Các lệnh trừng phạt khiến hàng chục tàu chở dầu phải “nằm im”
![]() |
![]() |
![]() |
Ảnh Getty Images |
Theo báo cáo, một số trong 53 tàu bị nhắm mục tiêu vì vi phạm giá trần của G7 đối với xuất khẩu dầu của Nga, trong khi những tàu khác bị chỉ định vì thuộc về doanh nghiệp tàu chở dầu nhà nước Nga Sovcomflot. Một số bị trừng phạt vì cáo buộc gây rủi ro cho môi trường.
Vào tháng 2, Mỹ nhắm mục tiêu vào Sovcomflot và hơn chục tàu liên kết với công ty nhà nước này.
Theo dữ liệu được trích dẫn bởi hãng tin trên, hầu hết các tàu chở dầu bị chỉ định vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh và EU kể từ tháng 10 năm ngoái, đều không thể tiếp nhận bất kỳ lô hàng nào kể từ đó. Chỉ có ba tàu trong số đó được báo cáo là đã chất hàng và sau đó tắt máy phát tín hiệu để che giấu các hoạt động tiếp theo.
Bloomberg lưu ý rằng giá cước vận tải, vốn đang giảm một phần do lệnh trừng phạt, chứng tỏ rằng các lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn hoạt động di chuyển của tàu thuyền, nhưng không làm giảm đáng kể giá từng lô hàng của Nga.
Các Chính phủ phương Tây đã áp dụng mức giá trần cùng với lệnh cấm vận dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, nhằm tác động đến nền kinh tế của quốc gia này, đồng thời duy trì nguồn dầu thô của Nga chảy vào thị trường toàn cầu để không gây ra tình trạng tăng giá. Các biện pháp này được áp dụng vào tháng 12 năm 2022 và tiếp theo là các hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga vào tháng 2 năm 2023.
Mátxcơva phản ứng bằng cách chuyển hướng phần lớn hoạt động xuất khẩu năng lượng sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, nơi dầu thô của Nga có thể được bán với giá cao hơn giá trần của phương Tây vì New Delhi và Bắc Kinh đã chọn không tham gia lệnh trừng phạt đối với một trong những nhà khai thác dầu lớn nhất thế giới này.
Yến Anh
RT