Điểm sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần qua

15:00 | 21/11/2020

|
(PetroTimes) - Phái đoàn Venezuela tới Nga tìm kiếm cơ hội hợp tác; Ả Rập Xê-út kêu gọi các thành viên OPEC+ linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường dầu mỏ; Belarus sẽ xuất khẩu dầu mỏ qua các cảng của Nga... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng tuần qua.
lllllllllllllll

1. Phái đoàn Venezuela gồm các quan chức cấp cao đã tới Moscow, Nga để tìm kiếm cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực dầu khí.

Các biện pháp trừng phạt từ Mỹ là một phần trong nỗ lực buộc Tổng thống Maduro từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, ông Maduro hiện vẫn nắm quyền và sự phục hồi tiềm năng trong việc vận chuyển dầu xuất hiện khi PDVSA đang thích ứng với việc siết chặt các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách bắt chước các chiến thuật vận chuyển từ Iran để che giấu các tàu đang lấy dầu ở Venezuela và tham gia vào các thương vụ với khách hàng ở Nga.

2. Ả Rập Xê-út mới đây đã kêu gọi các thành viên OPEC+ linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường dầu mỏ, trong bối cảnh nước này xây dựng kế hoạch hướng tới áp dụng chính sách thắt chặt sản lượng dầu vào năm 2021 để ứng phó với nhu cầu suy giảm do làn sóng Covid-19 thứ hai.

3. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2021, qua đó thể hiện sự ủng hộ chính sách siết chặt nguồn cung trong năm tới.

Theo báo cáo của Ủy ban Kỹ thuật chung (JTC) của OPEC+, trong năm 2021, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm 6,2 triệu thùng mỗi ngày so với năm ngoái, giảm 0,3 triệu thùng/ngày so với dự báo của tháng trước.

4. Theo nội dung được đăng trên trang web của Chính phủ Nga, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak và Alexei Overchuk đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Belarus Yuri Nazarov thảo luận về hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu mỏ và việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Belarus thông qua cơ sở hạ tầng của Nga.

Trước đó, có thông tin nói rằng Nga và Belarus đã bắt đầu thực hiện việc chuyển hướng vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ từ Litva sang các cảng của Nga.

5. Sau làn sóng phá sản trong quý III, các nhà sản xuất dầu mỏ và công ty dịch vụ mỏ dầu ở Mỹ tiếp tục đệ đơn yêu cầu bảo hộ khỏi các chủ nợ vào đầu quý IV, công ty luật Haynes và Boone cho biết trong cuộc khảo sát mới nhất. Công ty này cũng cảnh báo rằng mùa xác định lại cơ sở vay đang diễn ra có thể dẫn đến nhiều đơn xin phá sản hơn nữa.

Số đơn xin phá sản từ các công ty thăm dò và khai thác (E&P) là 17 trong quý III, trong khi 3 công ty nữa đã nộp đơn phá sản vào tháng 10, theo dữ liệu của Haynes và Boone tính đến ngày 31/10.

6. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan ngày 17/11 nói rằng, các công ty dầu khí của Ấn Độ nên xem xét việc bán cổ phần trong khu vực thăm dò của họ cho các công ty nước ngoài có công nghệ để khai thác thêm tài nguyên dầu khí.

Ông Pradhan đã phát biểu tại một cuộc họp báo về việc ký kết hợp đồng cho tất cả 11 lô dầu khí theo Chính sách cấp phép sử dụng mở (OALP) đấu thầu vòng V, trong đó các công ty địa phương ONGC và Oil India Limited đã trúng thầu thăm dò và khai thác.

7. Công ty khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới Aramco của Ả Rập Xê-út có kế hoạch phát hành trái phiếu bằng mệnh giá của Mỹ, với số lượng tùy thuộc vào điều kiện thị trường, trong bối cảnh họ đã giảm gấp đôi chi trả cổ tức bởi lợi nhuận sụt giảm.

Citi, Goldman Sachs International, HSBC, JP Morgan, Morgan Stanley và NCB Capital sẽ là nhà bảo lãnh cho đợt phát hành trái phiếu sắp tới, sẽ theo nhiều đợt với thời gian đáo hạn là 3, 5, 10, 30 hoặc 50 năm, Aramco cho biết trong một hồ sơ gửi sàn chứng khoán Ả Rập Xê-út Tadawul.

Bình An