Đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch sẽ không còn được bảo vệ
Một cuộc biểu tình phản đối Hiệp ước Hiến chương Năng lượng của Friends of the Earth Europe vào tháng 7 năm 2021. Ảnh: Friends of the Earth Europe/Flickr |
Cải cách xanh trong một hiệp ước năng lượng quan trọng từng bảo vệ các khoản đầu tư vào dầu khí khỏi các quy định về khí hậu đã đạt được bước tiến lớn hôm 3/12. 51 Chính phủ thuộc Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) đã đồng ý cho phép các nước thành viên loại bỏ sự bảo vệ đối với các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Cuộc bỏ phiếu là một thắng lợi cho nỗ lực kéo dài 4 năm của Ủy ban Châu Âu (EC) nhằm ngăn chặn các công ty nhiên liệu hóa thạch sử dụng ECT để kiện các chính phủ vì những chính sách về khí hậu – bất chấp sự phản đối từ Nhật Bản và Kazakhstan.
Các cải cách sẽ bắt đầu được áp dụng tạm thời sau 9 tháng nữa, vào ngày 3/9/2025, đối với các chính phủ đồng ý thực hiện. Tuy nhiên, để có hiệu lực đầy đủ, hiệp ước phải được ba phần tư số quốc gia thành viên ECT phê chuẩn.
Các nhà vận động khí hậu châu Âu cho rằng, mặc dù đã có cải cách, các quốc gia vẫn nên rút khỏi ECT. “Hiệp ước này đã lỗi thời”, Paul de Clerck, nhà vận động thương mại tại Friends of the Earth Europe, nhận định.
Điểm cốt lõi của cải cách là một “cơ chế linh hoạt”, cho phép các nước EU sử dụng cơ chế này để chấm dứt bảo vệ các khoản đầu tư nhiên liệu hóa thạch mới, nhưng vẫn đảm bảo duy trì các khoản đầu tư hiện có trong vòng 10 năm tới.
Hiện tại vẫn chưa rõ các quốc gia thành viên khác của ECT – như Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản và các nước Trung Á – sẽ sử dụng quyền mới này như thế nào.
Dù Anh và một số nước EU đã hoặc đang rút khỏi ECT, họ vẫn bị ràng buộc bởi các điều khoản của hiệp ước trong vòng 20 năm theo “điều khoản hoàng hôn” (sunset clause). Ví dụ, mặc dù đã rời khỏi ECT từ năm 2016, Chính phủ Ý vẫn phải bồi thường 190 triệu euro (200 triệu USD) cho một công ty Anh vào năm 2022 sau khi nước này hạn chế khoan dầu ngoài khơi.
Bị kiện bởi hành động vì khí hậu
ECT được hình thành vào những năm 1990 nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư năng lượng giữa các quốc gia phương Tây và hậu Xô Viết. Tuy nhiên, các điều khoản ngăn chặn việc tịch thu tài sản tư nhân của ECT đã bị các công ty năng lượng sử dụng để chống lại các chính sách khí hậu quốc gia.
Năm 2020, một công ty dầu khí Anh đã kiện Chính phủ Slovenia vì những quy định môi trường mà họ cho là “không hợp lý”. Công ty năng lượng Đức Uniper cũng từng đe dọa kiện Chính phủ Hà Lan 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) vì kế hoạch loại bỏ than đá.
Vào tháng 11/2022, công ty dầu khí Anh Kelsch đã kiện EU, Đức và Đan Mạch ít nhất 95 triệu euro (102 triệu USD) do áp thuế lợi nhuận bất thường lên các công ty năng lượng.
Ủy ban Châu Âu đã phản ứng bằng cách cố gắng loại nhiên liệu hóa thạch khỏi danh sách các khoản đầu tư được bảo vệ bởi ECT, nhằm giới hạn hiệp ước này chỉ áp dụng cho các tài sản năng lượng sạch.
Tuy nhiên, nỗ lực của EU đã bị Nhật Bản và Kazakhstan chặn đứng nhiều lần trong hai năm liền. Đến tháng 6/2022, một cơ chế linh hoạt đã được thống nhất, cho phép các quốc gia ECT chấm dứt bảo vệ nhiên liệu hóa thạch, miễn là không có quốc gia ECT nào khác phản đối.
Mặc dù các nhà đàm phán EU cuối cùng đã giành được quyền này, nhưng khi hội nghị ECT thường niên diễn ra vào tháng 11/2022, các Chính phủ EU không còn đồng ý về các cải cách mà Ủy ban Châu Âu đã đàm phán trước đó, dẫn đến việc cải cách bị đình trệ.
Người đứng đầu ban thư ký ECT lúc bấy giờ, Guy Lentz, đã chỉ trích gay gắt sự chần chừ của EU. Trong một lá thư gửi cho lãnh đạo Nghị viện châu Âu vào tháng 2/2023, ông cảnh báo rằng, nếu EU rút khỏi ECT mà không thông qua các cải cách, điều đó sẽ cản trở các quốc gia khác điều chỉnh hiệp ước phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ông nói thêm rằng, việc không thống nhất cải cách về cơ bản sẽ cho phép các công ty nhiên liệu hóa thạch kiện các quốc gia EU lâu hơn, do điều khoản hoàng hôn 20 năm hiện có, điều này có nghĩa là các công ty năng lượng có thể đệ đơn kiện Chính phủ trong hai thập kỷ ngay cả sau khi một quốc gia rời khỏi hiệp ước.
Các quốc gia EU muốn vô hiệu hóa điều khoản hoàng hôn này bằng cách đồng ý một thỏa thuận phụ giữa họ là không áp dụng hiệp ước. Nhưng ông Lentz cho biết những nỗ lực này “có thể không mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý như mong đợi”. Những người vận động cáo buộc ông là “nói dối”.
EU chia rẽ
Các quốc gia EU sau đó tiếp tục tranh luận nảy lửa về việc ở lại hay rút khỏi ECT và nếu rút, liệu có nên cải cách trước khi rời đi hay không.
Bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra, Pháp, Đức và Ba Lan chính thức rút khỏi ECT vào tháng 12/2023. Luxembourg và Slovenia cũng lần lượt rời đi vào tháng 6 và tháng 10/2024. Dự kiến, Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha và EU sẽ rời hiệp ước vào năm sau.
Cuối cùng, vào tháng 5/2024, các Bộ trưởng EU đã đạt được thỏa hiệp, do Chính phủ Bỉ làm trung gian: Các chính phủ muốn ở lại có thể tiếp tục cải cách hiệp ước, trong khi EU sẽ bắt đầu quá trình rút lui ngay lập tức.
Nh.Thạch
AFP
- Đức đầu tư mạnh cho phát triển hydro tại châu Phi
- Ả Rập Xê-út thúc đẩy hợp tác năng lượng tái tạo với nhiều quốc gia
- Vì sao Mỹ thất bại trong nỗ lực giảm lượng phát thải khí nhà kính năm 2024?
- Tổng quan về thị trường giá cả hydrogen toàn cầu
- Bản tin Năng lượng xanh: Các vụ kiện tụng đã làm tê liệt các nhà máy điện gió ở tây bắc Tây Ban Nha