Cuộc chiến giành thị phần khí đốt tại thị trường Trung Quốc

08:00 | 21/07/2020

|
(PetroTimes) - Kết quả nhập khẩu quý II/2020 cho thấy, chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực nhập khẩu khí đốt đường ống đã thay đổi.
cuoc chien gianh thi phan khi dot tai thi truong trung quocGiá dầu tuần qua và dự báo tiếp theo
cuoc chien gianh thi phan khi dot tai thi truong trung quocMỹ có thể “giáng đòn” các công ty Trung Quốc liên quan yêu sách Biển Đông
cuoc chien gianh thi phan khi dot tai thi truong trung quoc

Hiện có 5 quốc gia là Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan và Myanmar cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua 3 đường ống quốc tế. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng trong thương mại khí đốt toàn cầu trong vòng 20 năm tới và trở thành thị trường tiêu thụ khí triển vọng nhất thế giới.

Nguồn khí đốt của Nga hiện nay được đánh giá là rẻ nhất và cạnh tranh nhất tại thị trường Trung Quốc. Nguồn khí đốt từ Nga được vận chuyển từ mỏ khí và condensate Chayandinskoye qua đường ống Sila Siberia tới Trung Quốc với công suất thiết kế 38 tỷ m3/năm. Theo các điều khoản của hợp đồng xuất nhập khẩu giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), giá khí được tính theo giá dầu mazut và xăng với độ trễ 9 tháng. Do đó, giá khí thay đổi theo quý. Trong quý II/2020, giá khí đốt của Nga đã giảm 10% so với quý I, xuống còn 183 USD/1.000m3.

Giá khí giảm không có lợi cho Nga, nhưng trong bối cảnh chung hiện nay thì điều này có thể chấp nhận được. Chi phí sản xuất khí tại mỏ Chayandinskoye là khoảng là 81,4 USD/1.000 m3. Tổng chi phí xây dựng đường ống Sila Siberia là gần 55 tỷ USD, bên cạnh đó, việc khai thác mỏ Chayandinskoye gặp một số vấn đề liên quan đến tốc độ khai thác tại các giếng. Để đảm bảo lấp đầy công suất thiết kế của Sila Siberia, Gazprom cần đưa vào khai thác mỏ khí và condensate Kovyktinskoe và xây dựng tuyến đường ống dài 2.293 km kết nối Kovyktinskoe với Chayandinskoye. Với những con số lớn như vậy để chuẩn bị xuất khẩu thì khối lượng xuất khẩu cũng phải tương đương.

Quý II/2020 cho thấy khả năng cạnh tranh của khí đốt Nga cao. Do những tác động tiêu cực của Covid-19, phía Trung Quốc đã giảm nhập khẩu khí đốt từ tất cả các đường ống, trong đó có nguồn cung từ Nga. Trong tháng 4, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc trung bình 9 triệu m3/ngày, thấp hơn 12% so với tháng 1 (10,3 triệu m3/ngày). Việc cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc bắt đầu từ cuối năm 2019 và đặt mục tiêu đạt công suất 38 tỷ m3/năm trong vòng 5 năm đầu tiên. Các đối tác cung cấp khí bằng đường ống khác cho Trung Quốc cũng ghi nhận sự sụt giảm công suất vận tải khí sang Trung Quốc như: Uzbekistan giảm 36%, Kazakhstan giảm 21%, Turkmenistan giảm 18%, Myanmar giảm 14%.

Mặc dù Trung Quốc giảm nhập khẩu khí từ các nước hiện nay, nhưng trong giai đoạn 2020-2025 tình hình cung cấp khí cho nước này sẽ có sự thay đổi đáng kể. Lãnh đạo Uzbekistan tuyên bố nước này sẽ ngừng các hoạt động xuất khẩu khí đốt vào năm 2025 vì chuyển hướng đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, bao gồm cả hoạt động hóa khí. Năm 2019, xuất khẩu khí đốt của Uzbekistan sang Trung Quốc đạt khoảng 10 tỷ m3.

Trong năm 2019, Kazakhstan đã xuất khẩu 7,1 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu sẽ giảm trong thời gian tới. Liên doanh Tengiz Chevron sẽ hoàn thành dự án mở rộng khai thác khí đốt tại mỏ Tengiz vào năm 2023. Sau khi dự án hoàn thành, hầu hết lượng khí khai thác sẽ được bơm trở lại vỉa để tăng cường thu hồi dầu. Phần khí đốt còn lại được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho tổ hợp hóa khí Atyrau. Chính sách khí đốt của tập đoàn Bắc Caspian tại khu vực Kashagan, Kazakhstan cũng tương tự. Kết hợp với việc mở rộng thị trường khí đốt trong nước khi gia tăng tỷ lệ khí hóa thì khối lượng khí đốt cung cấp cho Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 3 tỷ m3 mỗi năm.

Turkmenistan có vị thế ổn định hơn trong việc xuất khẩu khí đốt khi cung cấp 33,2 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc trong năm 2019. Quốc gia này sở hữu tài nguyên khí thiên nhiên dồi dào trong các mỏ khí sulfua Dovletabad và các mỏ dầu khí chứa hàm lượng lưu huỳnh cao là Bagtyarlyk và Galkynysh. Tuy nhiên, trong trường hợp gia tăng khai thác khí tại mỏ Galkynysh và tăng sản lượng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

Nguyên nhân chính là do cần nhiều kinh phí cho các thiết bị khử hydro sulfua (H2S) và khử lưu huỳnh trong sản xuất khí đốt. Do đó, các công ty kiểm toán quốc tế tính toán rằng, khai thác khí đốt tại mỏ Galkynysh có chi phí cao nhất thế giới và cao hơn nhiều so với mỏ Chayandinskoye. Theo kế hoạch ban đầu, đường ống dẫn khí châu Á từ Turkmenistan đến Trung Quốc sẽ phải có 4 nhánh. Nhánh cuối cùng sẽ được xây dựng vào năm 2015. Tuy nhiên đến nay, phía Trung Quốc chưa có bất kỳ thông báo nào về kế hoạch hoàn thành nhánh đường ống này.

Khí đốt từ Myanmar nhập cho Trung Quốc từ mỏ Shwe, với trữ lượng ước tính khoảng 258 tỷ m3. Thông qua đường ống dẫn khí, Myanmar cung cấp cho Trung Quốc khoảng 12 tỷ m3/mỗi năm. Ngoài ra, Myanmar hiện không có triển vọng về tài nguyên và giao thông để tăng nguồn cung khí đốt cho Trung Quốc.

Đối với Nga, sự phát triển xuất khẩu khí đốt bằng đường ống của Nga có vị thế khác biệt hơn. Theo sáng kiến của Tổng thống V.Putin, dự án đường ống khí đốt Sila Siberi 2 đang được chuẩn bị với công suất thiết kế 30 tỷ m3/năm. Đường ống này cùng với Sila Siberia sẽ kết nối với mỏ khí Bovanenkovskoe và các mỏ khí khác tại bán đảo Yamal, cũng như đưa nguồn khí đốt vùng cực Bắc qua lãnh thổ Mông Cổ đến miền Đông Trung Quốc. Sila Siberi 2 có triển vọng tiến sâu vào thị trường phía Nam Trung Quốc hơn Sila Siberia. Theo giới chuyên gia dầu khí của Nga, Sila Siberia 2 với cơ sở tài nguyên khí phát triển ở khu vực Bắc Cực sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cho cả Sila Siberia trong trường hợp hai mỏ Kovyktinskoe và Chayandinskoye không đảm bảo công suất thiết kế).

Bảng 1: Giá khí đốt đường ống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (Hải quan Trung Quốc)

Nguồn cung

Giá khí đốt đường ống, USD/1000 m3

Nga

183

Kazakhstan

194

Uzbekistan

212

Turkmenistan

227

Myanmar

365

Theo các số liệu từ bảng trên, các yếu tố và xu hướng ngắn, trung và dài hạn đối với vị thế sản xuất và cung ứng khí đốt bằng đường ống của các nước thuộc Liên Xô cũ cho thấy, các kế hoạch xuất khẩu có thể không được thực hiện đầy đủ theo kế hoạch ban đầu mà cần có sự điều chỉnh. Mỗi nhà cung cấp khí đốt cho Trung Quốc có những hạn chế hoặc những vấn đề trong khai thác hay cơ sở tài nguyên chưa đủ lớn. Để vượt qua những khó khăn này đòi hỏi thêm chi phí và nguồn lực kinh tế để gia tăng thị phần xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Tuy nhiên, những hạn chế này có thể được bù đắp bởi quy mô xuất khẩu. Do đó, sự cạnh tranh chính tại thị trường cung cấp khí đốt Trung Quốc sẽ là giữa Nga và Turkmenistan.

Vì vậy, để đảm bảo quy mô xuất khẩu lớn khí đốt sang Trung Quốc, cả Nga và Turkmenistan cần phải giải quyết các vấn đề sản xuất tại mỏ Kovyktinskoe và Chayandinskoye (đối với Nga); mỏ Galkynysh và Bagtyarlyk (đối với Turkmenistan). Có khả năng, giải pháp chiến lược của Nga đối với vấn đề xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sẽ là tăng vai trò và tỷ lệ nguồn cung khí đốt từ các mỏ khí trên bán đảo Yamal (LNG). Tuy xa xôi, nhưng bù lại không gặp khó khăn và rủi ro trong quá trình phát triển. Trong bối cảnh này, ngành công nghiệp khí Turkmenistan có trữ lượng khí chứa hàm lượng lưu huỳnh cao, song chi phí sản xuất lớn sẽ không thể cạnh tranh với dự trữ khí chiến lược tại khu vực Bắc Cực của Nga với chất lượng cao và chi phí khai thác thấp hơn 2-2,5 lần so với chi phí khai thác tại mỏ Chayandinskoye (tức chỉ từ khoảng 30-40 USD/1.000 m3).

Nhìn vào thực tế hiện nay, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc là lĩnh vực kinh doanh kém lợi nhuận. Tuy nhiên, qua các phân tích trên có thể thấy, Nga có triển vọng lớn nhất trong lĩnh vực cung cấp khí đường ống cho thị trường Trung Quốc so với các đối thủ cạnh tranh.

Phạm TT và Nhóm nghiên cứu

Theo Oilcapital.ru