Chevron tiếp tục vụ kiện tranh chấp khí đốt với Thái Lan

10:41 | 05/10/2020

|
(PetroTimes) - Động thái này diễn ra 1 năm sau khi Chevron dừng các thủ tục pháp lý để có thêm thời gian đàm phán với Bộ Năng lượng Thái Lan, trước khi hợp đồng kết thúc vào tháng 4/2022.
Kế hoạch bù đắp sản lượng của OPEC+Kế hoạch bù đắp sản lượng của OPEC+
Sản lượng khai thác dầu của 13 quốc gia OPEC tăng tháng thứ 3 liên tiếpSản lượng khai thác dầu của 13 quốc gia OPEC tăng tháng thứ 3 liên tiếp
0524-erawan

Theo Reuters, Tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ Chevron Corp đã nối lại thủ tục pháp lý với Thái Lan để giải quyết tranh chấp về việc ai sẽ trả tiền cho việc dỡ bỏ tài sản ở mỏ khí Erawan, ngoài khơi Thái Lan.

Chevron cho biết, trong 12 tháng qua, họ đã tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này để đạt được thỏa thuận với phía Thái Lan nhằm bảo vệ quyền lợi của Chevron với tư cách là nhà đầu tư. Tuy nhiên, hai bên không đạt được giải pháp nào. Phát ngôn viên của Chevron nói với Reuters rằng họ rất tiếc khi buộc phải nối lại vụ kiện.

Bộ Năng lượng Thái Lan không đưa ra bình luận, nhưng cho biết sẵn sàng tham gia vụ kiện nếu cần.

Tranh chấp xuất phát từ một đạo luật có hiệu lực hồi tố của Thái Lan vào năm 2016, yêu cầu các nhà khai thác mỏ khí đốt phải trả chi phí thu dọn mỏ đối với các tài sản mà họ đã lắp đặt, bao gồm cả những tài sản mà họ sẽ chuyển giao cho nhà điều hành tiếp theo.

Năm ngoái, Thái Lan đã yêu cầu Chevron thanh toán toàn bộ chi phí thu dọn mỏ khoảng 2 tỷ USD cho các công trình ở mỏ khí Erawan, bao gồm cả những tài sản mà họ sẽ bàn giao cho PTT Exploration and Production, một công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan PTT.

Chevron lập luận rằng, theo các điều khoản của hợp đồng ban đầu từ năm 1971, họ chỉ chịu trách nhiệm đối với cơ sở hạ tầng không thể sử dụng được nữa và các tài sản được chuyển giao là trách nhiệm của nhà điều hành mới.

Việc thu dọn các tài sản không sử dụng đang được tiến hành, Chevron cho biết hôm 2/10.

Reuters đưa tin vào tháng 9/2019 rằng Chevron đã đình chỉ quy trình trọng tài để tiếp tục đàm phán với Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan khi đó là Sontirat Sontijirawong, người đã từ chức vào tháng 7/2020.

Bộ trưởng Năng lượng mới, Supattanapong Punmeechaow, trước đây là phó chủ tịch của PTT, đã gặp đại diện của Chevron vào tháng trước nhưng chưa đưa ra bình luận công khai về tranh chấp.

Vụ việc có liên quan đến Total SA của Pháp và Mitsui & Co của Nhật Bản, những công ty cũng có cổ phần trong các hợp đồng dầu khí sắp hết hạn ngoài khơi Vịnh Thái Lan.

Các nhà đầu tư nước ngoài ở Thái Lan đã theo dõi chặt chẽ tranh chấp này do lo ngại về việc sử dụng luật có hiệu lực hồi tố và tiền lệ mà vụ kiện có thể đặt ra.

Ngọc Linh

Theo Reuters