Các bên đẩy nhanh đàm phán đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran

19:49 | 10/05/2021

|
Cả hai bên Mỹ và Iran đang đánh tín hiệu cho thấy thiện chí muốn giải quyết những vấn đề bế tắc chính.
Mỹ-Iran và hồ sơ hạt nhân Iran: Ánh sáng cuối đường hầmMỹ-Iran và hồ sơ hạt nhân Iran: Ánh sáng cuối đường hầm
Iran đánh giá lạc quan tiến bộ trong đàm phán hạt nhân với MỹIran đánh giá lạc quan tiến bộ trong đàm phán hạt nhân với Mỹ
Các bên đẩy nhanh đàm phán đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran
Các bên đẩy nhanh đàm phán đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tổng thống Biden nói Mỹ muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA (Chương trình hành động chung toàn diện) nhưng Iran cần phải quay trở lại tuân thủ thỏa thuận. Phát biểu với các phóng viên hôm 8/5, Tổng thống Biden nói ông tin rằng Iran đang tiếp cận đàm phán một cách nghiêm túc, nhưng việc Iran “nghiêm túc như thế nào và sẵn sàng làm việc gì thì là một câu chuyện khác”, “chúng tôi vẫn đang đàm phán”.

Chính phủ Iran nói sẵn sàng ngừng các hoạt động vi phạm nhưng Mỹ phải gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt thời Tổng thống Trump. Vấn đề chưa được giải quyết chính là việc Iran cần phải tuân thủ JCPOA như thế nào. Các đoàn đàm phán ở Vienna thừa nhận, các nhà khoa học Iran không thể từ bỏ những hiểu biết họ đạt được trong 3 năm qua nhưng hiện chưa rõ ràng là việc xử lý các máy ly tâm mới của Iran, có thể là phá hủy hay là đóng gói vào kho, khóa lại, hoặc đơn giản là không nối mạng nữa. Mỹ hiện nay không tham gia thỏa thuận nên đại diện của Mỹ không thể tham gia đàm phán. Các nhà ngoại giao có liên quan phải chạy như con thoi giữa hai đoàn Iran và Mỹ ở Vienna.

Sau vòng đàm phán lần thứ 4, Trưởng đoàn Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi phát biểu với Đài truyền hình Iran về ấn tượng của ông là tất cả các bên đang cam kết tìm một giải pháp. “Các báo cáo được chuyển cho chúng ta từ phía Mỹ cho thấy là họ cũng đang nghiêm túc về việc quay trở lại JCPOA”. “Cho tới nay, phía Mỹ tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng gỡ bỏ đa số những biện pháp trừng phạt, tuy nhiên, chúng ta nghĩ là những biện pháp đó còn chưa đủ. Chính vì vậy mà các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục cho đến khi Iran đạt được tất cả các yêu cầu của mình trong vấn đề này.”. “Nếu các yêu cầu của chúng ta được đáp ứng, Iran sẽ nghiêm túc trong việc quay trở lại với các trách nhiệm thực hiện đầy đủ JCPOA”.

Các bên đẩy nhanh đàm phán đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi rời phòng đàm phán hôm Thứ Sáu, 7/5/2021. Ảnh: AFP

Giữa những cuộc đàm phán của Ủy ban Chung ở Vienna, các nhóm chuyên gia vẫn tiếp tục gặp nhau để nỗ lực đưa ra những giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại. Alain Matton, Người Phát ngôn của phái đoàn EU, cho biết cuộc thảo luận của các chuyên gia sẽ được tiếp tục trong những ngày tới. “EU với tư cách là người điều phối và tạo thuận lợi của các cuộc đàm phán JCPOA sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán riêng rẽ với tất cả các thành viên và với Mỹ”. “Các bên đang tiếp tục các cuộc thảo luận ở các cấp khác nhau với mục tiêu là tất cả các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận hạt nhân và Mỹ quay trở lại JCPOA.”

Trước đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cũng cho biết Mỹ đã đưa ra các nhượng bộ mà Mỹ có thể chấp nhận và thành công hay thất bại phụ thuộc vào quyết định chính trị của Iran trong việc chấp nhận những nhượng bộ của Mỹ và quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Quan chức Mỹ cho biết việc đạt thỏa thuận cần diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran tháng 6/2021. Reuters ngày 1/5 đưa tin các quan chức ngoại giao tham gia đàm phán hy vọng đạt một thỏa thuận trước ngày 21/5/2021 khi thỏa thuận giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về giám sát một số hoạt động hạt nhân của Iran sẽ hết hạn. Dư luận cho rằng những biện pháp trừng phạt của Mỹ về dầu lửa, ngân hàng và đa số các cá nhân, tổ chức Iran sẽ được gỡ bỏ trên cơ sở thỏa thuận đạt được ở Vienna.

Sau cuộc đàm phán ngày thứ Sáu, Đại sứ Nga tại (IAEA) Mikhail Ulyanov viết trên tweet “các bên đã nhất trí về sự cần thiết đẩy nhanh quá trình đàm phán”, “Các đoàn đàm phán có vẻ sẵn sàng ở lại Vienna tới chừng nào đạt được mục đích”. “Trưởng đoàn đàm phán Iran tỏ ra thận trọng trong đánh giá về tình hình hiện nay của các cuộc đàm phán ở Vienna, rất giống với đánh giá của các đồng nghiệp Mỹ. Tuy vậy, cả hai bên Mỹ và Iran đều tránh đưa ra những đánh giá tiêu cực. Đó có lẽ là một dấu hiệu không tồi.”/.