Gia tăng lo ngại về an ninh năng lượng của Úc

12:19 | 11/03/2021

|
(PetroTimes) - Theo Nikkei 09/3/202, các công ty dầu khí lớn của Mỹ và châu Âu đang xem xét đóng cửa các cơ sở lọc dầu của mình ở Úc trong bối cảnh có các sản phẩm dầu khí rẻ hơn từ Trung Quốc, làm gia tăng lo ngại của Canberra về an ninh năng lượng do ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu.
Kế hoạch năng lượng của Tổng thống Biden có quá tham vọng?Kế hoạch năng lượng của Tổng thống Biden có quá tham vọng?
Chevron sản xuất năng lượng Chevron sản xuất năng lượng "âm carbon" ở California
Gia tăng lo ngại về an ninh năng lượng của Úc

BP và ExxonMobile tuyên bố sẽ đóng cửa các cơ sở lọc dầu của mình ở Úc. BP sẽ đóng cửa nhà máy lọc dầu ở Kwinana, Tây Úc, vào tháng 4/2021 sau 65 năm hoạt động vì không còn hiệu quả về mặt kinh tế so với các sản phẩn dầu nhập khẩu lớn từ các nước châu Á và Trung Đông. Như vậy sẽ chỉ còn 2 cơ sở lọc dầu ở Úc, so với con số 8 cơ sở đầu những năm 2000. Bên cạnh đó, do các lo ngại về biến đổi khí hậu, các công ty Mỹ và châu Âu đang dịch chuyển ra khỏi những sản phẩm dầu thô và tập trung vào khí ga hóa lỏng. Shell, Chevron và Total đã ký những dự án LNG quan trọng ở Úc.

Các cơ sở lọc dầu ở Úc phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc và Trung Đông. Từ năm 2015, năng lực lọc dầu của Trung Quốc được gia tăng nhờ các công ty dầu khí nhà nước như PetroChina và Sinopec. Theo dự đoán của Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), năng lực lọc dầu hàng ngày của Trung Quốc đã tăng lên tới 1,8 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2025. Xuất khẩu của Trung Quốc sang các đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương đang gia tăng cùng với việc gia tăng năng lực của các cơ sở lọc dầu cực lớn, có thể lọc từ 300.000 đến 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày, gấp từ hai đến bốn lần năng lực của các cơ sở bị đóng cửa ở Úc. Những cơ sở lọc dầu của Trung Quốc có giá thành thấp hơn, cho phép các nhà cung cấp bán với giá cả mà các cơ sở lọc dầu của Úc không thể cạnh tranh. Trong năm nay, Trung Quốc dự kiến cung cấp hơn một nửa số lượng các sản phẩm dầu lửa của khu vực. Xu hướng này đặc biệt có lợi cho Trung Quốc. Hiện nay, Singapore là nguồn cung cấp sản phẩm dầu khí hàng đầu của Úc, chiếm 26% trong tổng giá trị nhập khẩu, tiếp theo là Hàn Quốc, chiếm 18%, Nhật Bản và Trung Quốc cùng chiếm 14%. Theo một số nhà phân tích, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Trung Quốc có thể vượt vị trí của Singapore.

Úc đang ngày càng phải dựa vào nguồn dầu nhập khẩu. Việc tiêu thụ sản phẩm dầu nhập khẩu đã tăng từ 65% (năm tài khóa 2019) lên 79% dự kiến cho năm 2021. Xu hướng này đã gây ra một số lo ngại về an ninh năng lượng của Úc trong bối cảnh gia tăng tranh chấp thương mại giữa Úc và Trung Quốc./.

Thông Thái