Khủng hoảng năng lượng: Ngành công nghiệp Đức đứng trước hiểm cảnh

13:01 | 18/10/2022

|
(PetroTimes) - Ở thành phố Hambourg, một trong hai ống khói của nhà máy thép ArcelorMittal không còn phun khói nữa do chi phí năng lượng quá cao. Điều này tượng trưng cho mối đe dọa đang tồn tại trong ngành công nghiệp của Đức.
Khủng hoảng năng lượng: Ngành công nghiệp Đức đứng trước hiểm cảnh
Một cơ sở sản xuất của nhà máy thép ArcelorMittal ở Hambourg

Với việc Chính phủ Đức dự kiến GDP sẽ giảm 0,4%, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu sẽ không chỉ rơi vào tình trạng suy thoái, mà còn đối mặt với rủi ro dài hạn: toàn bộ lĩnh vực sản xuất bị bóp nghẹt bởi sự gia tăng của giá cả.

Do một trong những đơn vị sản xuất ngừng hoạt động, 530 nhân viên của nhà máy thép ở Hambourg đã rơi vào tình trạng bán thất nghiệp kể từ đầu tháng 10.

Các biện pháp tương tự cũng đã được thực hiện tại một số nhà máy ở châu Âu của tập đoàn ArcelorMittal.

Ông Uwe Braun, Giám đốc Điều hành của ArcelorMittal, giải thích với AFP: “Khí đốt là một yếu tố cần thiết của quá trình sản xuất của nhà máy”.

Tuy nhiên, giá khí đốt đã tăng lên “gấp bảy lần” so với thời kỳ trước khi Nga tấn công Ukraine.

Các nhà máy trên của ArcelorMittal tiêu thụ 2 TWh (terawatt giờ) khí đốt và 1 TWh điện mỗi năm - tương đương với mức tiêu thụ của một thành phố trung bình. Trong tình trạng giá cao như thế, không thể tiếp tục cung cấp toàn bộ năng lượng cho các cơ sở này.

“Ở đây không có tương lai”

Các tín hiệu báo động đang lan rộng tại các công ty có quy mô vừa: nhà sản xuất giấy vệ sinh Hakle và nhà cung cấp linh kiện ô tô Dr. Schneider gần đây đã đệ đơn xin phá sản. Trước khi hoạt động lại, nhà sản xuất amoniac lớn nhất của Đức SKW Piesteritz cũng đã ngừng sản xuất trong ba tuần vì giá khí đốt quá cao.

Hôm thứ tư, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: “Chúng tôi hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng, có xu hướng ngày càng trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế”.

Nhà vận động hành lang ngành công nghiệp BDI cho biết thêm trong một thông báo: “Nguy cơ nền kinh tế Đức mất vị thế trong cạnh tranh toàn cầu là rất lớn”.

Trong những thập kỷ gần đây, làn sóng phi công nghiệp hóa đã ảnh hưởng đến Châu Âu. Đức đã thoát khỏi làn sóng này, công nghiệp là trụ cột cho sự hưng thịnh của nước này, chiếm 22% GDP so với 13% ở Pháp.

Nhà phân tích Jens Oliver Niklasch thuộc ngân hàng LBBW, nói với AFP: “Mô hình kinh tế của Đức là mua năng lượng giá rẻ và các sản phẩm trung gian để chế tạo ô tô và máy công cụ (...) xuất khẩu sang Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, "nền tảng của mô hình này đang rạn nứt", ông nói thêm.

Các công ty có thể chuyển ra hoạt động ở nước ngoài.

Chủ tịch của BDI, ông Siegfried Russwurm, cho biết: ”Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (...) không có cơ sở sản xuất bên ngoài nước Đức giờ nói với tôi rằng ở đây họ không có tương lai”.

Bởi vì các chuyên gia đã cảnh báo: “giá khí đốt ở châu Âu do Nga cung cấp sẽ không quay trở lại mức trước khi Nga tấn công Ukraine và ngành công nghiệp phải làm quen với “điều bình thường mới” này.

Các ngành thép, hóa chất, giấy và thủy tinh của Đức dễ bị tổn thương nhất trước những biến động của giá năng lượng. Sản lượng của các ngành này đã giảm 9% kể từ tháng hai.

Sự cạnh tranh của Mỹ

Ansgar Juechter, Giám đốc sản xuất của Arcelormittal, cho biết: “Với mức giá năng lượng mà chúng tôi đang dự đoán, liệu nhà máy có thể hoạt động vào năm tới hay không vẫn còn là vấn đề”.

Trước đây, nhà máy thép đã sản xuất 1 triệu tấn thép mỗi năm, đặc biệt dành cho ngành ô tô, ngành công nghiệp hàng đầu của Đức.

Theo ông Uwe Braun, nếu không có gì được thực hiện, “chắc chắn một số bộ phận sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất sẽ chuyển ra nước ngoài”.

Ông Jens Oliver Niklash bổ sung: “Ngành công nghiệp Đức có khả năng cắt bỏ các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng nhất”.

Theo chuyên gia này, Hoa Kỳ, nơi mà giá khí đốt vẫn thấp hơn nhờ sản xuất trong nước dồi dào, có thể là một điểm đến được lựa chọn.

Ông Stefan Kooths, nhà kinh tế học của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, khẳng định: “Tôi không nghĩ sẽ có làn sóng dịch chuyển ra hoạt động công nghiệp ra nước ngoài, vì giá khí đốt sẽ được ổn định trung hạn, mặc dù chi phí vẫn sẽ cao hơn so với trước khủng hoảng”.

Để giảm nhẹ tác động đối với nền kinh tế nước nhà, tuần trước, chính phủ Đức đã công bố một kế hoạch trị giá 200 tỷ euro cho việc tài trợ một lá chắn về thuế năng lượng, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Pháp gửi cho Đức khí đốt để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượngPháp gửi cho Đức khí đốt để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng
Nga nêu cách cấp thêm khí đốt cho EU giữa Nga nêu cách cấp thêm khí đốt cho EU giữa "cơn khát" năng lượng
Khủng hoảng năng lượng: Giới doanh nghiệp Ý kêu cứuKhủng hoảng năng lượng: Giới doanh nghiệp Ý kêu cứu

Ngọc Duyên

AFP