Nếu các nhà khai thác dầu khí bị buộc phải thu giữ khí CO2?

09:20 | 21/01/2023

|
(PetroTimes) - Theo một bài nghiên cứu mới được công bố, những nhà nghiên cứu đề xuất bắt buộc những nhà khai thác hydrocarbon phải thu giữ khí CO2 thải ra từ hoạt động của họ và loại bỏ chúng khỏi bầu khí quyển, bằng cách lưu trữ khí dưới lòng đất.
Nếu các nhà khai thác dầu khí bị buộc phải thu giữ khí CO2?

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Environmental Research Letters, một nhóm nghiên cứu đã đề xuất mở rộng phạm vi của quy định Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) cho ngành dầu khí và than đá. Quy định này buộc những nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm quản lý chất thải từ các sản phẩm của họ. Quy định cũng đang được áp dụng trong một số ngành công nghiệp của Pháp.

Ông Myles Allen - đồng tác giả nghiên cứu kiêm giáo sư tại Đại học Oxford, nói với các phóng viên: “Hiện trạng khủng hoảng khí hậu đã thúc đẩy chúng tôi thực hiện bài nghiên cứu này, nhằm hiểu được về những thách thức của biển đổi khí hậu”.

Thật vậy, ông Myles Allen chỉ ra rằng châu Âu đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới cho nhiên liệu hóa thạch, nhất là để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhằm đối phó với tình trạng thiếu khí đốt từ Nga. Ông nói: “Chúng ta phải ngăn chặn nhiên liệu hóa thạch khỏi việc gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, trước khi thế giới ngừng sử dụng chúng. Cách duy nhất để đạt được điều đó là bỏ lượng CO2 phát thải ra từ việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch xuống lòng đất”.

Những tác giả khác cũng lập luận: “Nếu dần dần thiết lập một quy định về ‘nghĩa vụ thu hồi carbon’, những nhà khai thác nhiên liệu hóa thạch sẽ buộc phải loại bỏ khí CO2 thải ra từ quá trình sử dụng những sản phẩm của họ”.

Như vậy, ngành công nghiệp sẽ thu hồi CO2 tại nguồn hoặc trong không khí, sau đó đem lưu trữ chúng dưới lòng đất. Nghĩa vụ của ngành công nghiệp phải càng tăng lên, và đạt mức tương đương 100% lượng CO2 phát thải vào năm 2050 – thời điểm hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon.

Từ lâu, hoạt động thu giữ CO2 trong không khí đã tồn tại, nhưng ở quy mô rất nhỏ vì thiếu kinh phí thích hợp. Iceland có địa điểm thu giữ CO2 trong không khí lớn nhất thế giới. Tuy vậy, địa điểm này cần tới một năm chỉ để loại bỏ lượng CO2 mà nhân loại tạo ra trong vài giây.

Nhưng theo lập luận của nhóm tác giả, tình hình này sẽ thay đổi nếu ngành nhiên liệu hóa thạch bắt buộc phải sử dụng công nghệ thu giữ với quy mô hàng loạt, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp này đã tăng trưởng đáng kể trong năm qua, nhờ điều kiện giá thành tăng vọt. Ông Myles Allen cũng kêu gọi khẩn thiết: “Chúng ta phải thảo luận về cách thức chuyển hướng đầu tư của những khoản tiền khổng lồ này, từ việc đơn giản là chiết khấu giá nhiên liệu hóa thạch, vào việc tạo ra một giải pháp cho vấn đề khí hậu".

Ông Hugh Helferty - đồng tác giả của nghiên cứu kiêm cựu nhân viên của công ty dầu khí khổng lồ ExxonMobil (Mỹ), cũng tin rằng ngành công nghiệp này “có khả năng” thu giữ lại CO2, “nhưng họ thiếu mô hình tài chính và động lực. Họ cần phải sửa vấn đề này”.

Theo ước tính từ báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), thế giới sẽ phải sử dụng đến công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2, dù năng lực giảm phát thải khí nhà kính có đang ở mức nào đi nữa.

Big Oil sẽ chi tiêu nhiều hơn vào năm 2023Big Oil sẽ chi tiêu nhiều hơn vào năm 2023
Chính phủ Somalia bác bỏ quyền khai thác dầu khí của công ty Genel EnergyChính phủ Somalia bác bỏ quyền khai thác dầu khí của công ty Genel Energy
Ecuador thu hồi hai mỏ dầu ở rừng AmazonEcuador thu hồi hai mỏ dầu ở rừng Amazon
Algeria lập kế hoạch đầu tư khủng vào hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khíAlgeria lập kế hoạch đầu tư khủng vào hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí

Ngọc Duyên

AFP