Libya quay lại thị trường dầu mỏ: tốt hay xấu?

12:20 | 11/03/2021

|
(PetroTimes) - Giai đoạn nóng của cuộc nội chiến tại Libya dường như sắp kết thúc sau khi một hiệp định đình chiến được ký kết ngày 23/10/2020 giữa Chính phủ hiệp ước quốc gia (GNA) do Fayez Sarraj lãnh đạo và Quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.
Libya hạn chế phụ thuộc vào các hãng vận tải tư nhân trong cung cấp dầu thô cho khách hàngLibya hạn chế phụ thuộc vào các hãng vận tải tư nhân trong cung cấp dầu thô cho khách hàng
Các công ty dầu khí Nga có nên tiếp tục “phiêu lưu” tại Libya?Các công ty dầu khí Nga có nên tiếp tục “phiêu lưu” tại Libya?
Libya quay lại thị trường dầu mỏ: tốt hay xấu?

Cả hai phe đều có lý do để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài. Lực lượng LNA gặp nhiều khó khăn để có thể chiếm lại thủ đô Tripoli từ GNA, đồng thời có những vấn đề nghiêm trọng trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào cuộc nội chiến ở Libya. Các lực lượng của GNA thì không đạt được bất kỳ kết quả đáng kể nào trong giai đoạn xung đột vừa qua. Các cuộc phản công vào những vị trí của GNA chiếm đóng trên thực tế đang lâm vào bế tắc khi không một bên nào có thể tung “đòn quyết định” vào bên kia.

Sau khi hiệp định được ký kết, có thể thấy các lệnh phong tỏa các cơ sở dầu mỏ quan trọng của Libya đang dần được dỡ bỏ. Điều này đã thúc đẩy quốc gia này bổ sung thêm vào thị trường cung dầu toàn cầu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây mà không phải chịu bất kỳ hạn chế sản lượng khai thác nào từ phía liên minh OPEC+. Tại các thị trường truyền thống của dầu thô Libya như Địa Trung Hải, EU và châu Á, hầu hết những người chơi trên thị trường đều cảm nhận được sự xuất hiện của dầu thô Libya.

Nội chiến “giết chết” hoạt động khai thác

Việc các cảng và mỏ dầu bị phong tỏa trong một thời gian dài (01-10/2020) đã khiến sản lượng khai thác dầu thô của Libya giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011 với mức 100.000 bpd. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Libya có thể sản xuất dầu khi tất cả các cơ sở và tất cả các cảng dầu bị đóng cửa. Trên thực tế, ngoài các mỏ trên đất liền, chiếm phần lớn trữ lượng tài nguyên dầu khí của quốc gia này, Libya còn hai mỏ ngoài khơi đang được phát triển ở vùng lãnh hải là Bouri và Al-Jurf, nơi không có bất kỳ hạn chế nào. Việc sản xuất dầu thô tại hai mỏ này diễn ra liên lục trong suốt giai đoạn 2011-2020. Dầu thô sản xuất từ các mỏ này được lưu trữ trong các kho nổi và từ đó cung cấp cho thị trường Địa Trung Hải (chủ yếu là Italy).

Với trữ lượng dầu đã được chứng minh là lớn nhất ở châu Phi (khoảng 48,4 tỷ thùng), Libya đã đạt đỉnh khai thác dầu thô vào năm 1970 và sụt giảm cho đến ngày nay. Trong những năm cuối dưới thời của Muammar Gaddafi, sản xuất dầu thô tại Libya đã có lúc hồi sinh khi sản lượng đạt mức 1,8 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, cuộc nội chiến bùng nổ đã đặt dấu chấm hết cho những kế hoạch tham vọng của chính quyền cũ, đẩy sản lượng khai thác dầu xuống mức thấp nhất trong vòng 60 năm. Đất nước bị chia cắt thành hai phe, 9 năm diễn ra xung đột quân sự đã đe dọa đến sự an toàn của các cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Libya trở thành nhà cung cấp quy mô nhỏ trên nền năng lượng toàn cầu.

Trong năm 2020, Libya tụt thêm một bậc xuống vị trí thứ 5 trong số các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất châu Phi, xếp sau Nigeria, Angola, Algeria và Ai Cập. Nghịch cảnh của sự sụp đổ chế độ tại Libya nằm ở chỗ, nước này vẫn nằm trong số 3 quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Libya, Kuwait và Iraq đã liên tục dẫn đầu thế giới về mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu dầu mỏ với tỷ trọng nguồn thu dầu/GDP bình quân trên 47% trong giai đoạn 2000-2018.

Dầu Libya xuất khẩu đi đâu?

Trung tâm thương mại các loại dầu Libya là Địa Trung Hải. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty dầu của Italy (Eni), Pháp (Total) và Áo (OMV) đóng vai trò hàng đầu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu tại quốc gia Bắc Phi này. Do một số nhà máy lọc dầu trong khu vực không đủ công nghệ để chế biến sâu dầu thô nên dầu từ Libya thường xuyên là nguyên liệu thô cho các cơ sở lọc dầu của các tập đoàn nêu trên. Đồng thời, các hãng này đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với những vấn đề kỹ thuật của dầu thô Libya, đó là: hàm lượng parafin cao, nhiệt độ đông đặc > 0 độ C.

Vị thế của dầu thô Libya tại thị trường Địa Trung Hải bị lung lay nhẹ trong hai năm 2018 và 2019, tức là trước thời điểm LNA phong tỏa các cảng và mỏ dầu, và Trung Quốc bắt đầu tích cực mua lại các loại dầu thô Libya, vượt qua cả Italy vào cuối năm 2018. Hơn nữa, một lượng dầu từ Libya đến Italy được che dấu, không được thống kê khi cập cảng Trieste mà được bơm thẳng qua đường ống dẫn dầu TAL đến Áo và Cộng hòa Séc. Do đó, Trung Quốc trở thành thị trường quan trọng của dầu thô Libya trong năm 2018 và 2019.

Sự xuất hiện đột ngột thêm 1 triệu bpd trên thị trường dầu ở Địa Trung Hải đã ảnh hưởng đến các loại dầu cạnh tranh khác trong khu vực như CPC Blend (Kazakhstan - Nga), Saharan blend (Algeria), Azeri Light (Azerbaijan). Tất cả các loại dầu trong khu vực liên quan đến tiêu chuẩn dầu Brent vẫn đang trong quá trình hồi phục sau khi giá sụt giảm chưa từng có vào tháng 3-5/2020. Sử trở lại của dầu thô Libya tạo áp lực giảm giá mới đối với các loại dầu khu vực. Ngoài ra, sự bổ sung dầu thô Libya khiến thị trường Địa Trung Hải trở nên bão hòa hơn, góp phần thúc đẩy xuất khẩu dầu khu vực sang phần còn lại của châu Âu và các châu lục khác. Ví dụ, xuất khẩu dầu của Algeria sang châu Á trong tháng 12/2020 đã đạt 4,2 triệu thùng, mức cao nhất theo tháng trong năm.

Cần lưu ý thêm rằng, việc dầu thô Libya quay trở lại thị trường châu u đã làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của các loại dầu thô Mỹ do dầu thô Libya cũng nhẹ và có hàm lượng lưu huỳnh thấp tương đương với dầu thô Mỹ. Thực tế cho thấy, nếu xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang khu vực Địa Trung Hải đạt đỉnh vào tháng 7/2020 ở mức 12,6 triệu thùng (400.000 thùng/ngày), thì đến tháng 01/2021, lượng dầu nhập khẩu từ Mỹ đã giảm xuống còn 4 triệu thùng (130.000 thùng/ngày). Điều này cho thấy, sự quay trở lại của dầu thô Libya đã ngăn cản tăng trưởng xuất khẩu dầu thô Mỹ sang khu vực này, nhất là xét về khoảng cách địa lý thì dầu thô Libya có lợi thế hơn dầu thô Mỹ.

Sự trở lại của dầu thô Libya đã giúp ích cho các nhà tinh chế dầu châu Âu, song đối với OPEC thì đó lại là một vấn đề. Trong bối cảnh bất ổn chính trị, Libya được giải phóng khỏi cam kết hạn ngạch sản xuất trong khuôn khổ các thỏa thuận OPEC+. Tuy nhiên, khi tình hình tại quốc gia này ổn định hơn, các đối tác Trung Đông chắc chắn sẽ bắt đầu kêu gọi liên minh đưa Libya vào cam kết cắt giảm theo thỏa thuận chung.

Trong giai đoạn từ tháng 11/2020 đến tháng 01/2021, sự bổ sung dầu thô Libya vào thị trường đã không làm sụt giảm giá dầu vì hai lý do chính. Một là, một số quốc gia trong liên minh OPEC+ buộc phải giảm sản lượng xuống dưới mức hạn ngạch trong OPEC+ vì đã vi phạm cam kết trong năm 2020 (Iraq, UAE). Hai là, KSA quyết định không tăng sản lượng khai thác dầu nhằm duy trì giá dầu có lợi.

Ưu tiên lọc dầu để đáp ứng thị trường nội địa

Không phải tất cả dầu thô khai thác tại Libya đều được xuất khẩu. Một phần nhất định trong số đó làm nhiên liệu để lọc dầu cho chính thị trường trong nước. Hiện có 5 nhà máy lọc dầu trên lãnh thổ Libya, trong đó lớn nhất là nhà máy Ras Lanuf (công suất thiết kế đạt 220.000 thùng/ngày) đã không hoạt động kể từ năm 2013 do tranh chấp kéo dài về quyền sở hữu giữa Công ty dầu khí quốc gia Libya (NOC) và các chủ sở hữu ban đầu từ UAE. Tất cả các nhà máy còn lại đã khôi phục hoạt động, gồm: nhà máy Ez-Zawiya (120.000 thùng/ngày), Tobruk (20.000 thùng/ngày), Sarira (10.000 thùng/ngày) và Sirte (8000 thùng/ngày). Mặc dù các nhà máy này không đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu của Libya vào khoảng 220.000 thùng/ngày, nhưng có thể giúp nước này vượt qua “cơn đói nhiên liệu” tại thị trường nội địa. Theo Reuters, Libya đã phải nhập khẩu khoảng 2,5 triệu tấn xăng và dầu diesel trong năm 2020, cao hơn gần 45% so với năm 2019. Đối với doanh thu của NOC, sự phục hồi sản xuất đang diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết. Tổng nguồn thu bị mất trong năm 2020 của công ty này ước tính đạt 9,8 tỷ USD. Riêng trong tháng 11/2020, NOC đã nhận được doanh thu nhiều hơn 7 tháng trước đó cộng lại.

Sự hiện diện của Nga

Tình hình chính trị có phần ổn định hơn thời gian gần đây tại Libya có thể tạo động lực thúc đẩy sự quay trở lại thị trường này của các công ty dầu khí Nga, chủ yếu là Tatneft nhằm đánh giá lại các mỏ dầu khí được cấp phép, đã không hoạt động trong hơn một thập kỷ. Vào thời điểm 2006 - 2007, Tatneft đã xem Libya là quốc gia an toàn để mở rộng cơ sở tài nguyên của mình. Công ty này đã mua lại 8 lô dầu khí thông qua đấu giá để nhận được giấy phép cuối cùng. Tất cả các lô này đều có sự tham gia của Tatneft. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động thăm dò đã bị đình chỉ khẩn cấp vào năm 2014. Hoạt động khảo sát địa chấn tại một số lô chỉ có thể được hoàn thành vào năm 2020.

Đến cuối tháng 12/2020, Tatneft tuyên bố sẵn sàng tiếp tục hoạt động tại 4/8 lô được cấp phép ở Libya. Mặc dù chưa có lô nào được đưa vào khai thác, nhưng việc Tatneft muốn quay lại thăm dò và đánh giá tài nguyên là một bước tiến quan trọng đối với Libya vì đối tác Nga là một trong những công ty hàng đầu ngoài Libya sở hữu các giấy phép thăm dò, khai thác quy mô lớn. Nếu loại trừ tất cả các công ty liên doanh với NOC (Zallaf Oil, AGOCO, Harouge Oil Operations) thì Tatneft kiểm soát các khu vực dầu khí lớn thứ 3 ở Libya với diện tích 20.000 km2, xếp sau Occidental và BP.

Trong khi các lô dầu khí do Tatneft có tiềm năng lớn về dầu thô thì một công ty khác của Nga là Gazprom đang có cơ hội tốt để trở thành người chơi lớn trên thị trường khí đốt Libya. Thông qua quan hệ với đối tác Wintershall Dea (Đức), Gazprom đang nắm giữ cổ phần nhượng quyền sản xuất dầu khí tại các lô số 91 và 107, đồng thời sở hữu quyền thăm dò địa chất và khai thác lô dầu khí số 19 tại thềm lục địa (trúng thầu năm 2008). Theo đó, Gazprom có nghĩa vụ khoan 6 giếng thăm dò trong vòng 30 năm.

Cũng giống như trường hợp của Tatneft, Gazprom đã thực hiện khảo sát địa chấn 3D quy mô lớn, xác định được ba triển vọng dầu khí hứa hẹn nhất tại lô số 19. Tuy nhiên, hãng đã không thể bắt đầu khoan thăm dò (dự kiến bắt đầu vào mùa hè năm 2011). Ngoài ra, một công ty dầu khí khác của Nga là Rosneft đã ký một bản ghi nhớ hợp tác với NOC vào năm 2017, nhưng cho đến nay, tương tác giữa hai bên vẫn chưa phát triển thành một dự án thăm dò và sản xuất cụ thể nào ở Libya. Do đó, Nga đang ở một vị trí khá “éo le” khi có những công ty dầu khí trở thành điểm đầu tư quan trọng ở Libya, xong hoạt động sản xuất thực tế lại không được tiến hành.

Nếu các thế lực ở Libya cố gắng đạt được sự hiểu biết chung về các mục tiêu quốc gia, thì chính quyền Libya trong tương lai sẽ phải bình thường hóa quá quy trình cấp phép thăm dò, khai thác. Kể từ sau vòng đấu thầu cuối cùng vào năm 2007, NOC đã cấp quyền thăm dò, khai thác trên cơ sở đàm phán song phương với các đối tác liên quan. Các bên ở Libya cần có tầm nhìn về triển vọng hydrocarbon tại khu vực thềm lục địa của nước này ở Địa Trung Hải, nơi vẫn còn khá ít hoạt động thăm dò. Bên cạnh đó, những sự kiện chính trị, quân sự xảy ra trong một thập kỷ qua tại quốc gia này cho thấy, các công trình dầu khí ngoài khơi có thuận lợi đáng kể là sự an toàn và khả năng cung cấp dễ dàng cho thị trường hơn các mỏ dầu khí trên đất liền.

Diễn biến tiếp theo tại Libya

Một số yếu tố có thể biến trạng thái “ngừng bắn” mong manh hiện nay thành thù địch ngay lập tức. Ví dụ, trong khuôn khổ các hiệp định Geneva quy định rằng, tất cả các chiến binh nước ngoài phải rời khỏi Libya. Vì không bên tham chiến nào chính thức thừa nhận có công dân nước ngoài trong hàng ngũ của mình. Do đó, lý do này có thể là ngòi nổ khơi lại chiến sự. Tuy nhiên, lý do khiến các bên bất đồng nhất và nguy hiểm nhất về mặt địa chính trị chính là vấn đề phân phối nguồn thu từ dầu mỏ, vốn đóng góp lớn vào GDP của nước này.

Trong vấn đề phân phối nguồn thu từ dầu thô và khí đốt, mâu thuẫn xảy ra ở tất cả các bên. Một mặt là sự tranh giành giữa GNA và LNA, mặt khác là mâu thuẫn giữa NOC và Ngân hàng trung ương Libya. Thực tế cho thấy, NOC đã nhiều lần từ chối chuyển doanh thu từ xuất khẩu dầu thô cho ngân hàng trung ương với lý do thiếu trách nhiệm giải trình về việc phân bổ nguồn thu, đồng thời bày tỏ sẵn sàng chuyển doanh thu chỉ khi có một chính phủ quốc gia thống nhất. Sức nặng chính trị của lãnh đạo NOC Mustafa Sanalla đã tăng lên đáng kể, cho phép nhân vật này trở thành một nhân tố cần thiết trong cấu trúc chính trị tương lai của Libya.

Từ quan điểm về triển vọng dài hạn của ngành dầu khí Libya, việc các mỏ dầu khí và cảng dầu hoạt động trở lại là một diễn biến tích cực. Hơn nữa về mặt kỹ thuật, việc các giếng ngừng hoạt động lâu ngày đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dầu, thúc đẩy vi khuẩn khử sunfat chuyển đổi ion sunfat thành hydro sunfua có tính ăn mòn cao. Tất cả những phân tích trên cho thấy, việc Libya quay trở lại thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, bất đồng và xung đột, nhưng đồng thời sự trở lại này có lợi hơn và tốt hơn so với nội chiến kéo dài và đóng van các giếng khoan.

Viễn Đông