Kinh tế Đức ra sao khi mất nguồn khí đốt Nga?

09:30 | 04/08/2022

|
(PetroTimes) - Do lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt do đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đang được bảo trì, Đức đang tìm kiếm các giải pháp thay thế khí đốt của Nga cho kịch bản xấu nhất để hạn chế hậu quả với nền kinh tế.
Kinh tế Đức ra sao khi mất nguồn khí đốt Nga?
Dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối từ Nga sang Đức bị ngừng ngay khi cuộc chiến Ukraine nổ ra

Châu Âu đang tìm kiếm các giải pháp thay thế, giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Trong bối cảnh đó, việc bảo trì đường ống Nord Stream 1 từ Nga tới Đức (từ ngày 11-7 đến 21-7-2022) càng làm hạn chế nguồn cung cấp khí đốt. Thêm nữa, mới đây, Gazprom - công ty vận hành đường ống của Nga - đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng với Nord Stream 1, có nghĩa Gazprom có thể sẽ được miễn trừ việc thực hiện các hợp đồng liên quan đến Nord Stream 1.

Thị trường “căng như dây đàn”

Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho một số nhà phân phối từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Bulgaria, Ba Lan, Phần Lan, nhà cung cấp Đan Mạch Orsted, công ty Hà Lan Gasterra và Shell không còn được cung cấp khí đốt của Nga. Nga cũng đã thông báo danh sách này sẽ không ngừng được mở rộng.

Hơn nữa, Gazprom đã quyết định giảm khả năng cung cấp của đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 40% vào đầu tháng 6-2022.

Các nước châu Âu cho đây là một phản ứng của Nga đối với chuyến thăm của các nhà lãnh đạo châu Âu tới Ukraine. Trong chuyến thăm này, các biện pháp trừng phạt mới với Nga, việc tài trợ thêm vũ khí và khả năng Ukraine gia nhập EU đã được thảo luận.

Đáng chú ý, quyết định ngừng hoàn toàn hoạt động của Nord Stream 1 có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả châu Âu và Nga. Nga xuất khẩu 1/3 lượng khí đốt sang châu Âu. Ngay cả khi Nga chuyển hướng các dòng khí đốt tới châu Á, vẫn sẽ không có đường ống nào ngoài tàu chở LNG. Hơn nữa, thị trường châu Á có thể miễn cưỡng mua LNG của Nga vì mục đích chính trị. Do đó, nếu không có nhu cầu từ châu Âu, sản lượng LNG của Nga sẽ phải giảm.

Kinh tế Đức ra sao khi mất nguồn khí đốt Nga?
Tập đoàn năng lượng khổng lồ UNIPER bên bờ vực phá sản do Nga giảm nguồn cung khí đốt

Các lỗ hổng của nền kinh tế Đức

Ngành công nghiệp của Đức tiêu thụ nhiều khí đốt nhất, năm 2021 tiêu thụ 366 tỉ kWh, tương đương 36% lượng khí đốt tiêu thụ ở Đức. Ngành công nghiệp hóa chất tiêu thụ khí lớn nhất với 59 TWh mỗi năm. Theo Moody's, chỉ riêng cơ sở của BASF ở Ludwigshafen đã sử dụng 4% khí đốt của Đức. Ngành tiêu thụ khí lớn thứ hai là công nghiệp thực phẩm (31TWh), tiếp theo là công nghiệp luyện kim (26TWh), công nghiệp giấy (19TWh), công nghiệp thủy tinh và gốm sứ (17TWh).

Ở Đức, trường hợp đặc biệt của Tập đoàn năng lượng UNIPER là điển hình của những khó khăn mà các công ty Đức gặp phải. Sự kết hợp giữa việc bị cắt giảm 25% nguồn cung và việc Chính phủ Đức quy định giá trần với khí đốt khiến UNIPER, một trong những khách hàng châu Âu lớn nhất của Gazprom, phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chính phủ Đức. Giá cổ phiếu của UNIPER đã giảm 66% tính đến thời điểm hiện tại và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6-3-2017 đến nay.

Các hộ gia đình Đức cũng dễ bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt tăng cao. 50% hộ gia đình ở Đức sưởi ấm bằng khí đốt, hiện đã trả tiền mua khí đốt với giá cao gấp đôi so với năm 2021.

Giá khí đốt có thể tăng hơn nữa vào cuối năm 2022. Theo một nghiên cứu của Aurora Energy Research, giá khí đốt có thể tăng 2/3 vào cuối năm nay nếu nguồn cung của Nga chấm dứt. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bavaria, việc ngừng xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đồng nghĩa với việc kinh tế Đức giảm 12,7% trong 6 tháng cuối năm 2022. Suy thoái kinh tế tương đương tổng thiệt hại 193 tỉ euro, có thể ảnh hưởng đến 5,6 triệu việc làm.

Chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn

Đối mặt với tất cả những tác động tiêu cực đó, Chính phủ Đức đang nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế.

Đầu tiên, trong trường hợp của UNIPER, các cuộc họp đang được tiến hành để thảo luận về các biện pháp bình ổn. Chính phủ Đức có thể mua lại cổ phần, thậm chí trở thành cổ đông lớn để giúp đỡ UNIPER.

Đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt, Đức đã đặt mục tiêu lấp đầy 80% công suất dự trữ vào tháng 10 và 90% vào tháng 11-2022. Đến cuối tháng 6-2022, dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 61%.

Bundesnetzagentur của Đức (BNetzA) chịu trách nhiệm lập các kế hoạch khẩn cấp. Trong trường hợp khủng hoảng, hệ thống sưởi của các gia đình, bệnh viện và các dịch vụ thiết yếu sẽ là những đối tượng ưu tiên.

Các công ty lớn phụ thuộc nhiều vào khí đốt sẽ được lựa chọn dựa trên quy mô, mức độ phù hợp và tổn thất kinh tế tiềm ẩn.

LNG và các nguồn năng lượng khác

Về lâu dài, Chính phủ Đức “đặt cược” vào việc sử dụng LNG. Đức đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các terminal LNG. Ngoài ra, Đức đang chuẩn bị khởi động một dự án cảng nổi ở Lubmin trên biển Baltic nhằm nhập khẩu LNG từ Mỹ và Na Uy. Na Uy là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai ở châu Âu, sau Nga. Khí đốt cũng có thể được nhập khẩu từ Qatar hoặc Algeria.

Tuy nhiên, có những giới hạn cho định hướng đó. Trước hết, châu Âu chỉ có khả năng hạn chế trong việc tiếp nhận LNG. Ngoài ra, một vụ nổ đã xảy ra vào giữa tháng 6-2022 tại một cơ sở LNG Freeport của Mỹ, đây là nơi phụ trách 20% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Hơn nữa, việc vận chuyển LNG có nhược điểm là có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Một hạn chế khác nữa là khả năng “kháng cự” của châu Âu với giá LNG cao của Mỹ.

Ngoài LNG, Chính phủ Đức đã tăng cường sử dụng than, kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, Đức cũng muốn “đặt cược” vào năng lượng tái tạo trong dài hạn để dần thoát khỏi khí đốt.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bavaria, việc ngừng xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đồng nghĩa với việc kinh tế Đức giảm 12,7% trong 6 tháng cuối năm 2022. Suy thoái kinh tế tương đương tổng thiệt hại 193 tỉ euro, có thể ảnh hưởng đến 5,6 triệu việc làm.

S.Phương