CNOOC có dòng khí đầu tiên tại mỏ khí Lăng Thủy

15:58 | 12/07/2021

|
(PetroTimes) - Reuters ngày 9/7/2021 đưa tin, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết cuối tháng 6 vừa qua đã thu được dòng khí đầu tiên tại mỏ khí Lăng Thủy ((Lingshui) 17-2, một trong những mỏ khí cực sâu - 1.500 m.

CNOOC cần tăng gấp đôi các dự án mua bán và khai thác khí đốt để đạt mục tiêu chuyển đổi năng lượngCNOOC cần tăng gấp đôi các dự án mua bán và khai thác khí đốt để đạt mục tiêu chuyển đổi năng lượng

CNOOC có dòng khí đầu tiên tại mỏ khí Lăng Thủy
Giàn Biển sâu-1 (Shenhai-1) tại mỏ khí Lăng Thủy, chụp ngày 12/5/2021. Ảnh: Tân Hoa xã.

Mỏ khí Lăng Thủy được tìm thấy vào năm 2014, nằm cách điểm cực nam của tỉnh Hải Nam 150 km (93 dặm), nằm ở độ sâu gần gấp 4 lần so với giếng dầu Lưu Hoa (Liuhua) 16-2/20-2, giếng dầu nằm ở độ sâu 410 m ở lưu vực sông Chu Giang. Đây là dự án mỏ khí nước sâu đầu tiên 100% vốn của CNOOC. Trước đó, CNOOC sở hữu một số tài sản dầu mỏ ở biển sâu trong quan hệ hợp tác với Total ở Nigeria và ExxonMobil ở Guyana, hợp tác với công ty năng lượng Canada Husky Energy tại mỏ khí Lệ Loan (Liwan) 3-1, dự án mỏ khí đốt sâu thứ hai của Trung Quốc, khoảng 1300 mét dưới đáy biển phía nam Trung Quốc, nằm ở cửa lưu vực sông Chu Giang.

Việc khởi động khai thác mỏ Lăng Thủy 17-2, với trữ lượng được chứng minh là 100 tỷ mét khối và các giếng ở độ sâu 4.000 mét dưới đáy biển cho thấy tập đoàn năng lượng của Trung Quốc đã đạt được năng lực kỹ thuật và khả năng vận hành để thực hiện các kế hoạch khai thác khí đòi hỏi công nghệ cao.

Reuters cho biết, ở công suất cao nhất, Lăng Thủy sẽ bơm 3 tỷ mét khối mỗi năm, tương đương 1% nhu cầu khí đốt hiện tại của Trung Quốc và cung cấp 20% tổng sản lượng khí đốt của CNOOC vào năm 2024. Một đại diện CNOOC cho biết “Mặc dù có các thách thức phát triển và vốn đầu tư lớn, dự trữ và quy mô sản xuất lớn của mỏ Lăng Thủy giúp cho dự án có tính hiệu quả cao”. Quan chức này cho biết việc khởi động Lăng Thủy sẽ tạo đà cho sự phát triển của các dự án nước sâu gần đó để tạo thành “cụm khí có trữ lượng nghìn tỷ mét khối” cung cấp cho Hồng Kông, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam. Theo CNOOC nói với truyền thông thì CNOOC đang hướng thực hiện mục tiêu tăng sản lượng khí đốt lên bằng 50% tổng sản lượng khai thác của công ty vào năm 2035, so với mức 21% hiện nay. Việc khai thác các mỏ khí đốt quan trọng cũng hỗ trợ kế hoạch của Trung Quốc sử dụng khí đốt tự nhiên trong khi loại bỏ dần than đá, nhằm đạt mục tiêu giới hạn lượng khí thải carbon vào năm 2030.

Giàn khoan Biển sâu-1 (Shenhai-1) trị giá 23,6 tỷ nhân dân tệ (3,64 tỷ USD), nặng 53.000 tấn, cao 120 mét, là giàn khoan, khai thác và kho chứa nửa nổi nửa chìm có quy mô lớn đầu tiên trên thế giới, được sử dụng chuyên cho các giếng Lăng Thủy. Giàn Biển sâu-1 có thể chứa 20.000 m3 condensate và dầu nhẹ thường tồn tại cùng với khí tự nhiên trong mỏ.

Giàn khoan này có kết hợp với công nghệ của Wood Group của Anh và hệ thống khai thác của công ty Aker Solution của Na Uy, trị giá 200 triệu, chịu được áp suất cực lớn và bao gồm hơn 70 km cáp nối hệ thống vận hành dưới đáy biển với giàn khoan Biển sâu-1. Theo một nhà phân tích của IHS Markit thì việc phát triển thành công một dự án nước sâu với quy mô và độ phức tạp như vậy sẽ dẫn đến các đột phá về công nghệ quan trọng để khai thác các nguồn tài nguyên khó khai thác khác.

Các chuyên gia phân tích cho rằng trước đây CNOOC đã kỳ vọng tìm kiếm một đối tác quốc tế để chia sẻ chi phí và rủi ro, tuy nhiên, sau khi tự mình trải qua toàn bộ chu trình từ phát hiện đến khai thác, CNOOC có thể đã âm thầm từ bỏ ý định này. Chuyên gia phân tích năng lượng của Rystad Energy Readul Islam cho rằng: “Với căng thẳng Mỹ-Trung hiện tại, việc thuyết phục một thành viên hội đồng quản trị công ty toàn cầu đảm nhận một vị trí ở Trung Quốc có thể là một yêu cầu cao”.

CNOOC không trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu họ có đang tìm kiếm một đối tác toàn cầu cho mỏ khí Lăng Thủy hay không./.

Thanh Bình