Cơ sở hạ tầng đường ống dầu khí trong chính sách năng lượng của Trung Quốc và lợi ích của Nga (phần II)

09:00 | 10/04/2021

|
(PetroTimes) - Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng đường ống như là một phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phần II - Cơ sở hạ tầng đường ống và lưu trữ khí đốt - yếu tố quan trọng nhất trong an ninh năng lượng của Trung Quốc

Cơ sở hạ tầng đường ống dầu khí trong chính sách năng lượng của Trung Quốc và lợi ích của Nga (phần II)
Hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt của Trung Quốc

Tính đến cuối năm 2015, tổng chiều dài các đường ống dẫn khí ở Trung Quốc đạt khoảng 64.000 km; tổng chiều dài các đường ống dẫn dầu là 27.000 km và tổng chiều dài các đường ống dẫn sản phẩm dầu mỏ là 21.000 km. Quy mô cơ sở hạ tầng dầu khí như vậy được đánh giá là không đủ đối với nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng dầu khí đã cản trở việc giải quyết vấn đề thiếu hụt tài nguyên năng lượng cho nền kinh tế. Do đó, phát triển các đường ống vận chuyển dầu và khí đốt được coi là một trong những chính sách chính nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Sự phát triển hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt ở Trung Quốc bị hạn chế bởi một số vấn đề, gồm vị trí địa lý không hợp lý, mức độ kết nối cơ sở hạ tầng thấp, hạn chế tiếp cận nguồn vốn tư nhân và thiếu kinh nghiệm trong xây dựng các cơ sở đường ống quy mô lớn.

Trung Quốc có một mạng lưới đường ống dẫn dầu phục vụ cho vận chuyển dầu thô từ các mỏ dầu đến cơ sở tinh chế với tổng chiều dài khoảng 11.000 km, cho phép vận chuyển 90% sản lượng dầu thô được khai thác trong nước. Mặc dù sản lượng dầu thô khai thác không tăng, nhưng độ phủ của mạng lưới đồng ống dẫn dầu ở một số địa phương là không đủ. Đáng lo ngại hơn là việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng đường ống sẽ khiến Trung Quốc không thể tiếp nhận đầy đủ lượng khí đốt nhập khẩu đang ngày càng gia tăng.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân của vấn đề là sự độc quyền trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng khí đốt của Trung Quốc, vốn thuộc sở hữu bởi ba tập đoàn dầu khí lớn nhất nước này gồm CNOOC, CNPC và Sinopec (2020). Ngoài ra, công ty con của CNPC là PetroChina cũng là chủ sở hữu cơ sở hạ tầng khí đốt lớn nhất Trung Quốc, đồng thời kiểm soát tất cả các dự án đường ống nhập khẩu khí đốt từ Trung Á, Myanmar và Nga.

Cơ sở hạ tầng đường ống dầu khí trong chính sách năng lượng của Trung Quốc và lợi ích của Nga (phần II)
Các đường ống dẫn khí đốt chính của Trung Quốc

Hệ thống đường ống khí đốt “Tây - Đông” kết nối cơ bản các nguồn tài nguyên phía tây bắc lưu vực Tarim - mỏ Chanqing (trữ lượng ước tính khoảng 750 tỷ m3) với các khu vực kinh tế ven biển phía đông của Trung Quốc. Dự án đường ống khí đốt “Tây - Đông 1” có chiều dài 6.400 km, công suất thiết kế đạt 17 tỷ m3/năm được hoàn thành vào năm 2004. Dự án đường ống “Tây - Đông 2” có công suất thiết kế 30 tỷ m3/năm được hoàn thành vào năm 2009. “Tây - Đông 2” cũng là dự án đường ống vận tải khí đốt quốc tế đầu tiên của Trung Quốc, kết nối nước này với khu vực Trung Á. Đến năm 2015, Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành nhánh tiếp theo của hệ thống đường ống “Tây - Đông” với công suất 30 tỷ m3/năm để tiếp nhập khí đốt từ Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch thiết kế 2 nhánh tiếp theo của hệ thống đường ống này nhằm xây dựng một hệ thống vận tải khí đốt tích hợp. Hệ thống đường ống khí đốt “Đông - Tây” được coi là đường ống lớn nhất và là dự án phức hợp lớn nhất trong ngành công nghiệp khí đốt của Trung Quốc. Mục tiêu của dự án là phát triển các khu vực phía tây của nước này.

Trong thế kỷ XXI, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện hiện trong trong ngành công nghiệp dầu khí của các nước Trung Á và bước đầu tiên trong chiến lược này là xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Trung Á - Trung Quốc”, xuất phát từ biên giới giữa Turkmenistan và Uzbekistan, đi dọc theo lãnh thổ Uzbekistan, qua Kazakhstan và đi vào Khu tự trị Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc. Hệ thống đường ống này gồm 3 nhánh và bắt đầu hoạt động từ năm 2009. Các cuộc đàm phán về xây dựng nhánh đường ống thứ 4 (dự kiến đi từ Turkmenistan, qua Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan đến khu vực tây bắc Trung Quốc) đã diễn ra trong hơn 6 năm. Tổng chiều dài của hệ thống đường ống “Trung Á- Trung Quốc” là 1.833 km với công suất thiết kế đạt 60 tỷ m3 khí/năm. Trong giai đoạn 2009 - 2019, hệ thống đường ống này đã vận chuyển 316 tỷ m3 khí đốt đến Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng đường ống dầu khí trong chính sách năng lượng của Trung Quốc và lợi ích của Nga (phần II)
Hệ thống đường ống “Trung Á- Trung Quốc” - một phần của sáng kiến “Vành đai, con đường”

Đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc còn có đường ống dẫn dầu thô và khí đốt “Myanmar - Trung Quốc”. Đường ống này vận chuyển khí đốt được khai thác ở Biển Andaman (Myanmar), công suất thiết kế đạt 12 tỷ m3 khí/năm và được vận hành từ năm 2013. Đường ống dẫn dầu từ Myanmar đến Trung Quốc bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2017. Dầu thô từ Azerbaijan thông qua đường ống vận chuyển Baku - Tbilisi - Ceyhan được tải lên tàu chở dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến điểm tiếp nhận ở Myanmar. Đường ống dẫn dầu này nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường”, giúp Trung Quốc tránh phải sử dụng eo biển Malacca và rút ngắn đáng kể quãng đường vận tải trên biển. Chiều dài của đường ống là 771 km, công suất thiết kế đạt 22 triệu tấn dầu/năm.

Cơ sở hạ tầng đường ống dầu khí trong chính sách năng lượng của Trung Quốc và lợi ích của Nga (phần II)
Đường ống dẫn dầu thô và khí đốt “Myanmar - Trung Quốc”

Năm 2017, Chương trình phát triển hệ thống đường ống dầu khí quốc gia trong trung và dài hạn của Trung Quốc đã được Ủy ban Cải cách và phát triển nhà nước Trung Quốc đề xuất. Tính đến năm 2020, tổng chiều dài đường ống dẫn dầu thô, khí đốt và xăng dầu ở nước này đã tăng lên 169.000 km, bao gồm 32.000 km đường ống dẫn dầu, 33.000 km đường ống dẫn xăng dầu và 104.000 km đường ống dẫn khí. Đến năm 2025, tổng chiều dài các đường ống dầu khí của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 240.000 km, bao gồm: 37.000 km đường ống dẫn dầu, 40.000 km đường ống dẫn xăng dầu và 163.000 km đường ống dẫn khí. Tính đến năm 2020, tất cả các tỉnh thành, khu vực tự trị và các thành phố trực thuộc trung ương đã được kết nối với hệ thống đường ống dẫn khí và xăng dầu.

Một trong những định hướng chính trong phát triển thị trường khí đốt của Chính phủ Trung Quốc là tự do hóa thị trường khí đốt và phát triển các thành phần cơ sở hạ tầng khí đốt. Định hướng này khá giống với các quy định của EU trong Gói năng lượng thứ ba với trọng tâm là phân chia các công ty khí đốt thành các công ty khai thác và vận chuyển, đồng thời tạo điều kiện cho bên thứ ba truy cập vào cơ sở hạ tầng khí đốt. Kế hoạch được các cơ quan chức năng của Trung Quốc triển khai và đạt được một số kết quả như một số tiến bộ đạt được trong việc mở cửa các cảng LNG. Tuy nhiên, các thiết bị đầu cuối LNG không có trong lĩnh vực đường ống. Việc cải thiện khả năng tiếp cận các đường ống dẫn khí đốt chính là cần thiết để hỗ trợ cạnh tranh tự do và góp phần gia tăng nguồn cung khí đốt cho thị trường nội địa.

Về dự trữ khí đốt, tính đến cuối năm 2017, Trung Quốc có 25 kho chứa khí ngầm với tổng công suất thiết kế đạt 41,5 tỷ m3. Tuy nhiên, các cơ sở dự trữ khí ngầm này không đủ để đối phó với nhu cầu cao trong tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc. Tổng lượng khí dự trữ trong các kho ngầm chỉ chiếm tỷ lệ 4% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của nước này (năm 2018 là 280,3 tỷ m3), thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 12%. Để so sánh, tỷ lệ này ở Đức là 25%, ở Italia là 33%.

Xem tiếp Phần III - Lợi ích của Nga

Viễn Đông