Đông Địa Trung Hải đã trở thành mắt bão địa chính trị như thế nào?

08:15 | 27/08/2020

|
(PetroTimes) - Chuyên gia Michael Tanchum của trang tin Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) vừa có những phân tích về cục diện địa chính trị tại khu vực Đông Địa Trung Hải thời gian gần đây, nguyên nhân, diễn biến và triển vọng xung đột lợi ích tại khu vực này giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực.
dong dia trung hai da tro thanh mat bao dia chinh tri nhu the naoNga cho rằng chính sách "đa dạng hóa" trong lĩnh vực năng lượng của Belarus là sai lầm
dong dia trung hai da tro thanh mat bao dia chinh tri nhu the naoPetrobras tiếp tục phát triển mỏ nước sâu Mero lưu vực Santos

Vào tuần trước, một tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ và một tàu chiến Hy Lạp đã va chạm ở khu vực Đông Địa Trung Hải khiến tình hình căng thẳng gia tăng đến bờ vực chiến tranh mà khu vực này chưa từng trải qua trong vòng 20 năm qua. Gia tăng căng thẳng bắt đầu trước đó hai ngày khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai một tàu thăm dò dầu khí được hộ tống bởi hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm dầu và khí đốt ở vùng biển gần đảo Kastellorizo của Hy Lạp, vùng biển mà phía Hy Lạp tuyên bố là vùng lãnh hải của mình. Ngay lúc này, một chu kỳ leo thang mới nhất có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột đa quốc gia. Nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Hy Lạp chống chọi với Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp đã điều tàu chiến đến vùng biển tranh chấp. Ai Cập và Israel, hai nước thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung với Hy Lạp cũng bày tỏ sự đoàn kết và ủng hộ đối với nước này. Việc Pháp và Ai Cập đã có xung đột công khai với Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya khiến các nhà quan sát trên thế giới lo ngại rằng, bất kỳ sự leo thang nào nữa tại Đông Địa Trung Hải có thể gây ra một cuộc xung đột toàn diện giữa châu Âu và Trung Đông.

Mắt bão địa chính trị

Trong nhiều thập kỷ, tranh chấp lãnh thổ trên biển phía đông Địa Trung Hải là một vấn đề cục bộ, chỉ giới hạn trong các yêu sách chủ quyền và phản đối giữa các nước Síp, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng trong 5 năm trở lại đây, việc phát hiện các nguồn khí đốt thiên nhiên ngoài khơi của khu vực đã biến Đông Địa Trung Hải trở thành một đấu trường chiến lược quan trọng. Các đường đứt gãy địa chính trị lớn hơn liên quan đến EU và khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Italia và Pháp đã đóng những vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy sự thay đổi đó. Điều này khiến mối quan hệ phức tạp giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên đối nghịch hơn.

Tập đoàn dầu khí Eni (Italia) chính là người thay đổi cục diện địa chính trị tại khu vực khi phát hiện ra mỏ khí thiên nhiên lớn Zohr trong vùng lãnh hải của Ai Cập. Zohr là mỏ khí thiên nhiên lớn nhất tại Đông Địa Trung Hải được tìm thấy cho đến nay. Phát hiện này đồng nghĩa với việc khu vực Đông Địa Trung Hải có trữ lượng khí thiên nhiên có khả năng thương mại trên thị trường. Eni cũng là nhà điều hành chính trong lĩnh vực phát triển khí thiên nhiên của Síp. Tập đoàn này đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch tập hợp các nguồn khí đốt của Síp, Ai Cập, Israel và sử dụng các nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG) của Ai Cập để từng bước phân phối nguồn khí thiên nhiên khu vực dưới dạng LNG tại thị trường châu Âu. Eni cũng là đơn vị sở hữu phần lớn cổ phần tại một trong hai nhà máy LNG của Ai Cập.

Mặc dù hợp lý về mặt kinh tế, thương mại, xong việc biến Ai Cập trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu LNG ở khu vực làm nảy sinh vấn đề địa chính trị không nhỏ. Dự án này làm giảm vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cơ sở hạ tầng đường ống sẵn có đến châu Âu qua đây, phá vỡ kế hoạch trở thành một trung tâm năng lượng khu vực của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2018, tập đoàn dầu khí Total (lớn thứ ba EU theo doanh thu) tiếp tục giáng một đòn mạnh vào kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ khi hợp tác với Eni trong tất cả các hoạt động phát triển khí đốt tại Síp, mở đường cho Pháp vào giữa khu vực Đông Địa Trung Hải giàu năng lượng. Cũng trong năm 2018, Síp chính thức đồng ý cung cấp khí đốt cho nhà máy LNG của Ai Cập để xử lý và xuất khẩu. Sau khi Síp ký thỏa thuận với Ai Cập, Israel - quốc gia đang xem xét xây dựng đường ống dẫn khí đốt ngầm dưới biển đến Thổ Nhĩ Kỳ để kết nối với hệ thống dẫn khí đến châu Âu, đột ngột theo bước Síp, ký hợp đồng bán khí cho Ai Cập.

Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự phản đối với những diễn biến này bằng cách tham gia một loạt các cuộc tập trận mang tính ngoại giao pháo hạm (Gunboat diplomacy), đưa các tàu thăm dò và máy bay quân sự đến vùng biển của Síp. Mỗi tàu thăm dò đều có sự hộ tống của lực lượng hải quân. Thổ Nhĩ Kỳ biện minh cho hành động của mình là để bảo vệ quyền lợi của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở nửa phía bắc của đảo Síp, đồng thời cho rằng họ bị bỏ rơi khỏi việc phát triển các nguồn dự trữ khí đốt thiên nhiên ngoài khơi của Síp, mặc dù đồng sở hữu hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia này. Với mỗi động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Ai Cập, Israel, Síp, Hy Lạp càng nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Pháp, Ý, Mỹ - những quốc gia đều có những khoản đầu tư kinh tế đáng kể vào phát triển nguồn khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.

Libya đã vào chiến trường Địa Trung Hải bằng cách nào?

Trong nỗ lực thoát khỏi sự cô lập trong khu vực, tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận phân định biên giới trên biển với Chính phủ Hiệp ước quốc gia (GNA) có trụ sở tại Tripoli ở Libya, nơi đang xảy ra cuộc nội chiến giữa GNA với Lực lượng quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar chỉ huy. Thỏa thuận này là một nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được vị thế pháp lý cao hơn để thách thức các vùng phân định biên giới trên biển mà Hy Lạp đã thiết lập với Síp và Ai Cập. Thỏa thuận ranh giới trên biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đi kèm với một hiệp ước hợp tác quân sự, cung cấp cho GNA một sự đảm bảo an ninh chống lại các nỗ lực của LNA, được Pháp và Ai Cập hậu thuẫn nhằm lật đổ GNA tại Tripoli. Việc GNA chính thức kích hoạt hiệp ước quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12/2019 đã làm tình hình căng thẳng trên biển ở Đông Địa Trung Hải với cuộc nội chiến ở Libya.

dong dia trung hai da tro thanh mat bao dia chinh tri nhu the nao

Sự can thiệp công khai của Thổ Nhĩ Kỳvào chiến trường Libya trong nửa đầu năm 2020 đã lật ngược tình thế của cuộc nội chiến ở quốc gia Bắc Phi này. Thành công trong việc bảo vệ GNA và sự hiện diện quân sự lớn của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya hiện cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một nền tảng khá chắc chắn để thách thức Síp, Ai Cập, Hy Lạp về phân định biên giới trên vùng biển phía đông Địa Trung Hải. Tận dụng vị thế khu vực mới được nâng cao, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách gây áp lực chống lại Hy Lạp bằng cách gửi tàu khảo sát địa chất Oruc Reis cùng một nhóm 5 tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp gần Kastellorizo.

Vậy lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải là gì?

Theo quan điểm của Thổ NhĨ Kỳ, phân định ranh giới thực tế tại vùng biển phía đông Địa Trung Hải phủ nhận một cách bất hợp pháp một phần lãnh hải hợp pháp của nước này. Do đó, các thỏa thuận của khu vực để phát triển khí đốt thiên nhiên trên vùng biển này dựa trên sự phân định ranh giới hiện nay là không hợp pháp. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ coi các hành động của mình là bảo vệ luật pháp quốc tế. Phân định ranh giới thường được chấp nhận trong khu vực Đông Địa Trung Hải dựa trên bản đồ phân định do Đại học Seville (Tây Ban Nha) nghiên cứu vào đầu những năm 2000, dưới sự ủy quyền của EU. Theo bản đồ này, EU đã xác định ranh giới trên biển tối đa cho Hy Lạp và Síp bằng cách sử dụng bờ biển của từng hòn đảo của Hy Lạp có kích thước rất nhỏ để đánh dấu điểm cực của nước này.

Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, việc phân định biên giới như trên là không công bằng, đường bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ dài hơi biên giới Mỹ - Mexico. Thổ Nhĩ Kỳ đòi phải được công nhận chủ quyền đối với vùng lãnh hải lớn hơn theo nguyên tắc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia UNCLOS để đòi quyền lợi hợp pháp của mình.

dong dia trung hai da tro thanh mat bao dia chinh tri nhu the nao

Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm được một đối tác để tạo bản đồ của riêng mình. Trong một hình ảnh phản chiếu đối với bản đồ của Đại học Seville, bản đồ thỏa thuận ranh giới biển Thổ Nhĩ Kỳ - Libya xác định một vùng biển tối đa cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách phủ nhận bất kỳ hòn đảo nào của Hy Lạp nằm trong thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), nơi cung cấp các quyền chủ quyền đối với các nguồn năng lượng ngoài khơi. Thỏa thuận thiết lập một đoạn ranh giới 18,6 hải lý giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya. Từ đường ranh giới đó, bản đồ của Ankara-Tripoli phân chia độc quyền toàn bộ khu vực hàng hải giữa hai nước. Đó là khu vực trải dài từ góc tây nam của Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển đối diện ở miền đông Libya. Tất cả các hòn đảo của Hy Lạp đều bị bỏ qua.

Phương pháp vẽ bản đồ Ankara-Tripoli của Thổ Nhĩ Kỳ là khá khó hiểu. Quan trọng nhất, bản đồ này bỏ qua sự hiện diện của đảo lớn Crete của Hy Lạp, có diện tích gần 8.500 km2 (lớn thứ 5 ở Địa Trung Hải), nằm giữa các bờ biển. Theo Điều 121 của UNCLOS - điều khoản đề cập đến tình trạng pháp lý của các đảo, khẳng định rằng, các đường bờ biển trên các đảo tạo ra thềm lục địa và các vùng đặc quyền kinh tế giống như bất kỳ sự hình thành đất ven biển nào, ngoại trừ những vùng không thể duy trì sự sinh sống của con người. Đảo Crete có dân số gần 650.000 người, chắc chắn sẽ tạo ra một đặc khu kinh tế.

Vào ngày 06/8 vừa qua, Hy Lạp đã quyết định trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc ký thỏa thuận phân định biển tương tự với Ai Cập. Kết quả là vài ngày sau, tàu thăm dò địa chất Oruc Reis và các tàu hải quân hộ tống đã tiến vào vùng biển trong ranh giới biển của Hy Lạp.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Có những động lực mạnh mẽ đối với hầu hết các bên trong khu vực và EU để kiềm chế sự leo thang hiện nay và tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Dù ủng hộ Hy Lạp, cả Ai Cập và Israel đều không có khả năng bị lôi kéo và cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải. EU bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với các thành viên Hy Lạp và Síp, nhưng liên minh vẫn bị chia rẽ về cách xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay. Sáu quốc gia ở Địa Trung Hải chia đều về quan điểm. Hy Lạp, Síp, Pháp ủng hộ hành động mạnh chống Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ý, Malta và Tây Ban Nha - các nước chia sẻ lợi ích thương mại quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ ở trung tâm và tây Địa Trung Hải thể hiện thái độ kiềm chế.

Việc Đức trở thành Chủ tịch luân phiên của EU từ tháng 7/2020 có thể phá vỡ sự bế tắc. Mặc dù Đức thường phản đối Pháp về chính sách đối với Địa Trung Hải, nhưng quan điểm của Đức là giữ Thổ Nhĩ Kỳ càng gần EU càng tốt. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến tới bờ vực của xung đột. Nếu nước này đi quá xa, EU cũng như Mỹ sẽ hoàn toàn nghiêng về phía Hy Lạp. Ranh giới đỏ hiện nay mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể vượt qua là đảo Crete, có vùng biển phía Nam được cho là có trữ lượng dầu và khí đốt đáng kể. Mặc dù được quốc tế công nhận là vùng lãnh hải của Hy Lạp, nhưng bản đồ Ankara-Tripoli lại chỉ định khu vực này cho Libya. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ gửi tàu thăm dò dầu khí đến gần bờ biển phía nam của đảo Crete thì tất cả những nỗ lực giải quyết khủng hoảng sẽ đổ vỡ.

Cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa vượt qua ranh giới đó. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang tiến hành thăm dò vùng biển Crete như một lá bài đàm phán. Bất kỳ động thái gây leo thang nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều cần có bên thứ ba đủ khả năng để dàn xếp Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ngồi vào bàn đàm phán nghiêm túc. Do đó, có lẽ dấu hiệu đáng hy vọng nhất cho khu vực là những nỗ lực mang tính xây dựng gần đây của Mỹ nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn và một vùng đệm ở Libya. Sự liên kết của các cuộc xung đột khu vực khác nhau tạo ra cơ hội cho một cuộc đối thoại thực dụng về biên giới trên biển Địa Trung Hải. Cơ hội đó sẽ đòi hỏi Mỹ, có lẽ cùng với Đức phải hành động với kỹ năng cam kết và ngoại giao.

Phạm TT

Theo Foreign Policy