Giá dầu sẽ chạm mốc 200USD?

15:07 | 15/06/2021

|
(PetroTimes) - Nếu thế giới tuân theo lộ trình gây tranh cãi của IEA, trong đó đầu tư mới vào dầu và khí đốt sẽ phải dừng ngay lập tức để đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, giá dầu có thể sẽ chạm ngưỡng 200 USD/thùng.
Giá dầu sẽ chạm mốc 200USD?
Việc tuân theo lộ trình của IEA có thể khiến dầu mỏ tăng giá đột biến

Sau khi giá dầu thô hồi phục do nhu cầu tăng, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ quyết định tăng sản lượng đáng kể. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Petersburg (SPIEF) hôm 3-6-2021, ông Novak cho biết, mặc dù vẫn còn quá sớm để nói về các quyết định sản lượng dầu cho tháng 8, nhưng giá dầu hiện tại đủ tốt đối với Nga và lưu ý rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trong quý III/2021.

Hội nghị OPEC+ sắp tới sẽ tập trung giải quyết và chốt sản lượng dầu cho tháng 8 và những tháng tiếp theo. Song, giá dầu tăng cao có thể buộc người dùng chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế.

Đề cập tới vấn đề này, ông Novak nhắc lại các đề xuất hiện tại của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và một lộ trình được thúc đẩy có thể khiến giá dầu lên tới mức 200 USD/thùng.

Nếu thế giới tuân theo lộ trình gây tranh cãi của IEA, trong đó đầu tư mới vào dầu và khí đốt sẽ phải dừng ngay lập tức để đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, giá dầu sẽ chạm ngưỡng 200 USD/thùng, giá khí cũng sẽ tăng vọt - ông Novak nhấn mạnh.

Qatar và Arập Xêút là những quốc gia ủng hộ nhận định đó, cam kết sẽ tiếp tục mở rộng các cơ sở dầu khí của mình.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar, ông Saad Sherida Al Kaabi, nhận định: “Sự hưng phấn xung quanh việc chuyển đổi sang năng lượng sạch tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Khi bạn tước bỏ các khoản đầu tư bổ sung của doanh nghiệp, sẽ xuất hiện những đợt tăng giá đột biến”.

Được biết, lộ trình của IEA đề ra trong Hiệp định biến đổi khí hậu Paris để đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 yêu cầu giảm lượng khí thải càng nhiều càng tốt, sau đó bù đắp phần còn lại bằng các kế hoạch loại bỏ carbon được tài trợ bởi các khoản tín dụng carbon.

Trên thực tế, các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ mở rộng với tốc độ nhanh hơn nữa sau đại dịch Covid-19, theo đó, nhu cầu năng lượng sẽ tăng mạnh.

Nhiều nhà kinh tế và nhà khoa học kỳ vẫn vọng rằng, sự cải thiện về hiệu quả năng lượng và sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo có nghĩa là nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2050 sẽ thấp hơn khoảng 8% so với hiện nay.

Bộ trưởng Năng lượng Arập Xêút, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cũng bác bỏ lộ trình của IEA và nói rằng, điều này chẳng khác nào phần tiếp theo của bộ phim La La Land. Khi được hỏi “liệu dầu mỏ có biến mất trong tương lai?”, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman trả lời rằng Arập Xêút đang tăng sản lượng dầu mỏ

Bình An