Kenya rút khỏi phiên tòa của Tòa án Công lý quốc tế về tranh chấp ranh giới biển với Somalia

09:28 | 24/03/2021

|
(PetroTimes) - AP ngày 20/3/2021 đưa tin Kenya đã tuyên bố rút khỏi phiên tòa của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về tranh chấp ranh giới biển ở Ấn Độ Dương giữa Kenya và Somalia.
Tòa án Công lý quốc tế mở phiên tòa về tranh chấp ranh giới biển giữa Somalia và KenyaTòa án Công lý quốc tế mở phiên tòa về tranh chấp ranh giới biển giữa Somalia và Kenya
Tập đoàn Pháp quyết tâm thâu tóm thị trường phân phối xăng dầu KenyaTập đoàn Pháp quyết tâm thâu tóm thị trường phân phối xăng dầu Kenya
Kenya rút khỏi phiên tòa của Tòa án Công lý quốc tế về tranh chấp ranh giới biển với Somalia

Ngày 18/3/2021, Bộ Ngoại giao Kenya đã ra Thông cáo báo chí cho biết đã gửi thư thông báo tới Registrar (người phụ trách lưu trữ hồ sơ tòa án) của Tòa án Công lý Quốc tế về quyết định không tham gia phiên tòa liên quan đến phân định ranh giới biển giữa Somalia và Kenya tại Tòa án Công lý quốc tế từ ngày 15-24/3/2021; viện dẫn các lý do như “sự không công bằng về thủ tục” tại Tòa, lo ngại về sự “thiên vị” do thành phần thẩm phán thụ lý vụ việc tại Tòa bao gồm Thẩm phán Abdulqawi Yusuf, công dân Somalia và là người đã đại diện cho Somalia tại Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ ba; cho rằng quyết định này được đưa ra sau một quá trình “suy xét sâu sắc” và “tham vấn tích cực” để có thể bảo vệ tốt nhất “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Cộng hòa Kenya. Kenya bày tỏ ủng hộ một giải pháp ngoại giao, mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương; hy vọng Somalia sẽ bình thường hóa quan hệ với Kenya.

Tranh chấp giữa Kenya và Somalia liên quan đến quyền và ranh giới biển ở khu vực rộng gần 100.000 km vuông (40.000 dặm vuông), một khu vực giàu tài nguyên dầu khí và cá ở Ấn Độ Dương. Năm 2014, Somalia đã đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế. Quan hệ ngoại giao giữa Somalia và Kenya ngày càng trở nên căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ và tháng 12/2020, Somalia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kenya với lý do “để bảo vệ sự thống nhất, chủ quyền và ổn định của đất nước”.

*Tòa án Công lý Quốc tế là cơ quan tư pháp thuộc Liên hợp quốc, hoạt động theo Quy chế Tòa (Statute of the Court)- văn bản này là một phần không tách rời của Hiến chương Liên hợp quốc, có giá trị ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc. Về thẩm quyền, Tòa xét xử các vụ việc phát sinh giữa các quốc gia (không phải giữa quốc gia với các cá nhân, quốc gia với tổ chức quốc tế...), liên quan đến những nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, phát sinh từ những Công ước, Hiệp định....mà các nước tranh chấp là thành viên. Hai trường hợp vụ việc được đưa ra xét xử tại Tòa: (i) Được các bên đệ trình lên Tòa, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa được quy định tại các Công ước, Hiệp định mà các bên là thành viên. (ii) Các bên tuyên bố thừa nhận thẩm quyền bắt buộc của Tòa. Ngoài ra, Tòa án Công lý Quốc tế có chức năng tham vấn, giải thích các quy định của luật pháp quốc tế theo yêu cầu của Tổng Thư ký, Hội đồng Bảo an LHQ và các cơ quan khác của Liên hợp quốc./.

Thanh Bình