Chuyên gia: Thái Lan đối mặt với “cơn bão hoàn hảo” khi tìm kiếm thêm nguồn cung cấp LNG

19:15 | 16/03/2022

|
(PetroTimes) - Reuters ngày 16/3/2022 đưa tin cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang khiến giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng vọt, nhưng Thái Lan vẫn cần tăng cường mua để bù đắp sự sụt giảm sản lượng mạnh tại mỏ khí đốt lớn nhất của mình và chuẩn bị trước cho tác động của các lệnh cấm vận đe dọa nguồn cung từ Myanmar.
Chuyên gia: Thái Lan đối mặt với “cơn bão hoàn hảo” khi tìm kiếm thêm nguồn cung cấp LNG
Cảng nhập LNG của PTT tại khu công nghiệp Map Ta Phut, tỉnh Rayong. Ảnh: Bangkok Post.

Thái Lan là một nhà nhập khẩu dầu và khí đốt ròng năm ngoái, phụ thuộc vào nhập khẩu gần 75% nhu cầu điện, dầu thô, than và khí đốt tự nhiên. Bộ trưởng Thường trực Năng lượng Thái Lan Kulit Sombatsiri cho biết: “Chúng tôi đang đối phó với sự suy giảm khí đốt ở Vịnh Thái Lan và các lệnh cấm vận tiềm tàng ở Myanmar, giờ chúng tôi đang thêm một tình huống nữa là giá khí đốt tăng vọt do tình hình Ukraine-Nga”.

Thiếu hụt của Thái Lan phần lớn là do sự sụt giảm sản lượng khai thác từ mỏ Erawan ngoài khơi, mỏ cung cấp phần lớn nhu cầu khí đốt của đất nước. Sự thiếu hụt đối với Thái Lan có thể trở nên trầm trọng hơn khi giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao. Các mối đe dọa về các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Myanmar gây ra sự không chắc chắn cho việc nhập khẩu khí đốt từ Myanmar, nhà cung cấp lâu năm của Thái Lan. Thái Lan chỉ có ít sự lựa chọn ngoài việc cạnh tranh nguồn cung cấp khí đốt thay thế LNG với châu Âu vào thời điểm nhu cầu của châu Âu cũng đang tăng cao.

Chevron ra đi và sự sụt giảm sản lượng của mỏ Erawan

PTT Exploration and Production Pcl (PTTEP), một đơn vị của tập đoàn năng lượng nhà nước Thái Lan PTT Pcl, sẽ tiếp quản mỏ khí Erawan từ Chevron Corp vào tháng 4/2022. PTTEP muốn tiếp cận mỏ Erawan từ năm 2021 nhưng việc chuyển giao đã bị trì hoãn. Sự chuyển giao giữa các bên trong một thỏa thuận nhượng quyền tại các mỏ dầu thường mang tính hợp tác nhưng các cuộc đàm phán giữa PTTEP và Chevron đã kéo dài do tranh chấp giữa tập đoàn dầu mỏ Mỹ và Chính phủ Thái Lan về ai sẽ việc trả tiền gỡ bỏ các tài sản ngoài khơi của mỏ.

Người phát ngôn của Chevron cho biết trong một email: "Bất chấp những thách thức phức tạp do quá trình chuyển đổi đưa ra, chúng tôi cam kết đạt được mục tiêu là chuyển giao mỏ Erawan an toàn vào tháng 4 năm 2022."

Việc chậm chuyển giao cũng đã làm chậm các khoản đầu tư cần thiết để duy trì sản lượng của mỏ, rất quan trọng đối với an ninh năng lượng lâu dài của Thái Lan. Khoảng 1/4 nhu cầu khí đốt tự nhiên của Thái Lan đến từ mỏ Erawan, dự kiến ​​sẽ sản xuất dưới 1/5 công suất vào tháng tới.

Nhà phân tích Chaipat Thanawattano của SCB Securities cho biết, sau khi Chevron rời đi, sản lượng của mỏ Erawan có thể ở mức 200 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày (mmsfcd) trước khi tăng lên 400 mmsfcd trong Quý IV/2022. Năm 2019, mỏ này đã sản xuất 1200 mmsfcd.

Chuyên gia: Thái Lan đối mặt với “cơn bão hoàn hảo” khi tìm kiếm thêm nguồn cung cấp LNG
Mỏ khí đốt tự nhiên Erawan của Thái Lan sẽ được Chevron chuyển giao lại cho PTT trong năm 2022. Ảnh: Chevron.

Tổng Thư ký Ủy ban Điều tiết Năng lượng (ERC) Thái Lan Komkrit Tantravanich cho biết việc chuyển giao đã diễn ra không êm ả và Thái Lan đã thấy sự sụt giảm sản lượng từ cuối năm ngoái. Để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng của mỏ Erawan, ERC đã tăng hạn ngạch nhập khẩu LNG, đưa tổng nhập khẩu lên 9,7 triệu tấn trong năm nay, từ 6,4 triệu tấn của năm ngoái.

Komkrit cho biết PTT sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn từ thị trường giao ngay trong tháng 1 đến tháng 4 vì tình hình là "khẩn cấp và cần các quyết định nhanh". Nhà phân tích Suwat Sinsadok của Finansia Syrus Securities cho biết hy vọng hạn ngạch này sẽ được sử dụng hết và ước tính sẽ mất hai năm trước khi mỏ Erawan đạt 800 triệu feet khối tiêu chuẩn (mmsfcd), mục tiêu sản xuất của nhà khai thác Thái Lan.

Thay đổi nhiên liệu

Năm 2021, 54% lượng điện của Thái Lan sử dụng khí đốt tự nhiên và một phần nhỏ đến từ các nguồn dầu mỏ. Trong bối cảnh đó, Thái Lan đã lên kế hoạch tăng cường nhập khẩu trong năm nay, nhưng giá của loại nhiên liệu đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn một tháng do các lệnh cấm vận đối với Nga.

Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Năng lượng Supattanapong Punmeechaow cho rằng “Những gì chúng ta có thể làm tốt nhất là tiết kiệm năng lượng để có thể vượt qua những thời điểm không chắc chắn này".

Tổng Thư ký Komkrit cho biết Thái Lan sẽ cân nhắc việc mua LNG giao ngay nếu giá tăng lên khoảng 40 USD/mmBtu. Sau khi tăng vọt lên mức cao kỷ lục do nguy cơ cắt giảm khí đốt của Nga, giá trung bình LNG cho tháng 4 giao hàng tới châu Á đã giảm trở lại vào khoảng 38 USD/mmBtu. Komkrit cho biết một số nhà máy điện ở Thái Lan sẽ chuyển sang sử dụng dầu để sản xuất điện nhằm giảm nhu cầu khí đốt, trong khi Chính phủ Thái Lan đang gia hạn việc đóng cửa nhà máy điện than và các hợp đồng nhiên liệu sinh khối.

Chuyên gia: Thái Lan đối mặt với “cơn bão hoàn hảo” khi tìm kiếm thêm nguồn cung cấp LNG
PTTEP là một đối tác tại mỏ khí đốt Yadana ở biển Andaman, ngoài khơi Myanmar, là mỏ cung cấp khí đốt cho các nhà máy điện ở Thái Lan và thị trường nội địa Myanmar. Ảnh: PTTEP.

Các biện pháp cấm vận tiềm năng đối với nguồn cung từ Myanmar, chiếm khoảng 14% nhu cầu khí đốt tự nhiên của Thái Lan, càng làm tăng thêm sự không chắc chắn về nguồn cung. Komkrit cho biết nếu điều đó xảy ra, Thái Lan sẽ cần tìm nguồn thay thế, nhưng trong thời gian chờ đợi, Thái Lan đã tăng cường năng lực tái chế khí đốt để chuẩn bị sẵn sàng. Tuần trước, Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ bắt đầu hoạt động từng phần tại một nhà máy sản xuất khí đốt tái chế trước sáu tháng so với kế hoạch vào tháng 5, bổ sung công suất 2,5 triệu tấn mỗi năm (tpy), từ 7,5 triệu tpy.

LNG phải được lọc lại trước khi sử dụng trong các nhà máy điện. Nguồn cung từ các mỏ khai thác ở Myanmar giảm sút sẽ có tác động trực tiếp đến nhu cầu LNG của Thái Lan trong dài hạn. Nhà phân tích của Wood Mackenzie Angus Rodger ước tính điều này có thể làm tăng nhập khẩu LNG của Thái Lan thêm 2,3 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030./.

Thanh Bình