Na Uy nhờ NATO kiểm tra an toàn đường ống dẫn khí dưới biển

09:17 | 06/06/2023

|
(PetroTimes) - Theo Equinor của Na Uy - nhà cung cấp khí đốt hàng đầu châu Âu, kết quả kiểm tra an toàn gần đây của những đường ống ngoài khơi ở Na Uy cho thấy không có biểu hiện khả nghi. Tuy vậy, rủi ro vẫn còn đó, gợi nên nhiều lo ngại về tính bảo mật của cơ sở hạ tầng quan trọng này.
Na Uy nhờ NATO kiểm tra an toàn đường ống dẫn khí dưới biển

Rủi ro dai dẳng

Theo bà Jannicke Nilsson – giám đốc về an toàn, an ninh và tính bền vững của Equinor, những rủi ro an ninh vẫn còn đó, vì vụ án phá hoại đường ống Nord Stream, được xây dựng để vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức qua Biển Baltic, vẫn chưa được sáng tỏ.

Từ khi trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất ở châu Âu sau khi Nga cắt giảm nguồn cung, Equinor cũng đảm nhiệm thêm vai trò là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho công ty điều hành hệ thống đường ống ngoài khơi Gassco.

Bà Jannicke Nilsson cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi đã tìm thấy những yếu tố cần được kiểm tra. Sau khi tiến hành kiểm tra, mọi thứ có vẻ đều ổn thỏa”. Tập đoàn cho biết, những cuộc kiểm tra được thực hiện nhằm phát hiện những điểm bất thường, chẳng hạn như hư hỏng, vật thể lạ hoặc biến dạng trên thành đường ống.

Theo bà Nilsson, cuộc chiến Nga - Ukraine và sự việc nổ đường ống Nord Stream đã làm thay đổi hoạt động của nhà sản xuất dầu khí lớn nhất nước Na Uy này. Tuy không phát hiện ra điểm đáng ngờ nào trong quá trình kiểm tra dưới nước dọc theo các đường ống lớn của Na Uy, mối đe dọa về một cuộc tấn công vẫn luôn hiện hữu. Bà nói: “Nguy hiểm vẫn còn ở đó. Những gì đã xảy ra với Nord Stream 1 và Nord Stream 2 là một lời nhắc nhở rất rõ ràng cho thấy con người có thể đi xa tới mức nào”.

Trợ giúp từ NATO

Bà cho biết thêm, Equinor đang làm việc với các nhà chức trách của Na Uy, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và khối liên minh quân sự NATO để xác định những phương án khả thi nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công như vậy. Na Uy là thành viên của NATO, nhưng không thuộc Liên minh châu Âu.

Vào mùa hè năm 2022, Na Uy đã chỉ định Equinor và Gassco làm những công ty quan trọng đối với an ninh quốc gia, cho phép các dịch vụ an ninh chia sẻ thông tin mật có liên quan với họ. Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, một số giám đốc điều hành của Equinor, bao gồm cả Nilsson, đã nhận được quyền truy cập an ninh từ chính quyền Na Uy, cho phép họ xem những báo cáo tình báo.

Vào tháng 1/2023, Giám đốc điều hành Equinor Anders Opedal đã đến thăm trụ sở NATO tại Brussels để thảo luận vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng ngoài khơi của phương Tây, chẳng hạn như đường ống và dây cáp. Sau vụ nổ Nord Stream, Hải quân Na Uy và các đồng minh NATO đã tuần tra xung quanh khu vực giàn khoan dầu khí ngoài khơi.

Vào tháng 2/2023, NATO đã tạo ra một Đơn vị bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển nhằm cải thiện khả năng hợp tác với ngành công nghiệp. Bà Nilsson nói: “Nếu chúng tôi cần giúp đỡ, quân đội Na Uy và NATO sẽ cung cấp nguồn lực… Họ sẽ nhanh chóng có mặt”.

Trên đất liền, quân đội Na Uy đã triển khai binh sĩ để bảo vệ những nhà máy chế biến dầu khí lớn và hỗ trợ cảnh sát, mặc dù nhiệm vụ của họ hiện đã kết thúc. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của NATO và EU trong hoạt động bảo vệ nguồn cung khí đốt của châu Âu, ông Jens Stoltenberg – Tổng Thư ký NATO và bà Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã đến thăm Troll A - giàn khai thác khí đốt lớn nhất của Na Uy, vào tháng 3/2023.

Bà Nilsson tâm sự thêm: “Vào 2 năm trước, tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra... Vì vào thời điểm đó, chúng tôi không được xem là quá quan trọng đối với an ninh năng lượng châu Âu. Bây giờ, họ thấy khí đốt từ Na Uy và Equinor là điều cần thiết”.

EU và G7 sẽ cấm Nga tái khởi động các đường ống dẫn khí đốt sang châu ÂuEU và G7 sẽ cấm Nga tái khởi động các đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu
Ba Lan yêu cầu Gazprom bồi thường vì ngừng giao khí đốtBa Lan yêu cầu Gazprom bồi thường vì ngừng giao khí đốt
Thỏa thuận trần nợ công Mỹ bất ngờ bao gồm dự án đường ống dẫn khí gây tranh cãiThỏa thuận trần nợ công Mỹ bất ngờ bao gồm dự án đường ống dẫn khí gây tranh cãi

Ngọc Duyên

AFP