Chuyên gia: Bất ngờ cạnh tranh Ả-rập Xê-út - UAE

09:03 | 04/08/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 2/8/2021 đưa tin sự rạn nứt bất ngờ giữa Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) trong OPEC vào đầu tháng 7 đã gây ra một cú sốc đối với nhiều người trong khu vực vùng Vịnh và các nhà quan sát nước ngoài. Giáo sư khoa học chính trị ở UAE Abdulkhaleq Abdulla cho biết Ả-rập Xê-út và UAE là hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế Ả Rập lớn nhất mới chỉ bắt đầu và chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Xung đột lợi ích

Các chuyên gia theo dõi khu vực lâu năm cho biết, tranh chấp về định mức sản lượng dầu trong OPEC không phải là căng thẳng lần đầu tiên xuất hiện giữa các nước láng giềng Ả Rập, các đồng minh lâu năm và sẽ không phải là lần cuối cùng.

Chuyên gia: Bất ngờ cạnh tranh Ả-rập Xê-út - UAE

Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và người đồng cấp Thái tử UAE Mohammed bin Zayed (bên trái). Ảnh: Royal Court of Saudi Arabia /Getty Images.

Cả hai nước Ả-rập Xê-út và UAE đang ngày càng trở nên tích cực trên trường quốc tế, sự liên kết chiến lược giữa Riyadh và Abu Dhabi thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực. Sự liên kết chiến lược này thường được gắn với quan hệ thân thiết giữa Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và người đồng cấp Thái tử UAE Mohammed bin Zayed. Tuy nhiên, trước khi xảy ra sự rạn nứt trong OPEC, các xung đột lợi ích giữa hai nước đã tăng lên trong những tháng gần đây. Tháng 2/2021, Ả-rập Xê-út thông báo rằng Chính phủ Ả-rập Xê-út sẽ ngừng kinh doanh với bất kỳ công ty quốc tế nào có trụ sở khu vực không nằm trong Ả-rập Xê-út vào năm 2024. Dư luận cho rằng động thái này được coi là nhằm vào Dubai, trung tâm các trụ sở công ty quốc tế hiện nay ở Trung Đông. Năm 2020, UAE đã công bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, trở thành quốc gia vùng Vịnh đầu tiên có bước đi này, trong khi Ả-rập Xê-út công khai từ chối thực hiện điều tương tự. Hai cường quốc vùng Vịnh có một số khác biệt trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, có lợi ích khác nhau trong cuộc nội chiến ở Yemen. UAE đã rút bớt hoạt động quân sự ở Yemen vào năm 2019, trong khi Ả-rập Xê-út vẫn còn liên quan tới cuộc xung đột.

Hệ quả kinh tế

Vào đầu tháng 7, Ả-rập Xê-út đã nâng lãi suất bằng cách chấm dứt ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa sản xuất tại các khu vực tự do thương mại hoặc liên kết với các nhà sản xuất Israel. Dư luận coi đây là một đòn đánh trực tiếp vào UAE, trung tâm khu vực tự do thương mại trong vùng Vịnh. Động thái này diễn ra sau khi có một làn sóng người Ả Rập Xê-út phát động chiến dịch qua Twitter tẩy chay hàng hóa của UAE, mặc dù UAE là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ả-rập Xê-út (chỉ sau Trung Quốc). Amir Khan, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út cho biết ý tưởng ban đầu trong khu vực là tạo ra một thị trường chung Hội đồng Hợp tác các quốc gia vùng Vịnh (GCC) nhưng bây giờ người ta đã nhận ra rằng các ưu tiên của Ả-rập Xê-út và UAE rất khác nhau, các quy định kinh tế đang gặp phải những khác biệt chính trị.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út và UAE phát biểu ca ngợi lẫn nhau sau khi đạt thỏa thuận trong OPEC. Tuy nhiên, tại thời điểm mà lợi nhuận của các quốc gia sản xuất dầu cực kỳ biến động thì cạnh tranh kinh tế giữa hai nước sẽ không sớm biến mất. Chuyên gia vùng Vịnh Tobias Borck cho rằng sau đại dịch Covid, các quốc gia trên thế giới đều phải tìm cách phục hồi kinh tế, nhưng Ả-rập Xê-út và UAE còn chịu thêm áp lực phải chuyển đổi nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Hai nước sẽ phải ưu tiên hàng đầu cho lợi ích kinh tế của nước mình.

Chiều hướng cạnh tranh

Bây giờ mới là đoạn khởi đầu, chưa ai đoán được cuộc cạnh tranh sẽ tiến triển như thế nào. Về kinh tế, hai bên rõ ràng sẽ có va chạm trong nhiều lĩnh vực. Đây có thể là một cuộc cạnh tranh có kiểm soát, được quản lý và thân thiện, tuy nhiên, nó cũng có thể vượt ra khỏi tầm tay và gia tăng trong những tháng, năm tới. Cạnh tranh cũng có thể tác động đến các vấn đề chính trị gắn kết hai quốc gia, gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực./.

Thanh Bình