Henri Deterding - Người thay đổi quyền kiểm soát dầu lửa châu Âu

09:00 | 23/08/2020

|
Trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, Henri Deterding là một nhân vật đặc biệt quan trọng trong kinh doanh dầu mỏ quốc tế. Từ cương vị giám đốc điều hành Royal Dutch, ông đã thay đổi quyền kiểm soát dầu lửa châu Âu khi kết hợp Royal Dutch và Shell vào một công ty duy nhất.

Người đàn ông tham vọng

Henri Wilhelm August Deterding sinh ngày 19/4/1866 tại Amsterdam, cha ông là một thuyền trưởng nhưng mất sớm. Người ta nói rằng những người sớm mồ côi cha thường có tham vọng cao, một phần vì họ phải tự chịu trách nhiệm từ nhỏ. Henri không phải ngoại lệ, cậu đã tự kiếm tiền khi chỉ mới 13 tuổi.

Ở trường, Henri nổi bật với khả năng tính nhẩm. Sau khi tốt nghiệp, thay vì lên tàu ra biển như cha, Henri gia nhập thế giới nhà băng ở Amsterdam. Ở tuổi 16, Henri là nhân viên trẻ nhất tại Ngân hàng Twentsche. Dường như chàng thanh niên này đã dành cả thời gian giải trí để nghiên cứu bảng cân đối kế toán của các công ty, cố gắng tìm ra lý do khiến các công ty làm ăn tốt hoặc yếu kém cũng như phân tích các chiến lược của các công ty. Điều đó đã giúp Henri củng cố chuyên môn tài chính của mình và được đánh giá là người có "đôi mắt tinh như mèo rừng” trước những bảng cân đối kế toán và các con số.

henri deterding nguoi thay doi quyen kiem soat dau lua chau au
Henri Wilhelm August Deterding

Khi quá trình thăng tiến của Deterding trong ngành ngân hàng không đúng như kỳ vọng, năm 1889, mang theo tham vọng, Deterding đã lên tàu tới vùng Đông Ấn tìm cơ hội mới. Ở tuổi 22, Henri là người giỏi nhất trong số một trăm ứng viên tuyển vào chi nhánh mới của Nederlandsche Handel-Maatschappij (NHM - Hội thương mại Hà Lan). Khi quản lý văn phòng của NHM, ban đầu ở Medan (Indonesia) và sau đó là ở Penang (Malaysia), Deterding đã kiếm được nhiều tiền cho NHM bằng cách khai thác sự chênh lệch tỷ giá hối đoái và lãi suất giữa các thành phố ở Viễn Đông.

Đầu thập niên 1890, Royal Dutch - công ty dầu mỏ Hà Lan mới thành lập - lâm vào cảnh thiếu tiền mặt nghiêm trọng, Kessler - Chủ tịch công ty đã tới gặp Deterding. Deterding đã tìm ra một giải pháp khôn ngoan: Ông đồng ý cho Royal Dutch vay khoản tiền mặt cần thiết và lấy dầu hỏa dự trữ làm vật thế chấp. Royal Dutch đã được cứu sống, NHM tìm ra một cách kiếm tiền mới, còn cá nhân Kessler thì có một ấn tượng đặc biệt tốt về Deterding.

Năm 1895, khi Kessler quyết định thành lập tổ chức thương mại của mình trên khắp vùng Viễn Đông và cần "một doanh nhân hạng nhất, một người dám làm, với kinh nghiệm dày dạn và con mắt tinh đời trong làm ăn", ông đã đề nghị giao việc này cho Deterding.

Deterding gia nhập Royal Dutch vào tháng 5/1896. Ngay lập tức, ông bắt tay xây dựng hệ thống thị trường ở vùng Viễn Đông với mục tiêu đưa Royal Dutch lên ngang hàng với các đối thủ cạnh tranh và đảm bảo một khoảng cách an toàn cho công ty với các đối thủ. Và sau này Deterding có nói, tham vọng lớn của ông lúc đó là trở thành "một nhân vật lớn trong ngành công nghiệp dầu lửa thế giới".

Kẻ kế vị quyết liệt

Kessler lâm bệnh chết khi Deterding chỉ mới 34 tuổi, dù còn trẻ song ông đã được các ủy viên đã chọn làm người kế vị. Thời điểm đó là đầu năm 1901, Royal Dutch hoạt động không tốt. Trong bối cảnh này, Deterding cho thấy mình là một sự lựa chọn chính xác.

Trong khi để “tay phải” là Hugo Loudon và các nhà địa chất ở Sumatra và Borneo tìm kiếm các địa điểm để khoan thăm dò, Deterding tự mình tìm cách nắm bắt thị trường dầu mỏ ở châu Âu và châu Á. Mùa hè năm 1902, cả hai mặt trận đều gặt hái kết quả. Loudon đã tìm thấy dầu ở Borneo, và Deterding với kim chỉ nam “Đoàn kết là sức mạnh" đã ký được thỏa thuận hợp tác với Công ty Shell của Anh và nhà Rothschild.

henri deterding nguoi thay doi quyen kiem soat dau lua chau au
Đầu năm 1907, "sự hợp nhất hoàn toàn" giữa Royal Dutch và Shell được thực hiện.

Năm 1906, khi việc kinh doanh của Công ty Shell gặp khó khăn muốn hợp nhất, Deterding đã khéo léo chốt tỷ lệ vốn cổ phần 60:40 cho Royal Dutch. Và sau đó đầu năm 1907, "sự hợp nhất hoàn toàn" được thực hiện. Với quyết tâm phải nắm quyền điều hành trong tay, Deterding đã trở thành tổng giám đốc của Royal Dutch Shell. Từ đây, Deterding không ngừng mở rộng quy mô công ty. Năm 1911, ông đã mua lại quyền lợi ở Nga của gia tộc Rothschild. Năm 1913, Deterding tiếp tục mua lại các mỏ dầu ở California và Oklahoma…

Thành công của Deterding càng tăng thêm khi chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra, đặc biệt khi Hải quân Anh chuyển sang sử dụng động cơ hàng hải chạy bằng dầu và chọn Royal Dutch Shell là một nhà cung cấp. Điều này giúp Deterding thu được lợi nhuận dồi dào và có được sự thăng tiến trong cộng đồng Anh.

Bền bỉ và quyết liệt, sau 3 thập kỷ, Deterding đã từng bước đưa Royal Dutch Shell vượt qua và giành lấy chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Standard Oil - “Ông lớn” đầu khí của Mỹ. Và người ta bắt đầu gọi ông là "Napoleon", "Oiler Number One" hay các danh hiệu tương tự.

Kẻ khờ cao thủ

Tầm vóc của Deterding vĩ đại đến mức năm 1938, Glyn Roberts đã đưa ông vào tiểu sử với danh hiệu “Người đàn ông quyền lực nhất thế giới”. Còn về mình, Deterding tự nhận là “kẻ khờ cao thủ”. Giống như Rockefeller - ông vua dầu mỏ Mỹ, Deterding không ưa gì những cơn biến động giá cả không thể kiểm soát. Nhưng khác với Rockefeller, ông không muốn sử dụng phương thức giảm giá làm công cụ cạnh tranh, mà chỉ muốn tiến hành dàn xếp thiết lập giá cả và những thỏa ước hòa bình giữa các công ty có xung đột.

henri deterding nguoi thay doi quyen kiem soat dau lua chau au
Năm 1938, Henri Deterding được Glyn Roberts đưa vào tiểu sử với danh hiệu “Người đàn ông quyền lực nhất thế giới”.

Sr. Paul Hendrix người viết tiểu sử đầu tiên về Deterding nhận định Deterding là một nhà chiến thuật có tay nghề cao, đã xây dựng liên minh để nâng cao vị thế của Royal Dutch Shell và các đồng minh. Đồng thời cũng là người có tầm nhìn xa khi sớm biết nhu cầu xăng làm nhiên liệu sẽ vượt qua nhu cầu dầu đèn (dầu hỏa), hay dự đoán sự thay đổi trong nhiên liệu của tàu hải quân từ than sang dầu, một yếu tố chính trong việc xác định sự thống trị hàng hải vào những năm 1910.

Tuy nhiên cuộc đời Deterding, bên những thành công cũng có rất nhiều biến cố. Trong đó, việc bị tịch thu giếng dầu quan trọng ở Nga năm 1917 sau Cách mạng Tháng Mười được coi là một yếu tố khiến Deterding nổi giận và chống đối Nga.

Người viết tiểu sử Hendrix cũng đã nhấn mạnh cách Deterding sử dụng vị trí của mình trong ngành công nghiệp dầu mỏ cho việc chống đối Liên Xô. Ngoài ra còn có nhiều bằng chứng cho thấy Deterding có liên hệ với phong trào Đức quốc xã ngay từ những năm 1920. Tuy vậy theo người viết tiểu sử Hendrix, Deterding nghĩ rằng ông không can thiệp vào chính trị mà chính trị đã can thiệp vào ông.

Tháng 10/1936, Deterding nghỉ hưu ở trên cương vị Tổng giám đốc và vào ngày 2/2/1939, Deterding chết vì ngừng tim trong căn nhà gỗ của ông ở St. Moritz ở tuổi 72, kết thúc một cuộc đời quyền lực trong lĩnh vực dầu mỏ. Dù sự thực ông là một ông trùm dầu lửa vĩ đại, tuy nhiên đối với nhiều người, ông là “một vị CEO đã trượt theo sự đồng cảm của Đức Quốc xã” và mối quan hệ mơ hồ của ông với những kẻ phát xít vẫn làm lu mờ thành tích kinh doanh của ông.

Đông Sơn