Các nước sản xuất dầu Vùng Vịnh đối mặt nguy cơ khủng hoảng kinh tế nếu giá dầu thấp kéo dài

11:13 | 02/10/2020

|
(PetroTimes) - Các quốc gia Ả Rập trong khu vực Vịnh Ba Tư tuyên bố có đủ biên độ an toàn trong thời kỳ khó khăn, kể cả trong đại dịch Covid-19.
Peru: Người da đỏ chiếm đóng một cơ sở dầu mỏ ở rừng AmazonPeru: Người da đỏ chiếm đóng một cơ sở dầu mỏ ở rừng Amazon
TechnipFMC giành được hợp đồng hơn 500 triệu USD với ExxonMobilTechnipFMC giành được hợp đồng hơn 500 triệu USD với ExxonMobil
0111-gcc

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự ngược lại. Sự phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ đã đặt các nước sản xuất dầu trong khu vực rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Theo S&P Global Ratings, nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 40 USD/thùng, tổng thâm hụt ngân sách của 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) có thể lên tới 490 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2023. Riêng trong năm 2020, tổng thâm hụt ngân sách của cả khối GCC được dự báo tăng khoảng 100 tỷ USD.

0118-nl

Ả rập Saudi tuy là một trong những quốc gia dầu mỏ có chi phí sản xuất dầu thô thấp nhất thế giới, nhưng giá 40 USD/thùng không đủ để nước này cân đối ngân sách nhà nước. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Ả rập Saudi cung cấp 87% nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chiếm 42% GDP, 90% nguồn thu đến từ hoạt động xuất khẩu dầu. Theo tính toán của IMF, Ả rập Saudi cần giá dầu ở mức ít nhất là 76,1 USD/thùng trong năm 2020. Với mức giá hiện tại, vương quốc này dự kiến bị thâm hụt ngân sách 11,4% vào cuối năm 2020.

Chính quyền Ả rập Saudi phủ nhận việc theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong thời gian đại dịch, đồng thời tuyên bố cân bằng được ngân sách đã được dự toán vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, thực tế Ả rập Saudi đã tăng 3 lần thuế giá trị gia tăng, cắt giảm chi tiêu trong một số lĩnh vực không thiết yếu và tạm thời cắt các khoản chi phí và phụ phí cao đối với giới công chức nhà nước.

Vị thế của những thành viên còn lại trong GCC cũng không mấy lạc quan. Để đảm bảo không bị thâm hụt ngân sách trong năm nay, UAE cần giá dầu đạt 69,1 USD/thùng; Kuwait cần giá dầu đạt 61,1 USD/thùng; Bahrain và Oman lần lượt là 95,6 USD/thùng và 86,8 USD/thùng. Chỉ duy nhất Qatar có thể kết thúc năm tài chính 2020 mà không bị thâm hụt ngân sách khi dự toán ngân sách ở mức giá dầu 39,9 USD/thùng.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu tăng yếu khiến những triển vọng tăng giá dầu trong ngắn hạn trở nên “mờ mịt”. Mặc dù ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, giá dầu trong quý III/2021 sẽ tăng lên 65 USD/thùng nhưng đại đa số các chuyên gia dầu khí bày tỏ sự bi quan hơn. Một nghiên cứu dần đây của Reuters cho biết, ước tính giá dầu thô trung bình năm 2021 sẽ dao động ở mức 50,45 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giá dự báo này vẫn còn cách khá xa so với dự toán ngân sách của hầu hết các nước sản xuất dầu Vùng Vịnh. Ví dụ như Ả rập Saudi dự toán ngân sách ở mức 66 USD/thùng trong năm 2021.

Chính sách “thắt lưng buộc bụng" ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh tế trong GCC. Các điều kiện kinh doanh xấu đi, nhất là tại Ả rập Saudi và UAE. Hoạt động kinh tế suy giảm đang gây áp lực mạnh lên các ngân hàng trong khu vực. Ngân hàng trung ương Ả rập Saudi đã công bố chương trình hỗ trợ hệ thống ngân hàng của nước này với tổng kinh phí gần 27 tỷ USD. Thực tế cho thấy nền kinh tế UAE đa dạng nhất trong khu vực, song nước này vẫn phải tiếp tục phụ thuộc lớn vào sản xuất dầu mỏ. Doanh thu từ dầu mỏ chiếm gần 1/3 (30%) ngân sách của Các Tiểu vương quốc (ngoại trừ Dubai).

Qatar, quốc gia đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng các quốc gia sản xuất dầu, có dầu và khí đốt chiếm hơn 60% GDP. Ngành công nghiệp dầu khí chiếm 85% kim ngạch xuất khẩu và xấp xỉ 70% doanh thu của chính phủ nước này. Đối với Oman, hoạt động sản xuất dầu mỏ chiếm 68% GDP và 85% doanh thu của chính phủ nước này. Trong năm 2020, quốc gia này sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao nhất trong lịch sử, ở mức 20%.

Giải pháp duy nhất để bù đắp thâm hụt ngân sách khổng lồ của các nước Vùng Vịnh có lẽ là thị trường nợ. Các nước Vùng Vịnh thường dễ dàng tiếp cận được với những khoản vay khổng lồ mà không gặp trở ngại. Thống kê cho thấy, các chế độ quân chủ Ả rập của Vùng Vịnh đã vay gần 50 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, vay nợ nhiều đồng nghĩa với gánh nặng trả nợ hoặc phải bán tài sản trả nợ sẽ tăng lên, áp lực trực tiếp đến giới cầm quyền các chính phủ. Hậu quả là người dân các nước phải gánh thêm các nghĩa vụ thuế, nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng.

Do đó, kỳ vọng lớn nhất lúc này của GCC là giá dầu nhanh chóng phục hồi về mốc trước khủng hoảng để giảm áp lực về thâm hụt ngân sách. Một hướng đi khác là tăng cường xuất khẩu nhằm lấy doanh thu bù đắp cho giá thấp như Ả rập Saudi, UAE đang tiến hành. Hướng đi này tuy có thể chiếm lĩnh thị phần trong ngắn hạn, song lại tác động tiêu cực đến sự phục hồi của giá dầu. Do đó có thể nói, triển vọng kinh tế của GCC là khá mờ nhạt nếu giá dầu thế giới tiếp tục duy trì quanh mốc 40 USD/thùng hiện nay.

Phạm TT