Mỹ và Nga kêu gọi Trung Quốc, Anh, Pháp tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân

15:18 | 02/08/2021

|
(PetroTimes) - Trang tin Oilprice.com, Reuters ngày 29/7/2021 đưa tin Nga muốn Anh và Pháp tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân mở rộng với Mỹ, còn Mỹ muốn Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán này.

Một ngày sau cuộc Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa phát biểu của Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết việc mở rộng khuôn khổ các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí bao gồm nhiều cường quốc hạt nhân hơn là điều không thể tránh khỏi. Nga coi Anh và Pháp là những thành phần ưu tiên tham gia vào các cuộc đàm phán này, đặc biệt trong bối cảnh Anh quyết định tăng mức tối đa đầu đạn hạt nhân thêm 40%, lên 260 đầu đạn. Trả lời phóng viên Interfax ngày 29/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Washington muốn Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán mở rộng hơn về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Mỹ và Nga kêu gọi Trung Quốc, Anh, Pháp tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov trước cuộc Đối thoại ổn định chiến lược tại Geneva, ngày 28/7/2021. Ảnh: Tư liệu.

Mỹ và Nga sở hữu khoảng 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới. Ngày 28/7/2021 tại Geneva, hai bên đã tổ chức cuộc Đối thoại ổn định chiến lược cấp cao mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết tại Thượng đỉnh Mỹ-Nga tháng 6/2021. Hai bên chưa công khai nội dung trao đổi chiến lược trong cuộc Đối thoại tại Geneva, cho biết nhất trí tổ chức phiên thứ hai của cuộc Đối thoại vào cuối tháng 9/2021 sau khi tiến hành các cuộc thảo luận không chính thức.

Sớm hay muộn, Trung Quốc sẽ phải tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga.

Dư luận cho rằng Nga và Mỹ đang xem xét các vấn đề ổn định chiến lược, trong đó có việc kiểm soát các hệ thống vũ khí mới và công nghệ nằm ngoài khuôn khổ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mỗi bên được phép triển khai ở mức 1.550 đơn vị, số lượng bệ phóng tên lửa chiến lược là 700 và quy định về chế độ kiểm chứng. Đầu tháng 2/2021, Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin đã đồng ý gia hạn New START thêm 5 năm, đến năm 2026, nhằm kiểm soát và không phổ biến vũ khí, ngăn chặn nguy cơ chạy đua vũ trang và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân.

Vào thời điểm cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã cố gắng gây sức ép để Trung Quốc tham gia vào cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đặc phái viên kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đã đề nghị Trung Quốc cùng tham gia với Mỹ và Nga để xây dựng một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, bao gồm tất cả các loại vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump nói không gia hạn Hiệp ước START mới với Nga trừ khi Trung Quốc tham gia vào Hiệp ước này. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất này, cho rằng trước tiên, phía Mỹ nên cắt giảm đi 4/5 kho vũ khí hạt nhân của mình theo bằng mức của Trung Quốc. Lập trường khác biệt giữa hai bên đã dẫn đến sự bế tắc.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cho rằng sẽ là không sáng suốt nếu để New START hết hiệu lực với Nga chỉ vì Trung Quốc từ chối tham gia. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã nhanh chóng gia hạn New START, chỉ một ngày trước khi Hiệp ước hết hiệu lực; đồng thời bày tỏ tới một thời điểm nhất định, muốn Trung Quốc sẽ tham gia vào một hình thức thỏa thuận về kiểm soát vũ khí. Dư luận cho rằng, dù sớm hay muộn, Trung Quốc sẽ phải tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga./.

Thanh Bình