Khi nào giá dầu được vực dậy

17:00 | 15/05/2020

|
(PetroTimes) - Giá dầu thế giới từ đầu năm 2020 đến nay đã mất hơn 70% do ảnh hưởng của của khủng hoảng kép: Chiến tranh giá dầu và nhu cầu giảm do dịch Covid-19. Những yếu tố nào, cả địa chính trị lẫn kinh tế, được cho là sẽ nâng giá dầu gượng dậy?

Quy luật cung cầu

Dầu mỏ cũng chịu chi phối bởi quy luật cung cầu. Ngày 1-5-2020, khi OPEC+ (Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ và nhóm đồng minh do Nga dẫn đầu) cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 4, giá dầu đồng loạt tăng nhưng không mạnh. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cho dù có cắt giảm sản lượng thì nguồn cung dầu mỏ vẫn vượt xa nhu cầu vốn đã giảm sâu do các lệnh phong tỏa mà nhiều nước áp đặt nhằm giảm sự lây lan của Covid-19.

khi nao gia dau duoc vuc day
Căng thẳng Mỹ - Iran đe dọa nguồn cung dầu từ Trung Đông

Viện Dầu khí Pháp ước tính, lượng dầu dư thừa tích lũy trên toàn thế giới từ tháng 4 đến tháng 6-2020 có thể khoảng 1,4 tỉ thùng (gb). Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 9,3 triệu thùng/ngày (mbd) trong năm nay do sự tê liệt kinh tế bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sự “sụp đổ lịch sử” này sẽ đưa mức tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2020 trở về mức của năm 2012, khoảng 90,6 mbd, chênh lệch cung cầu quá lớn. Các kho dự trữ dầu trên khắp thế giới hiện gần đã đầy ắp.

Để đẩy giá dầu tăng, theo quy luật cung cầu, OPEC+ đã chọn cách giảm cung. Từ ngày 1-5-2020, OPEC và các đối tác bắt đầu thực hiện việc cắt giảm 9,7 mbd trong tháng 5 và tháng 6-2020, trong khi các nước G20 hứa sẽ tăng cường hợp tác. Đó là lý thuyết, trong khi thực tế lại khác, vì việc đóng các giếng dầu cần thời gian chứ không đơn giản nói đóng là làm được ngay. Việc đóng một giếng dầu nhiều khi còn tốn nhiều chi phí hơn cả việc vẫn để giếng hoạt động và múc dầu đổ đi.

“Nên biết rằng, không có bất kỳ thỏa thuận nào có thể làm giảm đủ nguồn cung dầu để tái cân bằng thị trường ngay lập tức, nhưng chúng có thể tạo thành nền tảng đầu tiên vững chắc để dầu tăng giá trở lại. Dù sao, biện pháp của OPEC+ cũng giúp hạ nhiệt thị trường”, IEA nhận xét.

Nếu giảm cung có thể khiến giá dầu tăng thì cầu tăng cũng có tác động tương tự. Đơn cử, ngày 5-5-2020, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng lên hơn 30 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 4-2020, trong khi dầu WTI cũng tăng 16,58%, lên 23,77 USD/thùng, do lệnh phong tỏa tại Mỹ và châu Âu được dần nới lỏng - theo Craig Erlam, nhà phân tích tại Oanda. Thực tế, từ ngày 4-5-2020, 15 quốc gia châu Âu đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa áp đặt trong nhiều tuần qua.

“Với nhu cầu dầu đang giảm mạnh do đại dịch Covid-19, bất kỳ dấu hiệu tái cân bằng cung cầu nào, cho dù thông qua sự phục hồi kinh tế hay cắt giảm sản xuất bắt buộc hoặc tự nguyện, đều sẽ hỗ trợ giá dầu”, Stephen Innes, chiến lược gia tại AxiCorp, nhận định.

Yếu tố địa chính trị

Bên cạnh đó, giá dầu cũng có thể được hỗ trợ bởi yếu tố địa chính trị.

khi nao gia dau duoc vuc day
Người dân Italia ăn mừng việc chính phủ nới lỏng lệnh phong tỏa đất nước

Đầu tiên là việc chính phủ một số nước cho phép các doanh nghiệp khai thác dầu mượn kho dự trữ chiến lược quốc gia để trữ dầu dư thừa. Theo IEA, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ đã chấp thuận cho ngành dầu khí mượn các kho lưu trữ chiến lược để tạm thời lưu trữ số dầu thừa, bán không được hoặc có kế hoạch tăng lượng lưu trữ chiến lược lên khi giá dầu đang ở mức thấp. IEA ước tính thị trường có thể bắt đầu giảm lượng thặng dư dầu lớn từ quý III/2020. Chẳng hạn, ngày 29-4-2020, Bloomberg cho biết, chính quyền Mỹ đã cho các công ty khai thác dầu được chứa 23 triệu thùng đến tháng 3-2021 trong kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Từ đầu tháng 4, có 1,1 triệu thùng dầu đã được gửi đến SPR. Phần lớn việc nhập dầu thô dư thừa vào SPR dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 5 và tháng 6. Bộ Năng lượng Mỹ đã đàm phán với 9 công ty sản xuất dầu. Các nhà sản xuất Mỹ phải lên kế hoạch hoàn trả công suất trong SPR trước tháng 3-2021, ngoại trừ một lượng nhỏ sẽ được dùng để trả chi phí lưu trữ, theo Bloomberg. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Mỹ không thể nào “hút” hết lượng dầu sản xuất ra của các công ty trong nước. Mỹ chỉ có chỗ chứa thêm 75 triệu thùng và khả năng chỉ bơm được 500 nghìn thùng mỗi ngày. Cho nên, muốn “hút” hết số dầu đó cần rất nhiều thời gian.

Đáng chú ý, vào cuối tháng 4-2020, những căng thẳng mới giữa Mỹ và Iran đã đẩy giá dầu tăng đáng kể. Tổng thống Mỹ ngày 22-4 viết trên Twitter rằng, ông ra lệnh cho Hải quân Mỹ bắn hoặc phá hủy các canô của Iran tới quấy nhiễu tàu chiến của Mỹ ở vùng Vịnh. Vịnh Ba Tư là một tuyến đường chính xuất khẩu dầu thô sang thị trường thế giới, bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào tại đây chắc chắn sẽ có tác động làm tăng giá vàng đen.

“Các nhà đầu tư coi dòng tweet của ông Trump như một mối đe dọa đối với sản xuất và xuất khẩu từ khu vực vùng Vịnh giàu dầu mỏ này trên toàn cầu”, chuyên gia Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy cho biết.

Theo chuyên gia Ipek Ozkardeskaya của Swissquote Bank, việc thúc đẩy căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tạo ra nỗi lo cho nguồn cung dầu thô. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời. Điều căn bản giúp dầu tăng giá trong thời gian tới vẫn là nhu cầu tăng trở lại khi các nước gỡ bỏ lệnh phong tỏa, hoạt động sản xuất và giao thông trở lại bình thường. Bên cạnh đó, thị trường hy vọng các nước OPEC+ duy trì cam kết cắt giảm sản lượng như đã hứa hồi tháng 4-2020.

Theo IEA, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ đã chấp thuận cho ngành dầu khí mượn các kho lưu trữ chiến lược để tạm thời lưu trữ số dầu thừa, bán không được hoặc có kế hoạch tăng lượng lưu trữ chiến lược khi giá dầu đang ở mức thấp.

S.Phương