Hậu quả của dịch Covid-19 và cú sốc giá dầu giảm

16:21 | 24/03/2020

|
(PetroTimes) - Trong khi dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, tác động đến nền kinh tế toàn cầu, giá dầu thô lại giảm sốc, chạm mức đáy kể từ năm 2008. Đây là hai nguyên nhân được dự báo sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Thế giới không thể biết trước dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao nhiêu lâu. Kinh tế của Trung Quốc và thế giới gần như đóng băng. Hoạt động du lịch khắp nơi giảm dẫn đến thiệt hại trong tất cả các ngành liên quan, đặc biệt là hàng không quốc tế gần như bị tê liệt. Do mối lo ngại dịch bệnh này sẽ gây tác hại lâu dài lên nền kinh tế thế giới, ngày 9-3-2020 đã trở thành ngày đen đối với các thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi phải có một đối sách phối hợp ở cấp độ thế giới để ngăn chặn khủng hoảng tài chính 2008 tái diễn.

hau qua cua dich covid 19 va cu soc gia dau giam
Lối vào đấu trường cổ Coloseo tại Roma không một bóng người vì Covid-19

Kịch bản “một cuộc khủng hoảng tài chính” ngày càng cận kề. Trong bức tranh đen tối đó, bất ngờ nổ ra cuộc chiến dầu mỏ giữa Arập Xêút và Nga. Trong khi thế giới bắt đầu “cảm cúm”, Arập Xêút đổ thêm dầu vào lửa khi tuyên bố sản xuất dầu không giới hạn, phá giá khiến vàng đen mất giá 30%. Thị trường chứng khoán thế giới một lần nữa đồng loạt nhuộm một màu đỏ. Chưa bao giờ, kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, hành tinh lại mong manh đến như vậy, theo nhận định của Le Figaro. Tờ báo Pháp chỉ trích thái độ vô trách nhiệm khi mở cuộc chiến vàng đen vào thời điểm này vì chỉ khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng, tạo thêm một cuộc khủng hoảng mới trong khi khủng hoảng dịch tễ Covid-19 vẫn chưa được giải quyết. Để làm rõ về mối quan hệ giữa Covid-19 và dầu mỏ, Báo Le Figaro đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Stephan Silvestre. Ông là tiến sĩ kinh tế, giáo sư Trường Đại học Kinh doanh Paris và là thành viên của Ban Rủi ro năng lượng Pháp. Ông là đồng tác giả của Energy Outlook (2013, Ellipses) và Natural Gas: Cục diện mới? (2016, PUF).

Le Figaro: Ông có thể giải thích tại sao dịch Covid-19 lại ảnh hưởng đến giá dầu?

Stephan Silvestre: Khi giảm xuống 34 USD/thùng, giảm 26% trong ngày 9-3 và hơn 50% kể từ ngày 1-1-2020, giá dầu Brent đã một lần nữa trở lại mức đáy vào cuối năm 2015. Có hai nguyên nhân dẫn đến sự việc này. Đầu tiên là liên quan đến sự thất bại của cuộc họp giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đối tác (được gọi là OPEC+), đặc biệt là giữa Arập Xêút và Nga. Mục tiêu ban đầu của Riyadh là giảm sản lượng dầu mỏ hơn mức 1,5 triệu thùng mỗi ngày (Mbpd), lượng giảm này được phân bổ cho OPEC và các đối tác (Nga, Azerbaijan, Kazakhstan và một số nước khác), nhằm ngăn đà giảm của giá dầu từ cuối tháng 1. OPEC đang cố gắng giữ giá dầu thô mỗi thùng trong khoảng 60-70 USD. Nhưng Moscow không đồng ý. Thất bại của cuộc họp cộng thêm cuộc chiến giá cả giữa Arập Xêút và Nga sau đó, đã lập tức khiến giá dầu lao dốc. Tình huống này không gây ngạc nhiên vì vào năm 2016, Tổng thống Putin rất thận trọng khi tham gia vào thỏa thuận OPEC+ sau khi bị giới ngoại giao Ảrập Xêút gây nhiều áp lực trong nhiều tháng. Hơn nữa, Nga chỉ tôn trọng một phần hạn ngạch được áp đặt và những hạn ngạch này gây cản trở tự do thương mại.

Cuộc chiến thương mại mới này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra, điều này không chỉ làm suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu mà còn làm tăng biến động rủi ro trên thị trường tài chính. Các thị trường cũng dự đoán nhu cầu dầu giảm mạnh vì sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc (và châu Á), cũng như trong lĩnh vực vận tải, bao gồm vận tải hàng hóa và hành khách. Sự kết hợp của các yếu tố tiêu cực này đã gây ra sự phá giá trên thị trường.

hau qua cua dich covid 19 va cu soc gia dau giam
Một bảng điện tử hiển thị giao dịch của chỉ số Hang Seng của thị trường Hongkong ngày 9-3-2020

Le Figaro: Liệu cú sốc giá dầu giảm sẽ càng làm cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc hơn? Cuộc khủng hoảng này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Arập Xêút và Nga?

Stephan Silvestre: Nhìn chung, giá dầu giảm sẽ tác động đến người tiêu dùng, cá nhân và doanh nghiệp, cũng giống như khi nhà nước giảm thuế sẽ kích thích tăng trưởng trong tiêu dùng. Nhưng điều này chỉ thành hiện thực khi sự suy giảm phải diễn ra liên tục trong vài tháng. Nếu cuộc khủng hoảng giá chỉ thoáng qua, tác động của nó sẽ không nhiều. Nhưng ngược lại, hậu quả tài chính sẽ trở nên tồi tệ hơn: giá dầu giảm mạnh luôn được hiểu như một chỉ dấu về sự suy yếu kinh tế. Điều này thường dẫn đến việc tích trữ tài sản an toàn như vàng. Trong nửa đầu năm 2020, có lẽ thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc hơn.

Đối với mối quan hệ Nga - Arập Xêút, tất nhiên mối quan hệ sẽ xấu đi và điều này đã xảy ra. Riyadh trả đũa bằng cách đưa ra thông báo sẽ bán dầu giá rẻ hòng giành các khách hàng của Nga và Tổng thống Putin đáp lại rằng ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga hoàn toàn có thể chịu giá dầu thấp. Tuyên bố của Nga đã không tạo ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng giá dầu.

Le Figaro: Làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng này?

Stephan Silvestre: Vấn đề bận tâm nhất của các thị trường lúc này là làm thế nào để thoát khỏi khủng hoảng: thị trường sẽ phát triển theo hình chữ V (rất khó xảy ra), chữ W hoặc chữ U (có nghĩa là tăng trưởng phục hồi sau một thời gian gần như đình trệ), hoặc chữ L (không tăng sau khủng hoảng). Các chính trị gia ở châu Âu và châu Mỹ đang trông cậy vào các ngân hàng trung ương để giúp nền kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng bằng cách giữ lãi suất gần như bằng 0%. Nhưng chính sách này chưa bao giờ tỏ ra hiệu quả trong việc phục hồi hoạt động kinh tế. Các biện pháp khác như hoãn đóng các khoản khấu trừ bắt buộc cho các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc tạo điều kiện cho việc áp dụng chế độ nghỉ việc tạm thời sẽ phần nào hạn chế được tỷ lệ phá sản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng nền kinh tế sẽ không phục hồi cho đến khi người tiêu dùng tin tưởng trở lại, điều này sẽ không thể diễn ra trước năm 2021.

Sự hỗ trợ đa dạng trong trợ giúp ở châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng vượt qua cuộc khủng hoảng với thiệt hại thấp nhất. Nhưng mặt trái của chính sách này là khả năng phục hồi chậm sau khủng hoảng. Về năng lượng, không giống Mỹ hay Nga, ngành công nghiệp năng lượng của các nước châu Âu ít ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do đó, giá dầu giảm sẽ không gây thiệt hại nặng về kinh tế và xã hội. Nhưng việc giá dầu giảm có nguy cơ cản trở chính sách chuyển đổi năng lượng sang các nguồn tài nguyên phi carbon.

Cuối cùng, chuyên gia Stephan Silvestre cho rằng giá dầu mỏ sẽ tiếp tục ở mức thấp trong những tháng tới, do tác động của dịch Covid-19 lên tăng tưởng kinh tế thế giới, nhu cầu về dầu mỏ trên toàn cầu sẽ giảm đi. Ngày 9-3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo năm nay nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ sụt giảm lần đầu tiên từ năm 2009, cụ thể là mỗi ngày sẽ giảm 90 nghìn thùng so với năm 2019. Tổ chức này không loại trừ kịch bản xấu nhất, đó là nhu cầu dầu mỏ sụt giảm đến 730 nghìn thùng/ngày, nếu các vùng bị dịch mất nhiều thời gian hơn để phục hồi và dịch bệnh lan rộng hơn nữa trên thế giới.

S.Phương