Mối quan hệ thương mại Trung - Nga “không bình thường”?

17:00 | 23/03/2023

|
(PetroTimes) - Kể từ khi Nga mở cuộc chiến ở Ukraine, quan hệ thương mại Trung - Nga đang bùng nổ, với kim ngạch thương mại song phương kỷ lục đạt 190 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro trong mối quan hệ mất cân bằng này và thế yếu nghiêng về Nga.
Mối quan hệ thương mại Trung - Nga  “không bình thường”?
Chụ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Quan hệ thương mại Trung - Nga ngày càng bùng nổ kể từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Khi Nga bị cắt đứt khỏi thị trường châu Âu, để duy trì nền kinh tế của mình, Nga đã ồ ạt chuyển hướng quan hệ thương mại sang Trung Quốc. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD, bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế và nhiều công ty nước ngoài rút khỏi Nga. Moscow và Bắc Kinh cũng đã tăng cường nối lại quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia đang cảnh báo về những rủi ro trong một mối quan hệ không cân bằng này và thế yếu nghiêng về phía Nga.

Quan hệ đối tác kinh tế không giới hạn

Trước khi Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt tay cho một mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc. Với thông điệp rất rõ ràng: tạo đối trọng với phương Tây. Kể từ đó, thương mại song phương giữa hai nước này đã bùng nổ, đạt kỷ lục 190 tỷ USD vào năm 2022. Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong số các loại tiền tệ được sử dụng cho ngoại thương của Nga đã tăng từ 0,5% lên 16% trong vòng một năm, dẫn đến sự sụt giảm ngoạn mục của đồng euro và đô la trong xuất khẩu của Nga (hiện nay là 48%).

Moscow và Bắc Kinh cũng đã tăng cường việc nối lại quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, nguồn thương mại chính của Nga và Trung Quốc. Các nhà kinh tế từ Hiệp hội các ngân hàng và Viện Tài chính Quốc tế (IIF) giải thích rằng “Trung Quốc và Ấn Độ đã thay thế EU trở thành thị trường xuất khẩu chính” đối với dầu của Nga, “trong quý 4/2022, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 2/3 tổng xuất khẩu dầu thô của Nga”.

Quan hệ thương mại Trung - Nga “mất cân bằng”

Tuy nhiên, các chuyên gia đang cảnh báo về những rủi ro trong mối quan hệ “mất cân bằng” này và thế yếu nghiêng về Nga. Vì Nga không có nhiều đối tác kinh tế lớn nên nhu cầu quay sang Trung Quốc trở nên cấp thiết. Ông Temour Oumarov, chuyên gia về quan hệ Trung - Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, phân tích: “Sự ổn định của nền kinh tế Nga hiện phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này mang lại cho Bắc Kinh một công cụ mới để gây ảnh hưởng trực tiếp đến Nga”. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phản đối nhận định này. “Trong mối quan hệ này, không có người lãnh đạo cũng không có người theo sau”, cố vấn ngoại giao của Vladimir Putin, ông Yuri Ouchakov, khẳng định hôm thứ Sáu tuần trước, đồng thời đề cập đến việc “hai đối tác tin tưởng lẫn nhau và hầu như có cùng mục tiêu”.

Những thách thức về hậu cần và kinh tế trong quan hệ thương mại Trung - Nga

Vẫn còn nhiều vấn đề hậu cần để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác này. Các tuyến đường sắt ở vùng Viễn Đông của Nga đã “tắc nghẽn”, bà Anna Kireïeva, thuộc Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) cho biết. “Và quá trình hiện đại hóa các tuyến đường này sẽ mất thời gian”. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng về hydrocarbon của Nga, chẳng hạn như cảng dầu Kozmino của Nga, cũng cần phải đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của Trung Quốc.

Hậu quả kinh tế đối với Nga

Việc phương Tây cấm vận và áp mức giá trần với dầu của Nga kể từ tháng 12/2022 đã tác động tiêu cực đến nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào tháng 2/2023, doanh thu dầu mỏ của Nga đã giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù có cùng một lượng dầu bán ra thị trường. Điều này làm suy yếu vị thế của Nga đối với Trung Quốc, vốn có thể tìm cách lợi dụng để đạt được những lợi ích kinh tế.

Sự phụ thuộc kinh tế của Moscow vào Bắc Kinh

Trung Quốc và Nga được coi là đồng minh, nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh. Do đó, Bắc Kinh có thể tìm cách lợi dụng vị thế suy yếu của Moscow để đạt được lợi ích kinh tế. Theo ông Temour Oumarov, đây chỉ là giai đoạn đầu của quá trình Moscow phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm tới hay thập kỷ tới, đòn bẩy kinh tế này có thể biến thành một đòn bẩy chính trị thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Ả Rập Xê-út sẵn sàng thảo luận về các thỏa thuận thương mại dầu Ả Rập Xê-út sẵn sàng thảo luận về các thỏa thuận thương mại dầu "phi USD"
Nga cáo buộc lệnh trừng phạt của Mỹ gây cản trở hoạt động thương mại của IraqNga cáo buộc lệnh trừng phạt của Mỹ gây cản trở hoạt động thương mại của Iraq
Thâm hụt thương mại của Mỹ lên gần 1 nghìn tỷ USDThâm hụt thương mại của Mỹ lên gần 1 nghìn tỷ USD
Nga đạt thặng dư thương mại cao kỷ lụcNga đạt thặng dư thương mại cao kỷ lục

Nh.Thạch

AFP