IEA: Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu khí đốt châu Á

03:00 | 05/05/2023

|
(PetroTimes) - Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng lên ở châu Á và Trung Đông sẽ bù đắp cho sự sụt giảm ở các khu vực khác trong năm nay, giúp cân đối thị trường toàn cầu.
Châu Âu còn có thể phải giảm nhu cầu khí đốt nữa hay không?Châu Âu còn có thể phải giảm nhu cầu khí đốt nữa hay không?
Nhu cầu về than, khí đốt trên toàn EU giảm giữa những lo ngại về năng lượngNhu cầu về than, khí đốt trên toàn EU giảm giữa những lo ngại về năng lượng
IEA: Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu khí đốt châu Á
Đường ống của cơ sở tái hóa khí nổi (FSRU) BW INTEGRITY tại cảng LNG của PGP Consortium Ltd. ở Karachi, Pakistan

Tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng hơn 6%, làm cơ sở cho mức tăng gần 3% ở châu Á nói chung, cơ quan này cho biết trong báo cáo thị trường khí đốt hàng quý. Nhu cầu tại các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu sắp giảm 5% do sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo.

Thị trường khí đốt đã tăng vào năm ngoái khi Nga đóng hầu hết các đường ống dẫn đến châu Âu trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Lục địa già đã tránh được một mùa đông khắc nghiệt bằng cách cắt giảm nhu cầu và dựa vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế.

Tuy nhiên, rủi ro nguồn cung vẫn rình rập, bao gồm cạnh tranh với châu Á, khả năng dòng chảy từ Nga thấp hơn và khả năng về một mùa hè nóng bức hoặc mùa đông lạnh giá.

IEA, cơ quan tư vấn cho các nền kinh tế lớn, cho biết: “Nguồn cung khí đốt toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt vào năm 2023 và cán cân toàn cầu chịu nhiều bất ổn bất thường”.

Tiêu thụ tại châu Á và sự phục hồi của Trung Quốc sau thời kỳ Covid - sẽ là chìa khóa cho thị trường. IEA dự kiến ​​nhập khẩu LNG của nước này sẽ tăng tới 15% trong năm nay, trong khi vẫn duy trì dưới mức của năm 2021. Nhu cầu khí đốt của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng 4%, sau khi giảm trong bối cảnh giá tăng vọt vào năm 2022.

Trong khi đó, tiêu thụ khí đốt ở Trung Đông dự kiến sẽ tăng 2%, phần lớn là do Iran và Ả Rập Xê-út. Ở Bắc Mỹ, tiêu thụ sẽ giảm 2% do nhiên liệu được sử dụng ít hơn trong sưởi ấm và phát điện. Nhu cầu toàn cầu được dự báo sẽ không thay đổi.

IEA cho biết: “Triển vọng cải thiện đối với thị trường khí đốt vào năm 2023 không đảm bảo sẽ chống lại sự biến động trong tương lai và không nên làm xao nhãng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn”.

Trong khi Mỹ chuẩn bị trở thành nhà xuất khẩu LNG chính của thế giới trong năm nay, nguồn cung toàn cầu của nhiên liệu này dự kiến chỉ tăng 4%. Điều đó không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm dự báo của nguồn cung từ các đường ống của Nga, theo cơ quan này.

Nhập khẩu LNG tại các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu được dự báo sẽ giảm trong thời gian còn lại của năm, sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh trong quý đầu tiên. Sự thay đổi này là do nhu cầu lưu trữ thấp hơn và nhu cầu khí đốt giảm.

Mức tiêu thụ khí đốt của châu Âu đã giảm 16% trong giai đoạn sưởi ấm mùa đông năm 2022 và đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong mùa đông từng được IEA ghi nhận. Tuy nhiên, các yếu tố liên quan đến thời tiết chỉ chiếm 40% sự suy giảm nhu cầu của khu vực. Các yếu tố khác bao gồm chính sách tiết kiệm xăng, chuyển đổi nhiên liệu và tăng giá năng lượng.

Đỗ Khánh