Cú sốc giá dầu đi đến đâu

08:57 | 17/09/2019

|
(PetroTimes) - Vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu của A-rập Xê-út ngay lập tức khiến thị trường dầu thế giới chao đảo. 
cu soc gia dau di den dau
Cú sốc giá dầu đi đến đâu

Giá dầu thế giới tăng tới 20% ngay khi mở cửa thị trường sáng thứ hai ngày 16 tháng 9 năm 2019, cú sốc lớn nhất trong gần 30 năm kể từ cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

A-rập Xê-út là quốc gia dầu lửa lớn thứ hai sau Mỹ và người khổng lồ xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới. Trong bối cảnh mấp mé bờ vực chiến tranh giữa I-ran và Anh, Mỹ, các vụ bắt bớ tàu dầu của nhau, căng thẳng gia tăng ở các tuyến đường vận chuyển dầu thô tại các Eo biển Hormuz, Bab-el-Mandeb,... thì cơn sốc giá dầu lần này đã đẩy cả thế giới vào một lò lửa chưa thấy đường ra. Cuộc tấn công ngày thứ bảy khiến cho A-rập Xê-út mất đi một nửa sản lượng, 5% dầu lửa thế giới.

Thị trường chứng khoán các nước lao đao, với S&P 500 giảm 0.4%, Mỹ cùng chung số phận mất 0,3%, Eurostoxx 50 trượt 0.7%, DAX của Đức mất 0.9%, CAC 40 của Pháp giảm 0.5%, trong khi tại London FTSE tăng 0.3%. Tại LB Nga người ta mong chờ giá dầu lên tới 70$, dự đoán thậm chỉ tới 100$/thùng nếu A-rập Xê-út không phục hồi được sản lượng.

Ngay lập tức các nước lớn có phản ứng tức thì. Trước hết là Mỹ, Tổng thống Trump tuyên bố sử dụng nguồn cung khẩn cấp từ Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ. Ngay và luôn. Ngay trước cuộc tấn công người ta nói có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump và Tổng thống Iran Rouhani có thể ngồi vào bàn thương lượng. Đó có phải là một trong những mục tiêu của cuộc tấn công hay không, cho đến nay chưa ai tiết lộ. Hiệp hội Năng lượng quốc tế IEA tuyên bố họ vẫn kiểm soát được tình hình. Liệu dầu đá phiến có nổi bật lên với tư cách “cứu hộ” không? Chắc không nhanh đến vậy, “nước xa không cứu được lửa gần” vẫn là bài toán muôn thuở.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alekxander Novak ngay lập tức gọi điện cho người đồng cấp ở A-rập Xê-út, sau đó khẳng định tiếp tục chương trình cắt giảm sản lượng như cam kết trước đó, dường như cuộc chiến không lay chuyển được nước Nga. Giá dầu cao là một trong những vũ khí đã được người Nga sử dụng triệt để trong chính sách năng lượng của Tổng thống Nga Putin.

Saudi Aramco cho rằng A-rập Xê-út sẽ phải mất hàng tuần để A-rập Xê-út có thể phục hồi sản lượng. Tuy nhiên vì sự cố đột ngột, do đó ảnh hưởng ngắn hạn nặng nề hơn nhiều.

Trung Quốc với tư cách là nước nhập khẩu dầu sẽ phải đứng trước những thách thức vô cùng lớn, các ông bạn hàng với những hợp đồng thế kỷ hàng tỷ đô-la cũng sẽ không ngần ngại ép giá. Nhưng cuộc khủng hoảng giá dầu có thể làm lu mờ những điểm nóng ở trong nước và trên Biển Đông mà Trung Quốc đang cố tình lôi kéo dư luận vào thời gian gần đây. Cảnh giác không bao giờ thừa.

Các ngân hàng trung ương đang khẩn trương đối phó với ảnh hưởng của lạm phát có thể xảy ra khi giá dầu tăng cao, đồng thời cảnh giác với những rủi ro địa chính trị có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi các lò lửa đều đang rừng rực ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Mọi con mắt đều dõi theo Saudi Aramco, giá dầu phụ thuộc vào tuyên bố gần nhất của họ. Nếu chưa thấy dầu của Saudi thì giá còn tăng, và dù cho dầu của A-rập Xê-út tiếp tục được đưa ra thị trường thế giới vào tuần tới và quốc gia A-rập này mở các kho lưu trữ lớn nhất ra thì căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang.

Ở Việt Nam giá dầu thế giới tăng phi mã sau vụ tấn công đã giúp nhóm cổ phiếu Dầu khí “bùng nổ” trong phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 16/9. Chúng ta tiếp tục chờ tin giá dầu vào ngày mai.

Ngọc Linh