Các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực khí đốt

09:00 | 20/11/2021

|
(PetroTimes) - Giải quyết vấn đề phát thải trên toàn bộ chuỗi giá trị khí là điều kiện cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
Các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực khí đốt

Những lời kêu gọi chấm dứt tài trợ cho các dự án dầu khí mới tiếp tục gia tăng. Ngân hàng đầu tư châu Âu cho biết sẽ ngừng tất cả các khoản tín dụng cho phát triển nhiên liệu hóa thạch đến cuối năm nay. Trong tuần vừa qua, cả Tổng thư ký Liên hợp quốc và Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư từ chối tài trợ cho các dự án sản xuất dầu khí mới nhằm đạt được mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050.

Những tổ chức tài chính cho vay tại châu Á cũng không tránh khỏi những áp lực này. Đầu tháng 5 vừa qua, các tổ chức môi trường đã chỉ trích Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vì đã hỗ trợ khoản vay 5 tỷ USD đối với các dự án khí đốt thiên nhiên kể từ khi Thỏa thuận khí hậu Paris được thông qua vào năm 2015. Gần 2/3 số dự án này là các dự án dầu khí thượng nguồn và dự án nhiệt điện. Tại cuộc họp thường niên gần đây, phía ADB đã thông báo sẽ ngừng tài trợ cho các dự án khai thác và thăm dò khí thiên nhiên trong tương lai, nhưng vẫn sẽ xem xét hỗ trợ cơ sở hạ tầng khí khu vực và các nhà máy điện chạy bằng khí dựa trên các tiêu chí đã sửa đổi.

Những lời kêu gọi ngày càng gia tăng từ thị trường vốn và các bên liên quan về giảm phát thải carbon khiến nhiều nền kinh tế đang phát triển trên khắp châu Á rơi vào tình trạng bị ràng buộc. Với việc năng lượng từ than vẫn chiếm khoảng 2/3 tổng năng lượng sơ cấp của Trung Quốc và nhu cầu than tiếp tục tăng trên nhiều thị trường khác, việc chuyển sang sử dụng khí đốt thiên nhiên được coi là rất quan trọng đối với các mục tiêu giảm phát thải. Thực tế cho thấy, một số quốc gia ở châu Á có thể đạt được những mục tiêu về khử carbon nhanh hơn bằng cách gia tăng vai trò lớn hơn của khí đốt thiên nhiên để thay thế nhiên liệu than.

Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực khí đốt sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có chính sách hỗ trợ. Thị trường châu Á cho thấy, các chính phủ, nhà cho vay, nhà cung cấp khí đốt và người tiêu dùng phải ưu tiên quản lý lượng khí thải carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị khí đốt. Cũng như các khu vực khác trên thế giới, tương lai của thị trường khí đốt châu Á cần phải được hỗ trợ bởi các chính sách định giá carbon cần thiết để hỗ trợ nhu cầu khí đốt kết hợp với chính sách phát triển công nghệ thu gom và lưu trữ CO2 (CCS) và công nghệ nhiệt phân khí đốt thiên nhiên để sản xuất hydro. Để hỗ trợ mục tiêu ngừng phát thải ròng carbon, rõ ràng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á cần nhiều hơn và thông minh hơn các khoản đầu tư khí đốt.

Nhu cầu khí đốt ổn định ở thị trường châu Á đang phát triển

Theo kịch bản cơ sở của Wood Mackenzie, nhu cầu khí đốt của châu Á sẽ đạt hơn 1.400 tỷ m3 vào năm 2050, tăng hơn 70% so với mức hiện tại. Vậy làm thế nào để thúc đẩy các quốc gia nỗ lực hơn nữa để kiềm chế gia tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức dưới 2 độ C? Trong kịch bản tăng tốc chuyển đổi năng lượng (AET-2), Wood Mackenzie đã xem xét các giải pháp trong khuôn khổ Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 nhằm đạt được mục tiêu này.

Theo kịch bản AET-2, nhu cầu tiêu thụ khí đốt thiên nhiên của châu Á vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ quá trình chuyển đổi năng lượng từ than sang khí ở các nền kinh tế đang phát triển và triển khai quy mô lớn công nghệ CCS và sử dụng nhiên liệu hydro “xanh”. Do đó, trong khi nhu cầu khí đốt ở các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ giảm đến năm 2050 thì nhu cầu ở châu Á vẫn tiếp tục tăng. Theo kịch bản AET-2, các thị trường Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á sẽ chứng kiến nhu cầu khí đốt tăng nhanh hơn so với kịch bản cơ sở do quá trình chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí đốt diễn ra mạnh mẽ hơn. Theo kịch bản AET-2, quá trình chuyển đổi từ sử dụng than sang khí đốt được dự báo sẽ giúp giảm 8% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2050.

Điều quan trọng là giả thiết trong kịch bản AET-2 là một số thị trường lớn tại châu Á sẽ chưa đạt được mục tiêu ngừng phát thải carbon ròng sau năm 2050. Do đó, kịch bản này là tương đối khả thi và phù hợp với sự tăng trưởng đáng kể nhu cầu khí đốt để thay thế than trong sản xuất điện.

Nhu cầu của châu Á thúc đẩy nguồn cung khí đốt mới

Nhu cầu khí đốt tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á sẽ hỗ trợ phát triển các nguồn cung LNG mới trong kịch bản AET-2. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hoạt động kinh doanh LNG sẽ gặp nhiều thuận lợi. Vấn đề giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường đang ngày càng đóng vai trò trọng tâm trong các quyết định đầu tư và cho vay. Điều này có nghĩa là dự án LNG trong tương lai sẽ phải thay đổi theo hướng giảm phát thải khí metan, ứng dụng công nghệ CCS, cũng như sự hợp tác giữa nhà cung cấp và người dùng trong giảm khí thải sẽ tăng lên. Với việc các bên cho vay ngày càng nhấn mạnh rằng, các dự án khí đốt phải góp phần trực tiếp vào giảm phát thải ròng carbon thì việc thay thế sử dụng than bằng khí đốt sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Sự phát triển của định giá carbon ở châu Á sẽ hỗ trợ đầu tư vào khí đốt

Đầu tư vào khí đốt trong tương lai tại châu Á sẽ phát triển song song với giá carbon mặc dù hiện tại các công ty vẫn hỗ trợ hạn chế cho việc định giá carbon. Trong kịch bản AET-2, Wood Mackenzie cho rằng, các nước châu Á sẽ chuyển sang định giá carbon, tăng giá carbon theo thời gian để khuyến khích đầu tư vào các nguồn carbon thấp và công nghệ khử carbon. Mức giá cần thiết để hỗ trợ các khoản đầu tư này cao gấp 10 lần so với giá carbon trung bình toàn cầu hiện tại, trở thành thách thức lớn ở châu Á. Tuy nhiên, đây là yêu cầu cần thiết để giảm lượng khí thải carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị khí. Việc kết hợp phần bù giá đối với khí đốt so với dầu, cộng thêm giá carbon đủ cao để hỗ trợ đầu tư công nghệ CCS đã và đang thúc đẩy chuyển dịch vốn đầu tư sang lĩnh vực khí đốt thiên nhiên.

Châu Á có thể tạo nền tảng cho một loại hình đầu tư khí đốt mới

Đối với phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á, khí đốt là yếu tố quan trọng để chống ô nhiễm không khí và hỗ trợ đạt mục tiêu không phát thải carbon ròng. Với những lời kêu gọi rút khỏi đầu tư khỏi lĩnh vực khí đốt tại châu Á, các chính phủ và các công ty khí đốt lớn phải nhấn mạnh triển vọng nhu cầu mạnh mẽ tại nhiều khu vực và vai trò của khí đốt trong việc thay thế than. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được song song với những nỗ lực to lớn để giải quyết lượng khí thải trên toàn bộ chuỗi giá trị khí. Nếu thực hiện đúng, châu Á có thể xác định loại hình đầu tư khí đốt tiếp theo.

Theo Wood Mackenzie

Viễn Đông