyên nhân sự tăng trưởng bùng nổ của nhu cầu khí đốt châu Á, khiến giá thị trường châu Á tăng, thu hút nguồn cung từ châu Âu. Tình hình càng trầm trọng hơn do sản xuất năng lượng gió của châu Âu giảm xuống. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của biến động mạnh trên thị trường khí đốt là do lượng khí đốt trong các kho chứa xuống thấp.

Phó Thủ tướng Nga Novak cho rằng chưa thấy khả năng cán cân cung và cầu ở châu Âu sẽ cân bằng trong tương lai gần. Thị trường sẽ phụ thuộc vào giai đoạn thu đông và mức nhiệt độ, nhu cầu về khí đốt ở châu Âu và các thị trường khác. Tình hình hiện nay là đáng lo ngại đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng điện, khí đốt trong sản xuất. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Liên minh châu Âu đã gây ra tình trạng thiếu điện trong ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp luyện kim, phần lớn sử dụng điện, đang tạm ngừng hoạt động. Một nhà sản xuất kẽm lớn của Bỉ đã phải cắt giảm 50% sản lượng tại 3 nhà máy ở Hà Lan và Pháp.

Nga lo ngại hậu quả tiềm tàng của cuộc khủng hoảng thị trường khí đốt, giá tăng gấp 3,5 lần năm 2021
Tổng thống Nga họp với các thành viên chính phủ hôm thứ Tư, ngày 20/10/2021. Ảnh: Alexei Druzhinin/Văn phòng Thông tin Báo chí Tổng thống Nga/TASS.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, mặc dù diễn biến thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát của Moscow, Nga không hề mong đợi giá năng lượng, trong đó có giá khí đốt tăng không ngừng vì giá cả tăng cao liên tục sẽ dẫn đến sụt giảm tiêu thụ, và như vậy cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất khí đốt của Nga, trong đó có Gazprom. Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Điều tôi lo lắng, cũng như Chính phủ Nga đang lo lắng, về hậu quả tiềm tàng của cuộc khủng hoảng trên thị trường năng lượng, trong đó có các biện pháp hỗ trợ người dân do một số chính phủ ở châu Âu đề xuất”. Các biện pháp như vậy là cần thiết, nhưng có thể dẫn đến nhiều vấn đề trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có việc tăng giá các loại hàng hóa và thiếu hụt đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng nhiều khí đốt tự nhiên./.

Thanh Bình