Liệu thị trường dầu mỏ toàn cầu có còn phụ thuộc vào Trung Quốc?

11:06 | 17/01/2024

|
Kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau chính sách không Covid, thế giới hiện đang quay cuồng trước hai cú sốc năng lượng lớn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và xung đột Israel-Palestine. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu thị trường dầu mỏ có thể dựa vào Trung Quốc để thúc đẩy tiêu dùng hay không?
Liệu thị trường dầu mỏ toàn cầu có còn phụ thuộc vào Trung Quốc?
Ảnh minh họa

Trước hết, cuộc xung đột Israel-Palestine đánh dấu một cú sốc khác đối với thị trường hàng hóa sau cú sốc lớn nhất diễn ra trong những năm 70 thế kỷ trước - đó là việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Kể từ ngày 7/10/2023, khi cuộc xung đột Israel-Palestine bắt đầu nổ ra, ngay lập tức giá dầu thô đã phản ứng song song với nỗi quan ngại về một cuộc xung đột kéo dài ở khu vực Trung Đông. Trong Báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra cảnh báo rằng giá dầu thô thậm chí có thể tăng lên 157 USD/thùng nếu xung đột mở rộng ra ngoài biên giới Israel-Palestine.

Nếu kịch bản này xảy ra thì “nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với cú sốc năng lượng kép lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ” như ông Indermeet Gill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Trong bối cảnh địa chính trị này, Trung Quốc đã tự coi mình là một bên trung lập ở Trung Đông là vì nhờ lợi ích từ dầu mỏ. Hiện Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất từ ​​Ả Rập Xê-út, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, đồng thời cũng đã tăng hơn gấp ba lần lượng nhập khẩu từ Iran trong vòng hai năm qua với số lượng mua chiếm tới 87% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Iran trong tháng 9/2023.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã nhập khẩu khối lượng dầu thô giá rẻ kỷ lục từ Nga do các lệnh trừng phạt lên giá trần của phương Tây áp đặt nhằm mục tiêu xây dựng các kho dự trữ và xuất khẩu các sản phẩm đã lọc từ dầu thô nhập khẩu. Đầu năm 2023, Hoa Kỳ đã kỳ vọng Trung Quốc sẽ nhập khẩu khối lượng dầu thô kỷ lục để khởi động lại nền kinh tế sau chính sách không Covid.

Dù đã xác lập kỷ lục nhập khẩu dầu thô từ Nga và Ả Rập Xê-út nhưng Trung Quốc chỉ góp phần tăng dự trữ nhiên liệu trong bối cảnh kinh tế phục hồi hiện ở mức khá yếu. Ở mức độ đó, ông Chu Tân Hoai, Giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), cho biết “có lẽ năm 2023 nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong nước của Trung Quốc sẽ đạt mức đỉnh”.

Tranh cãi về “đỉnh dầu” ở Trung Quốc và thế giới

Tuy nhiên, không phải tất cả các bên liên quan đều đồng ý với ý kiến trên về thời điểm nhu cầu về dầu thô của Trung Quốc đạt đỉnh điểm.

Báo cáo triển vọng năng lượng thế giới hàng năm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công bố vào tháng 10/2023 cho biết, dựa trên các chính sách hiện hành của các chính phủ trên thế giới, nhu cầu về dầu thô, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol thì tuyên bố, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn thế giới và không ai có thể thể ngăn cản được tiến trình này. Vấn đề đặt ra không phải là từ “nếu” mà chỉ là vấn đề từ “bao lâu” mà thôi tức là thực hiện càng sớm thì càng tốt cho tất cả chúng ta.

Trái ngược với quan điểm trên của IEA, trong báo cáo về triển vọng dầu thế giới năm 2023 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã công bố trong cùng tháng 10/2023 thì lại cho thấy nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ đạt 116 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2045, nhiều hơn khoảng 6 triệu thùng mỗi ngày so với dự báo vào thời điểm này năm 2022.

Trong khi IEA đặt cược vào sự thành công của cuộc cách mạng xe điện, một tổ chức vận động hành lang của OPEC lại đưa ra dự báo nhu cầu dầu thô sẽ tăng khi các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đánh giá lại cách tiếp cận của họ đối với các lộ trình chuyển đổi năng lượng sát với thực tế. Hiện tại, một số chính phủ trên thế giới đang ưu tiên vấn đề an ninh năng lượng, trong đó EU, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Úc và một số quốc gia khác đang làm “mềm mại” các mục tiêu chính sách biến đổi khí hậu của nước mình. Trước hết, một số dự án năng lượng tái tạo đang bị trì hoãn hoặc gác lại do chi phí tăng cao và những hạn chế trong chuỗi cung ứng, mở đường cho nhu cầu dầu thô được tiêu thụ nhiều hơn.

Mặt khác, IEA lại đặt kỳ vọng vào số lượng xe ô tô điện sẽ tăng gần 10 lần vào năm 2030. Trung Quốc vừa là thị trường lớn nhất vừa là động lực tăng trưởng chính cho các sản phẩm dầu mỏ tinh chế như xăng và dầu diesel trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, tỷ lệ sử dụng xe điện ở quốc gia này đang ở mức cao nhất mà theo ước tính của IEA từ tháng 8/2023 cho thấy có tới 38% doanh số bán xe ô tô chở khách mới lại là xe ô tô điện.

Trong khi thời điểm đạt đỉnh tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc vẫn còn gây tranh cãi thì chỉ riêng việc dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu lớn của nước này cũng có thể làm thay đổi tương lai của thị trường dầu mỏ thế giới. Với kịch bản đó, liệu các thị trường dầu mỏ thế giới có còn phải phụ thuộc vào Trung Quốc?

Vai trò của Trung Quốc trong việc thay đổi nhu cầu trên thị trường dầu mỏ

Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (2001), Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy hơn một nửa mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu cũng như tăng mức tiêu thụ nội địa lên gấp ba lần trong hai thập kỷ qua. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford (Vương quốc Anh) nói với tờ Financial Times rằng thực tế dầu thô chỉ chiếm có 19% tổng hợp các loại năng lượng của Trung Quốc, phần còn lại được cung cấp bởi than đá và năng lượng tái tạo.

Điều thú vị ở chỗ là trước khi ông Chu của CNOOC đưa ra tuyên bố về việc Trung Quốc đạt đỉnh mức tiêu thụ dầu thô thì một gã khổng lồ dầu mỏ Trung Quốc khác là tập đoàn Sinopec đã đưa ra thông tin vào đầu tháng 8/2023 cũng cho biết nhu cầu về xăng của nước này cũng sẽ đạt đỉnh vào năm 2023, sớm hơn hai năm so với ước tính trước đó. Phía tập đoàn Sinopec cho rằng sự phát triển này là do xe điện được sử dụng với tốc độ nhanh hơn so với dự kiến. Ông Chu Yan, một viên chức của đơn vị bán lẻ nhiên liệu của hãng Sinopec thì lại cho rằng chính xe ta-xi và dịch vụ đặt xe công nghệ bằng xe điện hay “năng lượng mới” đã có tác động lớn đến mức tiêu thụ nhiên liệu ở Trung Quốc.

Theo Financial Times, trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 11,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 15,3% so với mức trước đại dịch Covid. Đến tháng 6/2023, Trung Quốc đã lập kỷ lục mới khi nhập khẩu 2,13 triệu thùng dầu từ Nga, vượt mức 1,88 triệu thùng mỗi ngày được nhập khẩu từ Ả Rập Xê-út. Tuy nhiên, mức nhập khẩu dầu thô giảm giá mức kỷ lục đã khiến các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc phải gia tăng dự trữ và theo dõi chặt chẽ việc xuất khẩu dầu thô trên thế giới.

Mặc dù không bao giờ tiết lộ quy mô tồn kho dầu thô nhưng ước tính cho thấy kho dự trữ dầu thô của Trung Quốc là khoảng 1,02 tỷ thùng, so với 347 triệu thùng dầu thô mà Hoa Kỳ lưu giữ trong kho dự trữ chiến lược. Nếu không có bất kỳ biện pháp kích thích tiêu dùng mạnh mẽ nào tung ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp cùng với các chính sách khuyến khích sử dụng xe điện, thì giá dầu thô kể từ tháng 7/2023 đã giảm do số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc.

Những suy đoán cho tương lai

Trong khi gia tăng sử dụng xe điện có thể khiến dầu mỏ nhanh chóng “chìm vào bóng tối” thì Trung Quốc vẫn phụ thuộc đáng kể vào than đá. Không giống như nhiều nước châu Âu và châu Á khác đã dần chuyển dịch sử dụng từ than đá và dầu thô sang LNG như một loại nhiên liệu chuyển tiếp ít gây ô nhiễm môi trường hơn, Trung Quốc kỳ vọng sẽ tạo ra bước nhảy vọt từ tiêu thụ than đá trực tiếp sang năng lượng tái tạo. Cơ cấu năng lượng hiện tại của Trung Quốc được thúc đẩy bởi việc sử dụng 56% than đá và chỉ có 8% khí đốt mà thôi.

Về vấn đề này, mục tiêu cắt giảm lượng carbon của Trung Quốc không đạt kết quả bằng như các nước OECD khác vốn hướng tới mục tiêu đạt lượng khí phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050 trong khi Trung Quốc đã nêu cam kết đến tận năm 2060. Khi màn khói khí phát thải carbon khác nhau bốc lên trời thì các nhà chỉ trích nêu quan điểm không đồng tình khi cho rằng Trung Quốc sẽ đạt đỉnh tiêu thụ dầu thô trong thập kỷ này.

Giám đốc tổ chức nghiên cứu và dữ liệu dầu LSEG ở Châu Á (Vương quốc Anh) ông Yaw Yan Chong cho hãng tin CNBC biết, Trung Quốc đặt mục tiêu khí phát thải carbon bằng 0 vào năm 2060, đó là thời điểm dự báo nhu cầu dầu thô sẽ giảm bớt khi nước này dần tiến tới “thời hạn” đó.

Để ủng hộ lý thuyết này, Trung Quốc hiện cũng là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất hóa lọc dầu được sản xuất từ dầu và khí đốt tự nhiên. Đánh giá sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu thô, Trưởng khoa nghiên cứu năng lượng tại Đại học Hạ Môn ở Hạ Môn, Trung Quốc nói với tờ New York Times rằng, trong tương lai, ông không tin rằng Trung Quốc có thể giảm đáng kể nhu cầu về dầu mỏ.

Các cuộc tấn công ở Yemen sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường dầu mỏ toàn cầu?

Các cuộc tấn công ở Yemen sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường dầu mỏ toàn cầu?

Sau cuộc tấn công của Mỹ và Anh nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen, có nhiều lo ngại về việc giá dầu toàn cầu có thể tăng vọt nếu có sự leo thang quân sự nghiêm trọng.

Tuấn Hùng