LNG của Mỹ: Cạm bẫy mới chờ EU

08:30 | 10/07/2023

|
(PetroTimes) - Ông Alexandre Joly - Trưởng bộ phận Năng lượng của công ty tư vấn Carbone 4, đã chỉ trích việc Liên minh châu Âu (EU) giải quyết nhu cầu nguồn cung khí đốt của mình bằng cách "chuyển từ việc lệ thuộc vào Nga sang lệ thuộc vào Mỹ" trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Theo ông, điều này đã để lại hậu quả.
LNG của Mỹ: Cạm bẫy mới chờ EU
Tàu chở LNG

Nhập khẩu LNG của Mỹ tăng đột biến

Vào năm 2022, EU nhập khẩu 56,4 tỷ m3 (bcm) LNG từ Mỹ, tăng 153% so với năm 2021. Ông Alexandre Joly nói: “Điều này có nghĩa rằng, phần lớn mục tiêu của Tuyên bố chung EU - Mỹ tháng 3/2022 về (việc tăng cường cung cấp LNG nhằm củng cố) an ninh năng lượng, với dự báo nâng sản lượng thêm 15 bcm so với năm 2021, đã bị vượt qua”.

Cũng theo ông, tỷ trọng LNG của Mỹ trong cơ cấu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của EU đã tăng từ khoảng 5% vào năm 2021 lên đến tận 20% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2022 đến giữa tháng 2/2023. Trong khi đó, tỷ trọng khí đốt của Nga trong cơ cấu giảm từ 40% xuống 10% so với giai đoạn cùng kỳ.

Một tác động đáng kể lên khí hậu

Theo ông Alexandre Joly, vấn đề nằm ở chỗ: "Quá trình chuyển giao" này đi kèm với tình trạng gia tăng mạnh về phát thải khí nhà kính. Ông nói: Chỉ tại thượng nguồn, khí đốt của Mỹ đã thải ra lượng khí nhà kính cao hơn 20-45% so với khí đốt của Nga", do hoạt động khai thác khí đá phiến ở Mỹ cần tiêu thụ nhiều năng lượng hơn so với khai thác khí mỏ thông thường, với nhu cầu khoan ngang, bẻ gãy thủy lực… rò rỉ khí từ hoạt động hóa lỏng khí và vận chuyển đường dài.

Ông Alexandre Joly ước tính: Nhìn chung, việc EU tái định hướng nguồn cung khí đốt sang LNG của Mỹ sẽ thải ra 1-2 triệu tấn CO2 tương đương, "dẫn đến nguy cơ xóa bỏ lợi ích khí hậu do 10 TWh khí metan sinh học mang lại. Trong khi đó, vào năm 2022, chỉ có 7 TWh khí metan sinh học đã được đưa vào mạng lưới tiêu thụ của Pháp”.

Người quản lý bộ phận Năng lượng của Carbone 4 cũng cảnh báo về sự gia tăng của số lượng kho cảng LNG ở châu Âu. Ông xem đây là điều "không cần thiết một chút nào", vì công suất của những kho cảng này có thể lên tới tổng cộng gần 400 bcm/năm, trong khi nhu cầu về LNG của châu Âu ước tính chỉ rời vào khoảng 150-190 bcm vào năm 2030.

Mặt khác, trong ngắn hạn, nhu cầu khí đốt của châu Âu chỉ được "đáp ứng đến 60%" vào năm 2025. Do đó, ông Alexandre Joly kêu gọi giảm nhanh nhu cầu tiêu thụ khí đốt hóa thạch để tháo gỡ những bế tắc này.

Châu Âu thiết lập kỷ lục mới về nhập khẩu LNGChâu Âu thiết lập kỷ lục mới về nhập khẩu LNG
Israel xây dựng đường ống dẫn khí mới dưới biển Địa Trung HảiIsrael xây dựng đường ống dẫn khí mới dưới biển Địa Trung Hải
Trung Quốc dẫn đầu trong ký kết các thỏa thuận LNG dài hạnTrung Quốc dẫn đầu trong ký kết các thỏa thuận LNG dài hạn

Ngọc Duyên

AFP