Châu Âu đầu tư mạnh cho các dự án hydro xanh

17:46 | 23/05/2025

|
(PetroTimes) - Ủy ban Châu Âu vừa công bố sẽ cấp tổng cộng 992 triệu euro (tương đương khoảng 1,12 tỷ USD) để hỗ trợ 15 dự án khai thác hydro tái tạo tại 5 quốc gia, thông qua vòng đấu giá thứ hai của Quỹ Hydro Châu Âu (European Hydrogen Bank).
đg
Ủy ban Châu Âu vừa phê duyệt khoản trợ cấp mới trị giá 836 triệu euro từ 3 quốc gia thành viên gồm Áo, Litva và Tây Ban Nha để hỗ trợ các dự án hydro xanh. Hình minh hoạ

Dù số tiền trên khá lớn, nhưng thực tế chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong tổng số 4,8 tỷ euro mà các dự án tham gia đề xuất. Tổng công suất từ các hồ sơ gửi về lên tới khoảng 6,3 gigawatt (GW).

Theo Ủy ban, 15 dự án được chọn kỳ vọng sẽ khai thác gần 2,2 triệu tấn hydro tái tạo trong vòng 10 năm, qua đó giúp giảm hơn 15 triệu tấn khí CO₂. Số hydro này sẽ được sử dụng trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, công nghiệp hóa chất, khai thác methanol và amoniac.

Mục tiêu của khoản hỗ trợ là giúp thu hẹp khoảng cách giữa chi phí khai thác hydro xanh với mức giá mà thị trường hiện tại có thể chi trả. Các dự án thắng thầu sẽ nhận được khoản trợ cấp cố định dựa trên lượng hydro tái tạo mà họ khai thác ra, áp dụng tối đa trong 10 năm.

Ủy ban cho biết: “Trong số các dự án được lựa chọn, có 12 dự án cam kết khai thác hydro với mức trợ cấp từ 0,20 đến 0,60 euro cho mỗi kg”.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên có một phần ngân sách được dành riêng cho các dự án hydro phục vụ ngành hàng hải – tức là dùng hydro để tiếp nhiên liệu hoặc vận hành tàu biển.

Về phân bố địa lý, Tây Ban Nha dẫn đầu với 8 dự án được chọn. Tiếp theo là Na Uy với 3 dự án, Đức có 2, còn Phần Lan và Hà Lan mỗi nước có 1 dự án.

Trong số các dự án được tài trợ, Zeevonk Electrolyser của Hà Lan là dự án có quy mô lớn nhất, dự kiến khai thác 411.000 tấn hydro trong 10 năm. Xếp sau là dự án KASKADE của Meridian SAS (Đức) với 354.000 tấn và dự án Kristinestad PtX của Koppo Energia Oy (Phần Lan) với 258.000 tấn trong cùng thời gian.

Ủy ban Châu Âu vừa phê duyệt khoản trợ cấp mới trị giá 836 triệu euro từ 3 quốc gia thành viên gồm Áo, Litva và Tây Ban Nha để hỗ trợ các dự án hydro xanh. Khoản tài trợ này được triển khai theo hình thức “đấu giá theo dịch vụ” trong khuôn khổ Quỹ Hydro Châu Âu.

Cách làm này cho phép các nước thành viên dùng ngân sách quốc gia để tài trợ cho những dự án không giành được vốn trực tiếp từ EU, nhưng vẫn tham gia đấu giá. Nhờ đó, các nước không cần tổ chức phiên đấu giá riêng, mà vẫn có thể hỗ trợ các dự án có tiềm năng thông qua một quy trình cạnh tranh chung.

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu phụ trách mảng Chuyển đổi công bằng, sạch và cạnh tranh, bà Teresa Ribera, nhấn mạnh: “Phiên đấu giá thứ hai của Quỹ Hydro Châu Âu tiếp tục thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc xây dựng một thị trường hydro tái tạo vững chắc tại Châu Âu – một yếu tố then chốt để đạt mục tiêu trung hòa khí thải theo cách hiệu quả và cạnh tranh. Điều này cũng giúp EU tăng cường tự chủ về năng lượng, đồng thời mang lại lợi ích về an ninh và việc làm”.

Bà cũng cho biết sức hút mạnh mẽ của phiên đấu giá gần đây cho thấy lĩnh vực hydro tái tạo tại Châu Âu đang phát triển nhanh và ngày càng được tin tưởng.

Các dự án được chọn sẽ ký hợp đồng tài trợ với Cơ quan Điều hành Khí hậu, Hạ tầng và Môi trường Châu Âu (CINEA), dự kiến hoàn tất trước tháng 10. Mỗi dự án có tối đa 2,5 năm để đạt được quyết định đầu tư tài chính và tối đa 5 năm để đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Trước đó, trong phiên đấu giá đầu tiên của Quỹ, 7 dự án tại Phần Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã nhận tổng cộng 720 triệu euro, với mức tài trợ dao động từ 8 triệu đến 245 triệu euro mỗi dự án (theo thông báo vào ngày 30/4/2024).

Đức cũng đã áp dụng hình thức “đấu giá theo dịch vụ” trong đợt đầu này và được EU phê duyệt khoản hỗ trợ lên tới 350 triệu euro.

Ủy ban Châu Âu cho biết phiên đấu giá thứ 3 của Quỹ Hydro Châu Âu dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2025, với tổng ngân sách hỗ trợ có thể lên đến 1 tỷ euro.

Bên cạnh đó, EU cũng đang chuẩn bị triển khai “Cơ chế Hydro” – một nền tảng trực tuyến thuộc Quỹ, giúp kết nối giữa người mua và người bán hydro, tạo điều kiện để các bên chia sẻ thông tin và tìm kiếm đối tác thương mại hiệu quả hơn.

Maroc đầu tư hơn 32 tỷ USD vào 6 dự án hydro xanh chiến lượcMaroc đầu tư hơn 32 tỷ USD vào 6 dự án hydro xanh chiến lược
TotalEnergies ký hợp đồng hydro xanh lớn nhất tại ĐứcTotalEnergies ký hợp đồng hydro xanh lớn nhất tại Đức
Nhóm nhà khoa học Nga đột phá chiết xuất hydro từ giếng khí đốt tự nhiênNhóm nhà khoa học Nga đột phá chiết xuất hydro từ giếng khí đốt tự nhiên

Nh.Thạch

AFP