Giá dầu tuần qua và dự báo tuần tới
![]() |
![]() |
![]() |
Mở cửa tuần dịch, đầu phiên ngày 14/9, Brent tăng nhẹ lấy lại mốc 40 USD/thùng nhờ cắt giảm đến 22% sản lượng dầu khí vùng vịnh Mexico do bão Sally chuẩn bị đổ bộ, hàng loạt các giàn khoan của BP, Equinor, Chevron và Murphy Oil phải tạm dừng hoạt động. Sau đó quay đầu giảm về mốc 39,6 USD/thùng do OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới năm 2020 giảm thêm 400.000 bpd và khả năng nối lại khai thác tại Libya chưa rõ ràng.
Ngày 15/9, Brent biến động khá rộng, đầu phiên tiếp tục xu hướng ảm đạm của thị trường, bị ảnh hưởng bởi dự báo của OPEC, IEA về nhu cầu tiêu thụ giảm, OECD công bố GDP G20 quý 2 bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, giảm kỷ lục 6,9%, số ca nhiễm mới toàn cầu vượt mốc 300.000/ngày, số ca nhiễm tại Ấn Độ vượt 5 triệu. Sau khi Trung Quốc công bố sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã hoàn toàn phục hồi so với trước khủng hoảng, doanh số bán lẻ tăng trưởng cao hơn dự báo, cùng với đồng USD giảm giá đã cho phép Brent tăng lên 40,5 USD/thùng. Ngoài ra, sản lượng khai thác ngoài khơi vịnh Mexico bị ảnh hưởng mạnh hơn bởi bão Sally (lên tới 500.000 bpd - 27%) càng củng cố đà tăng vào cuối phiên, Brent giữ được mức giá đóng cửa trên 40,5 USD/thùng.
Ngày 16/9, Brent tiếp tục đà tăng hôm trước, có lúc lên 42,3 USD/thùng (tăng 4,2%) nhờ vào báo cáo sơ bộ của API về giảm trữ lượng dầu thương mại Mỹ ở mức 9,5 triệu thùng (số liệu chính thức EIA chỉ 4,4 triệu thùng), OPEC+ thực hiện vượt hạn ngạch cắt giảm trong tháng 8 (101%), thị trường hồ hởi với dự báo của OECD về khả năng GDP thế giới chỉ suy giảm 4,5% so với 6,0% trước đó nhờ vào sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc và Mỹ. Thêm vào đó, thị trường phản ứng tích cực với gói cứu trợ kinh tế mới 1.500 tỷ USD chuẩn bị được Quốc hội Mỹ xem xét và quyết định của Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục đến năm 2023.
Hai ngày giao dịch cuối tuần Brent biến động trái chiều, đầu phiên 17/9 giảm gần 2% về mức 41,5 USD/thùng sau khi bão Sally đi qua (áp thấp nhiệt đới Beta có khả năng mạnh lên thành cơn bão mới), các công ty dầu khí bắt đầu khởi động lại sản xuất tại vịnh Mexico, sản lượng khai thác và tinh chế bị ảnh hưởng bởi bão cao hơn dự kiến 570.000 bpd (31%) và 6 nhà máy lọc dầu công suất 1,4 triệu thùng. Ngoài ra, thị trường lo ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19, số ca nhiễm toàn cầu vượt 31 triệu, một số quốc gia thắt chặt biện pháp chống lây lan, đặc biệt Israel tái áp dụng cách ly xã hội (lockdown) trong 3 tuần, thị trường lao động Mỹ phục hồi chậm - số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới vẫn ở mức cao 860.000/tuần. Trong thời gian diễn ra phiên họp Ủy ban giám sát OPEC+ (JMMC), Brent bật tăng trở lại hơn 2,5% lên 43,75 USD/thùng nhờ phản ứng cứng rắn với các thành viên vi phạm hạn ngạch từ phía KSA, yêu cầu Iraq, UAE giảm khai thác và xuất khẩu đảm bảo tuân thủ hạn ngạch trong tháng 9, đồng thời, đề xuất kéo dài thời gian bù đắp sản lượng đã khai thác thừa đến cuối năm 2020. Thêm vào đó, Goldman Sachs dự báo thị trường sẽ phải đối mặt với thiếu hụt nguồn cung 3 triệu bpd trong quý 4/2020, tái khẳng định giá dầu đạt mốc 49 USD/thùng vào cuối năm nay và tăng lên 65 USD/thùng vào quý 3/2021. Kết thúc phiên Brent giảm nhẹ 0,5% xuống 43,05 USD/thùng - Libya tuyên bố nối lại khai thác và xuất khẩu dầu.
Theo chúng tôi nhận định, trong tuần này, giá Brent sẽ dao động trong biên độ 41 - 46 USD/thùng.
Viễn Đông
- Iraq khẳng định vị thế nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Mỹ
- Các công ty dầu khí Thái Lan tìm kiếm thị trường thay thế cho Campuchia
- Tình báo Mỹ phát hiện Iran chất thủy lôi lên các tàu ở Vịnh Ba Tư
- Căng thẳng OPEC gia tăng khi sản lượng dầu của Kazakhstan đạt mức cao nhất mọi thời đại
- Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/7: Chiến lược năng lượng mới của Indonesia