Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

09:06 | 04/01/2021

|
(PetroTimes) - KrisEnergy của Singapore bắt đầu khai thác dầu ở Campuchia; ConocoPhillips phát hiện dầu Biển Bắc; Saudi Aramco lập liên doanh phát triển công nghệ số... là những điểm nổi bật trong hoạt động của các công ty dầu khí lớn tuần qua.
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Ngày 31/12, Lukoil báo cáo, sản lượng dầu tích lũy của công ty đã vượt quá 35 triệu tấn tại các mỏ Yury Korchagin và Vladimir Filanovsky ở Biển Bắc Caspian. Lukoil tiếp tục các dự án này vào năm 2020. Đặc biệt, các giếng sản xuất mới, cũng như các giếng phụ đã được khoan để tăng cường dòng hydrocarbon. Năm 2020, Lukoil sản xuất hơn 7 triệu tấn tại 2 mỏ nói trên. Hơn nữa, Lukoil đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại dự án lớn thứ 3 của Caspian, mỏ Valery Grayfer. Ước tính mỏ dầu sản xuất hơn một triệu tấn dầu mỗi năm. Công ty sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng tại mỏ Valery Grayfer vào năm 2021. Việc khoan thăm dò và sản xuất sẽ được thực hiện tại các mỏ ngoài khơi khác của công ty. Mùa hè này, Lukoil đã khoan một giếng thăm dò tại cấu trúc triển vọng Severo-Rakushechnaya nằm ở phía bắc của mỏ Valery Grayfer. Công ty cũng tiếp tục thăm dò tại các cấu trúc Khazri và Titonskaya ở Trung tâm Caspian. Lukoil đã phát hiện ra 9 mỏ ở Biển Caspian với tổng trữ lượng có thể phục hồi lên tới xấp xỉ 7 tỷ thùng dầu tương đương.

Lạnh đạo tập đoàn KrisEnergy của Singapore ngày 30/12 cho biết họ bắt đầu khai thác dầu mỏ ở Campuchia. Dầu thô được khai thác tại một khu vực ngoài khơi Sihanoukville (phía Nam). Tập đoàn khổng lồ của Mỹ Chevron đã xác định được trữ lượng dầu đầu tiên của Campuchia từ năm 2005 nhưng Chính phủ Campuchia và Chevron không thống nhất được tỉ lệ ăn chia. Phnom Penh cuối cùng đã ký hợp đồng vào năm 2017 với một công ty Singapore, KrisEnergy. KrisEnergy hiện sở hữu 95% quyền khai thác dầu, phần còn lại thuộc về chính phủ Campuchia. Ban đầu công ty này dự kiến ​​sản lượng tối đa là 7.500 thùng/ngày.

Ngày 31/12, ADNOC đã chuyển giao quyền thăm dò lô 3 ngoài khơi UAE diện tích 11.660 km2 cho liên danh Eni (Ý) và PTTEP (Thái Lan), theo điều khoản thỏa thuận nhượng quyền, Eni sẽ sở hữu 70%, PTTEP 30% trong giai đoạn thăm dò với cam kết đầu tư 412 triệu USD trong vòng 9 năm. Trong trường hợp phát hiện ra trữ lượng thương mại, thời gian phát triển sẽ được kéo dài thêm 26 năm và cho phép ADNOC quyền được tham gia đến 60% cổ phần trong giai đoạn khai thác thương mại. Eni và PTTEP đang hoạt động tại UAE từ năm 2018 và sở hữu quyền thăm dò tại lô 1, 2 ngoài khơi nước này. ADNOC là tập đoàn khai thác hầu hết dầu thô UAE, sở hữu tới 6% trữ lượng dầu thế giới. Vào đầu tháng 12, công ty đã chuyển giao quyền thăm dò tài nguyên dầu khí lô 5 trên bờ cho Occidental (Mỹ).

Ngày 29/12, ConocoPhillips (Mỹ) công bố phát hiện ra mỏ dầu mới ở biển Na Uy - phía bắc mỏ Heidrun, ước tính ban đầu cho thấy trữ lượng có thể thu hồi giao động 76-201 triệu thùng dầu quy đổi sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có tại khu vực này. ConocoPhillips sở hữu 80% cổ phần lô giấy phép, 20% còn lại do quỹ tư nhân Pandion Energy nắm giữ. Đây là phát hiện dầu khí thứ 2 của ConocoPhillips tại vùng biển Na Uy trong vòng 2 tháng trở lại đây, hồi tháng 11, công ty đã tìm thấy mỏ khí đốt ở phía tây nam mỏ Skarv.

SSE (Anh) và Equinor (Na Uy) đã đồng ý đầu tư 6 tỷ bảng Anh (8,03 tỷ USD) vào việc xây dựng dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Giai đoạn 1 của dự án có công suất 1,2 GW dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023 và giai đoạn 2 vào năm 2024. Giai đoạn 3 của dự án dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2026. Trang trại điện gió Dogger Bank nằm ở Biển Bắc, ngoài khơi phía đông bắc nước Anh, sẽ có tổng công suất 3,6 GW, đủ cung cấp cho 6 triệu hộ gia đình hoặc khoảng 5% sản lượng điện của Vương quốc Anh. Dự án bao gồm 3 địa điểm với công suất 1,2 GW mỗi địa điểm, có tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 9 tỷ bảng Anh trong giai đoạn 2020-2026. SSE sẽ chịu trách nhiệm về giai đoạn xây dựng và Equinor sẽ phụ trách phần vận hành.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Abdulaziz bin Salman mới đây cho biết, Saudi Aramco đã phát hiện ra 4 mỏ dầu và khí đốt mới. Theo ông bin Salman, tổng trữ lượng có thể thu hồi tại các mỏ này hiện chưa được xác định. Trước đó, Saudi Aramco cho biết đã cùng đối tác Cognite (Na Uy) thành lập liên doanh nghiên cứu các công nghệ số cho ngành dầu khí và năng lượng. Liên doanh sẽ tập trung vào số hóa ngành dầu khí ở KSA cũng như tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Các giải pháp kỹ thuật số sẽ bao gồm tối ưu hóa sản xuất, dự báo kỹ thuật số về tuổi thọ thiết bị, số hóa lực lượng lao động, các biện pháp an toàn tiên tiến và giảm tác động đến môi trường. Liên doanh sẽ dựa trên việc triển khai nền tảng phân tích dữ liệu công nghiệp Cognite và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ điện toán đám mây để lưu trữ và phân tích dữ liệu. Khách hàng của các giải pháp công nghệ số sẽ là các công ty trong ngành công nghiệp dầu khí, năng lượng cũng như trong lĩnh vực tiện ích, sản xuất công nghiệp và vận tải. Liên doanh dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2021.

Bên cạnh đó, Saudi Aramco Development cũng đã ký kết với Google Cloud về hợp tác cung cấp các dịch vụ đám mây có hiệu suất cao và độ trễ thấp cho khách hàng ở KSA. Theo đó, Google Cloud sẽ xây dựng một nền tảng công nghệ đám mây mới ở KSA, tập trung vào phát triển và mở rộng các dịch vụ kỹ thuật số bao gồm trí tuệ nhân tạo, phân tích thông minh, quản lý dữ liệu và hệ thống bảo mật mới. Sự hợp tác giữa Saudi Aramco và Google gắn liền với nhu cầu ngày càng tăng nhanh đối với các dịch vụ đám mây ở KSA, dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2030.

Hội đồng quản trị của Gazprom đã xem xét các vấn đề chiến lược, trong đó có đánh giá nhu cầu khí đốt thiên nhiên sẽ tăng trong dài hạn. Bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay, LNG sẽ vẫn là một lĩnh vực quan trọng và tốc độ tăng trưởng khí hóa sẽ kích thích thị trường khí đốt trong nước.

Về thị trường khí đốt toàn cầu, dưới tác động của đại dịch Covid-19, Gazprom ước tính nhu cầu khí đốt toàn cầu giảm 2% trong năm 2020, trong khi tiêu thụ các loại nhiên liệu hóa thạch khác giảm đáng kể hơn. Tuy nhiên, Gazprom cho rằng, nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên sẽ tăng trưởng trong dài hạn. Ước tính đến năm 2040, sản lượng tiêu thụ khí đốt toàn cầu sẽ tăng lên mức 1.300 tỷ m3/năm. Xu hướng chính trên thị trường vẫn là sự sụt giảm sản lượng khí đốt tại châu Âu và gia tăng tiêu thụ ở Trung Quốc. Sản lượng khí đốt ở châu Âu năm 2020 đạt tổng cộng khoảng 220 tỷ m3, thấp hơn 7% so với năm 2019. Mỏ khí đốt khổng lồ Groningen tại Tây Bắc Âu sẽ đóng cửa vào năm 2030. Trong khi đó, bất chấp các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch, nhu cầu khí đốt tại Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng.

Gazprom cũng nhận định, vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên quan trọng trong thị trường năng lượng. Thị trường truyền thống của Gazprom là EU đang chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp khi công bố kế hoạch trung hòa carbon đến năm 2050. Trong bối cảnh đó, các công ty dầu khí hàng đầu thế giới tiếp tục chuyển đổi chiến lược, phát triển các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến khí đốt thiên nhiên. Gazprom đang nỗ lực một cách có hệ thống để củng cố vị thế của mình như xây dựng cơ sở nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng mới để đảm bảo ổn định nguồn cung, đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu và mở rộng danh mục sản phẩm của mình.

Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới
Các nhà phân tích đưa ra dự báo trái chiều về thị trường dầu thế giới 2021Các nhà phân tích đưa ra dự báo trái chiều về thị trường dầu thế giới 2021

Nh.Thạch

AFP